Ngân hàng chủ động ứng phó với biến động thuế quan

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Là đối tượng chịu tác động gián tiếp từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ, các ngân hàng đã sớm tính toán các kịch bản ứng phó. Những thông tin này được lãnh đạo các nhà băng minh bạch tới cổ đông, giới đầu tư.
Đông đảo cổ đông tham dự đại hội cổ đông của SHB để tiếp cận thông tin từ lãnh đạo Ngân hàng Đông đảo cổ đông tham dự đại hội cổ đông của SHB để tiếp cận thông tin từ lãnh đạo Ngân hàng

Đo lường ảnh hưởng

Với việc tăng trưởng tín dụng quý đầu năm ước đạt trên 2,5% (tính đến ngày 25/3/2025, theo Ngân hàng Nhà nước), lãnh đạo các nhà băng từng cho rằng, không quá khó để đạt được mục tiêu tăng trưởng 16% trong năm nay khi kỳ vọng thị trường bất động sản hồi phục. Song biến động chính sách thuế quan của Chính phủ Mỹ từ đầu tháng 4 tới nay đang khiến các nhà băng thận trọng hơn bởi cho rằng diễn biến này sẽ tác động lên tín dụng, nhất là đối với lĩnh vực xuất khẩu và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Từ góc nhìn của BIDV, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng cho rằng, thuế quan của Mỹ ảnh hưởng đến 300.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng, tương đương 15% tổng dư nợ của BIDV.

Theo ông Tú, tình hình kinh doanh của Ngân hàng trong năm 2025 sẽ bị tác động nếu Mỹ áp thuế đối ứng với hàng hóa Việt Nam ở mức cao. Những ngành nghề có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn bao gồm thép, cơ khí, nhựa, thủy sản, dệt may, phương tiện vận tải, máy tính và bất động sản công nghiệp. Nhu cầu vay vốn sẽ sụt giảm khi các doanh nghiệp xuất khẩu bị đình trệ, buộc phải cắt giảm sản xuất để tìm kiếm thị trường mới, từ đó kéo theo sự suy giảm trong nhu cầu tín dụng. Đồng thời, hoạt động huy động vốn, đặc biệt là từ các doanh nghiệp FDI sẽ bị ảnh hưởng, bởi phần lớn lượng tiền gửi của nhóm này là ngoại tệ.

Chủ tịch Vietcombank (VCB) Nguyễn Thanh Tùng nhận định, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất nhập khẩu. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu, nên nếu Mỹ đánh thuế cao sẽ có tác động rất lớn đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nếu Mỹ áp dụng thuế ở mức 15% thì sẽ làm giảm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ, còn nếu áp dụng đến 46% sẽ làm giảm 55 - 56% kim ngạch xuất khẩu sang nước này. Chính sách thuế của Mỹ sẽ tác động đến VCB mạnh hơn các ngân hàng khác, bởi VCB đang chiếm 20% thị phần thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại toàn ngành và có danh mục khách hàng FDI lớn hơn so với ngân hàng khác, chiếm hơn 20% tổng dư nợ bán buôn, hơn 40% tổng huy động vốn và hơn 50% doanh số thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại khách hàng bán buôn.

Còn Chủ tịch VietinBank Trần Minh Bình cho rằng, nền kinh tế sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ chính sách thuế mới, nhưng có thể nhìn thấy những tín hiệu tích cực từ tăng trưởng đầu tư công. VietinBank đang bám sát và chủ động tiếp cận các dự án đầu tư công lớn, kể cả của các chủ đầu tư trong và ngoài nước. Từ năm ngoái, Ngân hàng đã gặp gỡ các đối tác nước ngoài, tiếp cận các dự án và sẵn sàng cung cấp vốn và dịch vụ cho các dự án này. Dù nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn từ chính sách thuế của Mỹ, VietinBank chưa đưa các yếu tố này vào mô hình kinh doanh năm 2025, vì hiện tại rất khó định lượng cụ thể mức độ tác động.

Từ góc nhìn của ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng, ngành ngân hàng cũng đối mặt với nhiều thách thức: Thứ nhất, cạnh tranh trong ngành sẽ khốc liệt hơn; thứ hai, việc tuân thủ quy định từ cơ quan quản lý ngày càng gắt gao; thứ ba, GenAI hay tội phạm tấn công mạng xã hội phải được chú trọng. Vì thế, ACB cũng áp dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động của mình. ACB tập trung đẩy mạnh 3 khía cạnh: ngành bán lẻ, phát triển mảng khách hàng doanh nghiệp, hoàn thiện các khía cạnh của ACB, đồng thời tiếp tục thay đổi phương thức hoạt động, mô hình kinh doanh, tập trung đẩy mạnh cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.

Nỗ lực ứng phó

Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch ACB cho biết, trong giai đoạn tiếp theo, Ngân hàng sẽ phát triển từ tốt lên nổi bật. ACB đã đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng/năm để phát triển hạ tầng giao dịch, hệ thống lõi. Sắp tới, ACB sẽ đầu tư công nghệ cho ngân hàng số ACB; nghiên cứu và triển khai AI để nâng cao hiệu quả, hiệu suất. Đội ngũ bán hàng của Ngân hàng đã được trang bị, tiếp cận AI để có thể phát triển tốt hơn. Năm 2025 là khởi đầu của giai đoạn chiến lược 5 năm (2025 - 2030) của ACB, mục tiêu chủ yếu nhất của chiến lược này là duy trì khả năng sinh lời (ROE) tối thiểu 20% như 5 năm vừa qua và tiếp tục gia tăng. Các mảng hoạt động liên quan đến khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, định chế tài chính tiếp tục là các động lực tăng trưởng chính.

Mặc dù chưa có kết quả chính thức từ các cuộc đàm phán thương mại lớn, song các nhà băng đang thận trọng xây dựng các kịch bản ứng phó. Chủ tịch BIDV khẳng định, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Ngân hàng hoàn toàn có khả năng kiểm soát tốt chất lượng tài sản, như đã từng làm trong giai đoạn 2020 - 2024, khi lợi nhuận trước thuế tăng gấp ba lần (từ 10.000 tỷ đồng lên gần 32.000 tỷ đồng. Năm nay, BIDV lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, dự kiến 16%; lợi nhuận trước thuế sẽ theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong khi nợ xấu được kiểm soát dưới 1,4%. Trong quý I/2025, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của BIDV đạt 7.019 tỷ đồng, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Tú, “Ban lãnh đạo BIDV đã thành lập một ban chỉ đạo ngay sau khi Tổng thống Trump công bố việc áp thuế”.

BIDV đã lường trước kịch bản nếu Mỹ áp thuế đối ứng cao với hàng hóa Việt Nam sẽ có ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng, huy động vốn và lợi nhuận của Ngân hàng. Cụ thể, nhu cầu tín dụng bị thu hẹp thì tăng trưởng không được như kỳ vọng. Lợi nhuận chắc chắn bị ảnh hưởng khi chất lượng tài sản suy giảm, chi phí trích lập dự phòng tăng lên và tín dụng không đạt mục tiêu. Ngân hàng đã nghiên cứu những khó khăn cụ thể, cá thể hoá khó khăn để cùng doanh nghiệp tháo gỡ. BIDV đang yêu cầu các chi nhánh làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp. Về kế hoạch trích lập dự phòng, năm nay, BIDV sẽ trích xoay quanh 21.000 tỷ đồng như 2024. Tốc độ tăng trưởng tín dụng lên tới 16% nên tỷ lệ trích dự phòng so với dư nợ tín dụng giảm xuống.

Quan ngại về chính sách thuế quan của Mỹ, song ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, VCB bình tĩnh phối hợp chặt chẽ với khách hàng để đưa ra các giải pháp hạn chế tác động tiêu cực nếu hàng hóa Việt Nam bị đánh thuế với mức cao như dự kiến ban đầu. Theo ông Tùng, có hai giải pháp cơ bản, một là chính sách đa dạng hóa chuyển dịch thị trường; hai là, chính sách hỗ trợ tài chính trong lúc gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi các đơn hàng không xuất khẩu, đơn hàng bị giảm gây ảnh hưởng hoạt động, sản xuất - kinh doanh.

Các giải pháp của VCB cùng khách hàng là báo cáo cơ quan quản lý có thẩm quyền để cùng có chỉ đạo, định hướng chung, gắn với từng ngành nghề, khách hàng để có giải pháp cụ thể trong thời gian tới.

Mới đây, VCB đã ký thỏa thuận tài trợ cho Vietnam Airlines mua 50 máy bay thân hẹp Boeing; tài trợ khách hàng nhập khẩu khí hóa lỏng, máy móc thiết bị từ Mỹ. Đây là một trong những giải pháp tổng thể để giảm thặng dư thương mại Việt Nam và Mỹ, tạo điều kiện để tiến tới thỏa thuận thuế quan hợp lý hơn.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục