Ngân hàng Chính sách xã hội: Chủ lực trong thực hiện tín dụng chính sách

(ĐTCK) Ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã khẳng định như vậy với Đặc san Toàn cảnh ngân hàng. 
Ngân hàng Chính sách xã hội đang nỗ lực đẩy nhanh chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở với đối tượng hộ nghèo đô thị Ngân hàng Chính sách xã hội đang nỗ lực đẩy nhanh chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở với đối tượng hộ nghèo đô thị

Là ngân hàng chủ lực trong việc thực hiện tín dụng chính sách của Nhà nước, thế nhưng nguồn vốn luôn là vấn đề “đau đầu” của NHCSXH nhiều năm trước. Vậy Ngân hàng đã có những giải pháp gì để có đủ vốn thực hiện nhiệm vụ?

Để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH đã thực hiện nhiều giải pháp về công tác nguồn vốn. Thứ nhất, Ngân hàng thực hiện tốt công tác phát hành trái phiếu theo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thứ hai, chúng tôi nhận tiền gửi 2% của các tổ chức tín dụng Nhà nước. Thứ ba, Ngân hàng tăng cường huy động tiền gửi từ các tổ chức và cá nhân tại trụ sở NHCSXH, cũng như huy động tiền gửi tiết kiệm dân cư tại điểm giao dịch xã.

Bên cạnh đó, NHCSXH đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các chủ đầu tư trong và ngoài nước chuyển vốn ủy thác sang Ngân hàng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác... Đặc biệt, Ngân hàng đã tích cực thu hồi tốt nợ đến hạn của các chương trình để thực hiện cho vay quay vòng, với số tiền trên 45.000 tỷ đồng.

Có nguồn vốn là một chuyện, nhưng sử dụng đảm bảo chất lượng nguồn vốn là một câu chuyện khác, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lý 

Đúng là như vậy. Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh giải ngân các chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH đã tích cực làm tốt công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng. Quy trình cho vay và đối tượng cho vay được thực hiện nghiêm túc, tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động đạt chất lượng, tỷ lệ tốt và khá đạt trên 96%, chỉ còn 1,62% tổ đạt chất lượng trung bình và kém, công tác phối kết hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương được củng cố. Đặc biệt, việc sử dụng vốn và hiệu quả sử dụng vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác được nâng cao.

Nhờ đó, nợ quá hạn chỉ chiếm khoảng 0,41% tổng dư nợ, thấp nhất trong toàn hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay.

Một vấn đề đang được xã hội rất quan tâm gần đây là việc triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội. Tuy nhiên, tiến trình có vẻ như khá chậm?

Tới thời điểm này, có thể khẳng định chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP chính thức sẵn sàng giải ngân cho những khoản vay đầu tiên. Chương trình cho vay này có ý nghĩa rất lớn. Đây là lần đầu tiên từ chủ trương của Quốc hội hướng tới đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thu nhập thấp ở các đô thị. Bởi trước đó chúng tôi cũng cho vay về nhà ở, nhưng là chương trình cho vay nhà ở cho hộ nghèo ở nông thôn theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg. Với chương trình cho vay của Nghị định 100 có ba đối tượng được vay vốn là cho vay để mua nhà ở xã hội, cho vay để thuê mua nhà ở xã hội và cho vay để sửa chữa nhà ở.

Để chuẩn bị triển khai tốt chương trình này, chúng tôi đã tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ giải ngân chương trình tín dụng này cho cán bộ trên toàn hệ thống. NHCSXH đã có kinh nghiệm trong việc phục vụ cho vay lĩnh vực tài chính vi mô. Khi triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, chúng tôi thực hiện theo hướng đơn giản nhất thủ tục vay vốn. Chẳng hạn, người vay đang đi công tác ở tỉnh, thành phố khác cũng có thể nộp vào tài khoản trả nợ tại bất kỳ phòng giao dịch quận, huyện nào của NHCSXH tại các tỉnh, thành phố và chúng tôi không thu một đồng phí nào.

Mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội là 4,8%/năm, theo ông, có đáp ứng được nguyện vọng của những đối tượng trong diện được vay mua nhà ở xã hội?

Bao giờ người vay cũng muốn vay với lãi suất thấp. Lãi suất thấp quá thì ngân sách nhà nước phải bù lỗ nhiều. Khi bù lỗ nhiều cũng gây áp lực ngược lại ngân sách và nguồn vốn bố trí cho vay có thể sẽ thấp đi và ít người được vay. Theo tính toán của chúng tôi, đây là chương trình cho vay dài, Chính phủ cũng đã đặt ra nguyên tắc khung là lãi suất cho vay nhà ở xã hội tối đa bằng hoặc không vượt quá 50% lãi suất của các tổ chức tín dụng cho vay cùng loại với kỳ hạn trung và dài hạn.

 Những hộ nghèo ở nông thôn là một trong những đối tượng cho vay chính của Ngân hàng Chính sách xã hội

Trên cơ sở khung đó, hiện nay, lãi suất của các ngân hàng thương mại có tham gia cho vay nhà ở xã hội là 5%/năm, nên chúng tôi tính toán đề xuất các bộ, ngành trình Chính phủ mức lãi suất cho vay 4,8%/năm. Lãi suất cho vay nhà ở xã hội được Chính phủ ban hành theo từng năm một. Nhìn trên tổng thể, chúng tôi cho rằng, lãi suất cho vay trong năm nay ở mức như vậy là hợp lý.

Nhu cầu vay nhà ở xã hội là rất lớn, trong khi nguồn vốn thì lại có hạn. Vậy NHCSXH có những giải pháp gì để đảm bảo cho vay đúng đối tượng và công bằng?

NHCSXH sẽ căn cứ trên cơ sở biểu mẫu của Bộ Xây dựng ban hành để xác định người thu nhập thấp cùng với các quy định về các đối tượng cán bộ, công nhân viên chức thế nào thì được vay vốn.

Chúng tôi cũng nghĩ tới chuyện sẽ có chỗ này, chỗ khác tư lợi để ưu tiên cho người nhà mình trong quá trình xét duyệt. Nhưng hồ sơ xác định đủ tiêu chuẩn vay hay không là do tổ chức hội đoàn thể bình xét, chính quyền xã, phường xác nhận, tức là qua rất nhiều vòng xét duyệt. Nếu đáp ứng đủ điều kiện và trong phạm vi nguồn vốn đáp ứng đủ thì chuyển lên ngân hàng giải ngân ngay. Còn nếu người vay đủ tiêu chuẩn vay nhiều hơn nguồn vốn đáp ứng thì tiếp tục chấm điểm thêm các tiêu chí khác. Nếu nhiều người vay bằng điểm nhau thì tiến hành bốc thăm, để đảm bảo người vay trước, người vay sau, chứ không phải không được vay.

Còn đối tượng có đúng không thì sẽ do chính xã hội phát hiện và phản biện. Bởi nếu một người ở xã, phường nào đó được vay vốn, nhưng không đúng đối tượng thì chắc chắn những người trong xã, phường đó sẽ có ý kiến, phản biện. Và hiện nay, tại các điểm giao dịch xã phường, chúng tôi đều có hòm thư góp ý và có đường dây nóng để người dân phản ánh, phản biện.

Lại quay về với câu chuyện nguồn vốn, được biết, chương trình cho vay nhà ở xã hội chỉ được Nhà nước bố trí 50% nguồn vốn, còn lại NHCSXH tự lo. Vậy, Ngân hàng đã chuẩn bị như thế nào?

Trong năm 2018 này, ngân sách Nhà nước bố trí 500 tỷ đồng và NHCSXH phải huy động đối ứng, thành tổng nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội là 1.000 tỷ đồng. Còn theo kế hoạch duyệt của Chính phủ từ nay đến năm 2020, tổng nguồn vốn Chính phủ cấp cho NHCSXH là 1.163 tỷ đồng và chúng tôi phải huy động đối ứng thêm từng ấy nữa. Như vậy, kế hoạch đến năm 2020 sẽ có nguồn vốn cho vay ra với chương trình cho vay nhà ở xã hội là 2.236 tỷ đồng.

Ghi nhận ý kiến từ nhiều người vay vốn, họ rất băn khoăn với quy định một trong những điều kiện được vay vốn là phải gửi tiết kiệm tại NHCSXH tối thiểu 12 tháng. Ông giải thích thế nào về điều này?

Với điều kiện này thì chỉ sau khi thủ tục bình xét cho vay xong và xin ký hợp đồng tín dụng thì người vay mới chính thức phải gửi tiền tiết kiệm. Có nghĩa khi chắc chắn khách hàng sẽ ký hợp đồng vay thì họ mới bắt đầu phải gửi tiết kiệm tại Ngân hàng.

Khi vay khách hàng nhận một khoản tiền lớn để chuyển cho các hợp đồng mua nhà ở xã hội. Trong khi tiền gửi tiết kiệm này là trích từ thu nhập của người vay hàng tháng. Và trong thời gian tối thiếu 1 năm, người vay gửi tiết kiệm thì đổi lại chúng tôi ân hạn không thu nợ ngay khoản vay của khách hàng.

Số tiền gửi tiết kiệm của khách hàng gửi càng nhiều càng tốt, nhưng phải tối thiểu bằng số tiền trả nợ hàng tháng của một năm. Ngân hàng cũng thiết kế lãi suất tiền gửi tiết kiệm này bằng lãi suất cho vay trong năm đó, như hiện nay là 4,8%/năm. Với những quy định gửi tiết kiệm như vậy, theo chúng tôi, khách hàng không gặp khó khăn gì, vì đó là tiền tiết kiệm hàng tháng của khách hàng. 

Hồng Dung thực hiện.
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2018

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục