Bancassurance thêm áp lực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Không chỉ khối nhân thọ, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) của khối phi nhân thọ cũng đứng trước áp lực tuân thủ quy định mới.
Các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ bán qua ngân hàng tập trung vào đảm bảo an toàn tài chính của khách hàng Các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ bán qua ngân hàng tập trung vào đảm bảo an toàn tài chính của khách hàng

Bảo hiểm phi nhân thọ: Sốt ruột chờ hướng dẫn

Khoản 5, Điều 15 - Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, ngoại trừ Khoản 3, Điều 200 và Khoản 15, Điều 210 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) nghiêm cấm “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”.

Quy định trên đang dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau, bởi với nhiều sản phẩm vay vốn, tài sản thế chấp bắt buộc phải có bảo hiểm (vật chất, cháy nổ...), khách hàng có thể mua bảo hiểm tại ngân hàng (bancassurance) hoặc mua qua nhà bảo hiểm khác. Nhưng với quy định mới, bancassurance có thể hiểu là bị “cấm bán”. Điều này tác động mạnh tới “tâm lý” của các ngân hàng. Thực tế, có một số ngân hàng đang tạm dừng bán bảo hiểm để chờ thêm các hướng dẫn cụ thể. Thực trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn tới kênh bán qua ngân hàng của các doanh nghiệp phi nhân thọ vốn đang phát triển tốt, mang lại các giá trị tích cực cho khách hàng và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của thị trường bảo hiểm.

Khác với bảo hiểm nhân thọ hướng tới các giá trị bảo vệ, tiết kiệm và tích lũy, bảo hiểm phi nhân thọ tập trung vào đảm bảo an toàn tài chính của khách hàng. Các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ được phân phối qua ngân hàng hiện nay chủ yếu được thiết kế hướng tới người sử dụng dịch vụ của ngân hàng như bảo hiểm tai nạn người vay vốn, chi trả khoản vay của khách hàng cho ngân hàng khi không may có rủi ro với tính mạng, sức khỏe; bảo hiểm vật chất ô tô, bảo hiểm nhà đảm bảo an toàn tài chính cho khách hàng khi có thiệt hại với những tài sản từ nguồn vốn vay tại ngân hàng…

Giá trị bảo vệ của các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ không chỉ hướng tới khách hàng vay vốn, mà còn dành cho chính ngân hàng. Việc người đi vay được bảo vệ bởi các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ sẽ giúp các ngân hàng tránh được nguy cơ nợ xấu, qua đó đảm bảo an toàn hoạt động.

Theo ghi nhận từ Bảo hiểm BIDV (BIC), Bảo hiểm VietinBank (VBI) và Bảo hiểm Agribank (ABIC), trong 10 năm qua, 3 nhà bảo hiểm này đã chi trả hơn 20.000 tỷ đồng cho khách hàng mua bảo hiểm qua ngân hàng không may gặp rủi ro về tính mạng, sức khỏe. Nguồn tài chính này đã góp phần đảm bảo nguồn trả nợ cho ngân hàng. Về phía doanh nghiệp, sự bảo vệ tài chính từ các nhà bảo hiểm sẽ bù đắp các rủi ro, thiệt hại để đảm bảo sự ổn định, an toàn của hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Đối với các ngân hàng thương mại, Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho phép các ngân hàng được phép chủ động giảm thiểu rủi ro tín dụng bằng việc thực hiện một hoặc kết hợp các biện pháp, bao gồm cả việc sử dụng sản phẩm phái sinh tín dụng, trong đó sử dụng các hợp đồng bảo hiểm tín dụng như một biện pháp đảm bảo thứ hai cho khoản vay của khách hàng.

Thực tế, các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ liên quan đến tài sản, sức khỏe đang góp phần quan trọng nhằm giảm thiểu rủi ro khi cho vay, ngân hàng sẽ được đảm bảo thanh toán các khoản nợ của bên vay nếu khách hàng không may tử vong hoặc mất khả năng trả nợ, mà không phải tiến hành xử lý các tài sản đảm bảo của khách hàng để thu hồi nợ. Ngoài ra, các tài sản đảm bảo của khách hàng được đảm bảo nguyên giá trị nếu không may chính tài sản đảm bảo đó xảy ra rủi ro.

Trên bình diện vĩ mô, các thống kê cho thấy, nếu không có bảo hiểm, hàng nghìn tỷ tiền cho vay của các ngân hàng sẽ rơi vào nợ xấu và phải xử lý bằng tài sản đảm bảo của người vay. Do đó, bảo hiểm phi nhân thọ sẽ cung cấp thêm một “tấm lá chắn” về mặt tài chính để cả ngân hàng và người vay vốn cùng được bảo vệ, giúp duy trì sự ổn định, an toàn cho cả thị trường tài chính - ngân hàng - bảo hiểm.

Với những giá trị đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như ngân hàng đều cho rằng, hoạt động cho vay và kinh doanh bảo hiểm rất cần sự định hướng đúng đắn của các cơ quan quản lý nhà nước để phát triển mạnh mẽ hơn, qua đó mang tới những lợi ích thiết thực cho toàn xã hội.

Bảo hiểm nhân thọ: Kiểm soát chặt chẽ hơn

Bảo hiểm phi nhân thọ cung cấp thêm một “tấm lá chắn” về mặt tài chính để cả ngân hàng và người vay vốn cùng được bảo vệ, giúp duy trì sự ổn định, an toàn cho cả thị trường tài chính - ngân hàng - bảo hiểm.

Năm 2023, ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam trải qua cuộc khủng hoảng niềm tin lớn nhất lịch sử liên quan đến việc bán bảo hiểm qua ngân hàng. Cuộc khủng hoảng này khiến tăng trưởng doanh số của khối nhân thọ giảm mạnh sau giai đoạn dài tăng trưởng cao. Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm thị trường nhân thọ 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 70.000 tỷ đồng, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm 2023. Còn theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, doanh thu đến từ bancassurance cũng giảm mạnh, khi kênh này toàn thị trường 6 tháng đầu năm giảm 39%.

Liên quan đến bancassurance, theo quy định mới nhất tại Thông tư 34/2024/TT-NHNN ban hành ngày 30/6/2024 và có hiệu lực ngay từ ngày ký, các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với các loại hình bảo hiểm theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Khi thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định của pháp luật liên quan (Điều 14 - Hoạt động đại lý bảo hiểm). Như vậy, sau nhiều tranh luận và Báo Đầu tư Chứng khoán cũng có nhiều bài phân tích, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định loại bỏ nội dung cấm bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư qua kênh bancassurance, các ngân hàng vẫn được bán bảo hiểm theo quy định về kinh doanh bảo hiểm.

Dù không cấm, nhưng theo Nghị định 46/2023/NĐ-CP ngày 1/7/2023 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đã dành 17 điều (từ Điều 97 đến Điều 113) quy định về bảo hiểm liên kết đầu tư, đồng thời Thông tư 67/2023/TT-BTC ngày 2/11/2023 của Bộ Tài chính cũng có nhiều quy định cụ thể đối với dòng sản phẩm này.

Chẳng hạn, Khoản 4, Điều 97 - Nghị định 46/2023/NĐ-CP đưa ra một quy định mới, đó là doanh nghiệp phải thiết lập bảng minh họa trên website của doanh nghiệp để khách hàng có thể tự kiểm tra, tìm hiểu về sản phẩm liên kết đầu tư từ ngày 1/7/2024. Đối với đại lý tổ chức, ngân hàng thương mại phải đáp ứng một số điều kiện để hoạt động đại lý như thành lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm; người đứng đầu bộ phận chuyên trách thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng - bảo hiểm và có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát đối với chất lượng hoạt động đại lý của nhân viên trong tổ chức đại lý…, cùng với đó là các quy định chặt chẽ trong việc ghi âm, ghi hình khi bán sản phẩm.

Điều 53 - Thông tư 67/2023/TT-BTC quy định, tổ chức tín dụng “không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời hạn 60 ngày trước và 60 ngày sau ngày giải ngân toàn bộ khoản vay”.

Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký IAV, với những quy định trên, việc bán bảo hiểm liên kết đầu tư tại Việt Nam được coi là chặt chẽ nhất thế giới. Với những quy định mới theo hướng kiểm soát chặt chẽ hơn, doanh số thị trường bảo hiểm nhân thọ trong ngắn hạn sẽ còn giảm, nhưng đây cũng là cơ hội để thanh lọc đội ngũ bán hàng ngày một hiệu quả và chất lượng hơn.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục