Bancassurance: Nên bắt buộc công bố tỷ lệ duy trì hợp đồng thay vì cấm bán sản phẩm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kênh bancassurance vẫn sẽ được duy trì, dù không được bán bảo hiểm liên kết đầu tư, thế nhưng sự phát triển của kênh này chắc chắn bị ảnh hưởng.
Bảo hiểm liên kết đầu tư là sản phẩm bán chạy trên kênh bancassurance Bảo hiểm liên kết đầu tư là sản phẩm bán chạy trên kênh bancassurance

Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 40/2011/TT-NHNN (Thông tư 40) quy định về cấp giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong đó, Điều 16 nêu rõ, các ngân hàng thương mại sẽ không được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.

Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, quy định này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng, nhà bảo hiểm, mà còn cả khách hàng mua bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance).

“Việc Ngân hàng Nhà nước dự tính cấm bán các sản phẩm liên kết đầu tư (bao gồm cả bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị) qua kênh phân phối ngân hàng sẽ tác động rất lớn đến kênh này”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nói.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, đặc biệt là bảo hiểm liên kết chung, là xu hướng phát triển sản phẩm bảo hiểm nhân thọ chung trên thế giới với tỷ trọng đóng góp ngày càng tăng trong danh mục sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.

Tại Việt Nam, tỷ trọng đóng góp doanh thu của các dòng sản phẩm liên kết chung chiếm khoảng 60% - 70% doanh số khai thác mới trong những năm gần đây, trong đó kênh phân phối ngân hàng đóng góp tới 50%.

Số liệu thống kê của IAV cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2024, số lượng hợp đồng khai thác mới đạt 342.844 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 40,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư dù giảm 41,6% nhưng vẫn chiếm tỷ trọng 58,6% (sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 51,6% và giảm 26%; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 7% và giảm 77,2%).

Dưới góc độ cơ quan soạn thảo, Ngân hàng Nhà nước giải thích việc cấm bán là do sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng với các sản phẩm huy động vốn, ủy thác đầu tư mà ngân hàng thương mại cung cấp cho khách hàng.

Trước đó, tại Thông tư số 67/2023/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định số 46/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính cũng cấm các tổ chức tín dụng tư vấn, giới thiệu, chào bán bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.

Lãnh đạo một doanh nghiệp nhân thọ nhìn nhận, nếu sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư bị cấm bán qua kênh bancassurance thì khách hàng mua bảo hiểm qua kênh này sẽ không có nhiều sản phẩm để lựa chọn, trong khi nếu được bán đúng, bán đủ, tư vấn rõ ràng thì đây vẫn là sản phẩm tốt.

“Thay vì cấm cản, nên chăng các cơ quan quản lý chỉ cần siết chặt việc bán sản phẩm này bằng cách yêu cầu các ngân hàng công bố tỷ lệ duy trì hợp đồng tối thiểu, nếu tỷ lệ đóng phí năm thứ hai thấp thì cho thời hạn 6-12 tháng để sửa chữa. Sau thời gian này, nếu ngân hàng vẫn không đạt tỷ lệ đóng phí tối thiểu thì phải ngưng bán cho đến khi đẩy được tỷ lệ này tăng lên trên mức tối thiểu theo quy định. Điều này vừa tạo điều kiện cho ngân hàng, nhà bảo hiểm đa dạng hóa danh mục sản phẩm, vừa tránh ảnh hưởng tới sự phát triển của kênh phân phối rất quan trọng như bancassurance”, vị này nêu quan điểm.

Trước đó, đại diện IAV từng đề xuất rằng, cần có cơ chế đánh giá, giám sát kênh bancassurance thông qua tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm năm thứ 2 (K2). Việc kiểm soát chỉ số K2 như là tiêu chí quan trọng nhất đánh giá chất lượng hoạt động của kênh bán qua ngân hàng, bởi nếu tỷ lệ K2 cao nghĩa là nhiều khách hàng không thực sự có nhu cầu mua bảo hiểm nhưng vẫn bị “ép” mua.

Được biết, Thông tư mới dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2024, trùng với thời điểm hiệu lực chính thức của Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Việc thay đổi quy định pháp luật sẽ dẫn tới các thay đổi cơ bản các kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính, chiến lược thị trường của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như các ngân hàng thương mại. Vì vậy một số ý kiến đề xuất cho phép các hợp đồng đại lý bảo hiểm đã ký trước ngày Luật có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo quy định cũ, chưa áp dụng quy định mới cho đến hết thời hạn của hợp đồng đại lý bảo hiểm và không tính thời gian gia hạn của các hợp đồng này.

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục