Ngân hàng, công ty bảo hiểm lúng túng với quy định mới về bancassurance

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau hơn 1 tháng kể từ khi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực (từ ngày 1/7/2024), cả ngân hàng và công ty bảo hiểm đang lúng túng với quy định “cấm ngân hàng gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”.
Ngân hàng, công ty bảo hiểm lúng túng với quy định mới về bancassurance

Quy định này (tại Điều 15 của Luật Các tổ chức tín dụng) đang dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau. Có ngân hàng và công ty bảo hiểm còn hiểu theo hướng là pháp luật cấm bán bảo hiểm qua ngân hàng nên đang dừng bán.

Từ góc nhìn của một số luật sư, chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, quy định trên có nghĩa là việc bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) là “bán có điều kiện”, chứ không có chuyện cấm bán hoàn toàn. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành hướng dẫn chi tiết để các bên thực hiện đúng quy định, tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như ngân hàng - vốn đang trong giai đoạn khó khăn.

Khẳng định quy định mới về bancassurance là bán có điều kiện, không thể được hiểu là bị cấm hoàn toàn nhưng bà Nguyễn Ngọc Thanh, Tổng giám đốc F.I.S Vietnam cho rằng, việc quy định chung chung “cấm ngân hàng gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức" là không rõ ràng, cần có hướng dẫn chi tiết càng sớm càng tốt. Bởi hướng dẫn càng chậm, ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm phải dừng bán càng lâu sẽ chịu thiệt hại càng lớn.

Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có ngân hàng mẹ cho rằng, việc không hiểu rõ quy định về bán bảo hiểm qua ngân hàng dẫn đến không dám triển khai đã ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động kinh doanh của các công ty này, vì đây vốn là kênh đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu.

Trong khi chờ các văn bản hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng mới được ban hành (trong đó có quy định về bán bảo hiểm qua ngân hàng), theo luật sư Phạm Thị Giang, Đoàn luật sư Hà Nội, các nhà băng và công ty bảo hiểm vẫn có thể bán bảo hiểm bình thường, song bán những sản phẩm bảo hiểm bắt buộc. Còn những sản phẩm bảo hiểm tự nguyện thì tạm chưa giới thiệu, chờ hướng dẫn.

Cũng theo bà Giang, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước cần làm rõ 4 nội dung chính: Nhân viên ngân hàng có được bán bảo hiểm bắt buộc cho khoản vay do mình quản lý không; nhân viên ngân hàng có được phép bán bảo hiểm cho khoản vay trong phòng giao dịch hay chi nhánh mình làm việc không; nhân viên ngân hàng có được phép bán bảo hiểm cho khách hàng mình quản lý sau khi vay vốn thành công không (hoặc không được bán trước hoặc sau khi ký hợp đồng tín dụng bao nhiêu ngày); nhân viên ngân hàng được phép cung cấp thông tin cho bên thứ ba về hợp đồng tín dụng để bên thứ ba cung cấp dịch vụ bảo hiểm bắt buộc hay không.

Tại buổi tọa đàm hiểu đúng về phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng, được tổ chức đầu tháng 7 vừa qua, lãnh đạo các công ty bảo hiểm như ABIC, VBI, BIC… chia sẻ đang mong ngóng cơ quan quản lý nhà nước sớm có văn bản hướng dẫn về hoạt động bancassurance.

Trước đó, đầu tháng 2/2024, ngay sau khi Luật Các tổ chức tín dụng được thông qua, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, các luật sư, chuyên gia pháp lý cho rằng, Điều 15 của Luật được hiểu là các tổ chức tín dụng khi cung cấp các sản phẩm, dịch vụ của mình thì không được gắn với việc bán các sản phẩm bảo hiểm không thuộc diện bắt buộc được bán. Nghĩa là, ngân hàng chỉ được chủ động cho khách hàng tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm thuộc diện bắt buộc phải mua. Đó là các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm bắt buộc xây dựng, bảo hiểm bắt buộc cháy nổ.

Các sản phẩm này lâu nay vẫn đang được bán khá chạy tại các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ như BIC, VBI, MIC , ABIC… thông qua ngân hàng mẹ lần lượt là BIDV, Vietinbank, MB, Agribank… Còn với những sản phẩm bảo hiểm không thuộc diện bắt buộc phải mua như bảo hiểm nhân thọ thì ngân hàng không được tự ý cho khách hàng tiếp cận.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục