Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh thu phí bảo hiểm quy năm của kênh bancassurance 2 tháng đầu 2024 tiếp tục giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2023, theo số liệu của các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm quy năm của kênh bancassurance giảm 47%, phí thực thu năm đầu 2023 giảm 54%. Đồng thời, doanh thu phí bảo hiểm kênh bancassurance chỉ còn chiếm 48% tổng doanh thu phí toàn thị trường, so với mức luôn trên 50% như giai đoạn trước.
Các doanh nghiệp nhân thọ cũng như ngân hàng có triển khai bán bảo hiểm đều nhìn nhận, việc siết chặt hơn hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng từ cơ quan quản lý sẽ khiến tốc độ tăng trưởng thu nhập từ kênh này tại ngân hàng và doanh thu phí bảo hiểm tại doanh nghiệp nhân thọ chậm lại so với giai đoạn 2019-2022.
Cùng với đó, nền kinh tế gặp khó khăn, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng… dẫn tới nhu cầu mua bảo hiểm giảm. Chưa kể, thị trường cũng cần thời gian thích ứng với các quy định mới theo hướng ngày càng kiểm soát chặt hơn hoạt động kinh bảo hiểm nói chung, bán bảo hiểm qua ngân hàng nói riêng, cũng như phục hồi niềm tin của khách hàng với kênh này.
Đối với các quy định về bán bảo hiểm qua ngân hàng, bên cạnh quy định tại Thông tư 67/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, trung tuần tháng 1/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, một số điều khoản có hiệu lực từ 1/1/2025), trong đó hành vi “gán việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng” được đưa vào danh sách nghiêm cấm thực hiện (mục 5, Điều 15).
Ngoài ra, trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội mới đây về việc Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 80/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm mới đã nghiêm cấm việc các cán bộ bảo hiểm tư vấn sai hoặc tranh giành, lôi kéo, dùng các thủ đoạn để bán bảo hiểm. Bộ cũng đã thực hiện việc kiểm tra, thanh tra khi có khiếu nại những hành vi đó và xử phạt nghiêm minh. Những vấn đề có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã được chuyển qua cơ quan điều tra để xử lý.
Liên quan tới quy định xử phạt vi phạm hành chính về bán bảo hiểm qua ngân hàng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay, vừa qua, khi tham gia xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng 2024 với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đã đề xuất không được bán bảo hiểm, tư vấn để bán bảo hiểm kèm theo sản phẩm của ngân hàng. Đồng thời, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 cũng quy định, trước 60 ngày và sau 60 ngày khi thực hiện bán sản phẩm của ngân hàng thì các công ty bảo hiểm không được mua bán các sản phẩm bảo hiểm để tránh trường hợp “ép” mua trong giai đoạn chuẩn bị thẩm định hồ sơ cho vay hoặc thực hiện giải ngân…
“Trong quy định về xử phạt hành chính, chúng tôi cũng đưa ra những hành vi cụ thể và đặc biệt là ngoài xử lý bằng tiền phạt, còn có các hình phạt bổ sung như đình chỉ, thậm chí rút giấy phép kinh doanh… để thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong lĩnh vực này”, người đứng đầu ngành tài chính nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm, trong năm qua, Bộ Tài chính đã thanh tra 10/17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có doanh thu qua kênh ngân hàng, đưa ra 5 kết luận đối với 5 công ty bảo hiểm và đang chuẩn bị đưa các kết luận còn lại.
Được biết, năm nay, Bộ Tài chính có kế hoạch thanh tra 14 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, bao gồm cả hoạt động bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng.