Xu hướng phát triển của Fintech tại Việt Nam
Khái niệm Fintech xuất hiện tại Việt Nam cùng với các công ty trung gian thanh toán vào năm 2008 và đã không còn xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, đến nay, các công ty Fintech vẫn đang ở những bước đầu phát triển và mới bùng nổ mạnh mẽ trong khoảng 2 - 3 năm qua.
Tính tới tháng 3/2017, Việt Nam đã có gần 50 công ty Fintech hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như thanh toán, cho vay, quản trị dữ liệu, quản lý máy POS, tài chính cá nhân, gọi vốn cộng đồng (crowdfunding), so sánh lãi suất… Chiếm đa số trong đó vẫn là các công ty hoạt động trong mảng thanh toán.
Việt Nam là một thị tường có dân số trẻ (gần 62% dân số trong độ tuổi từ 15 đến 54 tuổi), sử dụng internet và điện thoại thông minh nhiều, nhưng chỉ khoảng 30% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng và chỉ 3% sử dụng thẻ tín dụng trong thanh toán. Điều này đã biến nơi đây trở thành một thị trường đầy tiềm năng cho các công ty Fintech khai thác và phát triển, lấp đầy khoảng trống mà các ngân hàng đang để lại.
Ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Ðội.
Bởi vậy, không chỉ có các công ty Fintech của Việt Nam mà nhiều công ty Fintech quốc tế và các quỹ đầu tư nước ngoài như Investree của Indonesia hay The FinLab của Singapore cũng đang hướng tới thị trường này.
Với xu hướng phát triển nhanh và mạnh, Fintech đang có nhiều cơ hội để tăng thị phần, cùng với đó là tăng tính cạnh tranh đối với các ngân hàng và công ty tài chính, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán.
Hướng tới một nền kinh tế không dùng tiền mặt
Với chủ trương tiến tới một nền kinh tế thanh toán không dùng tiền mặt, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng những chính sách mới để đẩy mạnh việc hạn chế lưu thông tiền mặt trong nền kinh tế.
Theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.
Với mục tiêu này, việc đẩy mạnh công nghệ trong tài chính là thiết yếu. Vì vậy, bên cạnh việc ban hành các chính sách khuyến khích thương mại điện tử, Chính phủ cũng đang có những chính sách khuyến khích sự phát triển của Fintech như việc Ngân hàng Nhà nước thành lập Ban chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính với nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Thống đốc các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ sinh thái, kể cả hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech ở Việt Nam phát triển, phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ.
Thực tế, bên cạnh các cơ hội, sự bùng nổ của Fintech sẽ đem đến một số rủi ro cho hệ thống tài chính ngân hàng như sự thuận tiện có thể khiến một số khách hàng tham gia những dịch vụ mà họ không thực sự hiểu về các quyền hạn, nghĩa vụ của bản thân, việc thu thập và quản lý dữ liệu khách hàng còn nhiều hạn chế, trong khi đây lại là cơ sở dữ liệu quan trọng để phát triển và đảm bảo tính an toàn của các dịch vụ trực tuyến, đồng thời các quy định, hành lang pháp lý chưa theo kịp tốc độ phát triển của Fintech có thể gây ra những rủi ro pháp lý cho toàn thị trường...
Do đó, để đảm bảo tính ổn định của hệ thống, cần hoàn thiện khung pháp lý để hỗ trợ ngân hàng và công ty Fintech cùng nhau phát triển.
Nuôi dưỡng các ý tưởng Fintech
Trên thế giới, nhiều ngân hàng đang để mắt đầu tư vào các công ty Fintech như Ngân hàng Barclays đã hỗ trợ 60 startup trong khuôn khổ các chương trình cải tiến ở London, New York, Tel Aviv and Cape Town.
Các ngân hàng khác như Citigroup hay Banco Santander SA đã thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm mua cổ phần của các công ty Fintech. Mặc dù hạ tầng công nghệ thông tin của các ngân hàng hiện đại nhưng vẫn lỗi thời nếu so với công nghệ của các Fintech nên rất khó để họ có thể tích hợp các công nghệ hiện đại vào hệ thống này.
Điều đó cho thấy, các ngân hàng trên thế giới rất quan tâm nhưng vẫn đang bước những bước đi rất chậm trong việc tự tạo dựng các Fintech của mình, và điều này cũng là điểm hạn chế đối với các ngân hàng tại Việt Nam.
Trong bối cảnh các ngân hàng và công ty tài chính hiện nay chưa thể tiếp cận với nhiều loại hình khách hàng, việc hợp tác với Fintech chính là cách các nhà băng và công ty Fintech nối dài cánh tay của mình để tiếp cận với các nhóm khách hàng khác nhau.
Kinh nghiệm, uy tín lâu năm của các ngân hàng cùng với sự mới mẻ, năng động của các công ty Fintech sẽ tạo ra những sự kết hợp vừa đảm bảo tính bền vững, vừa đảm bảo tính đổi mới, đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng trong việc cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính.
Nói cách khác, việc hợp tác sẽ giúp các ngân hàng và công ty Fintech bổ sung cho nhau. Đây là một hướng đi cần thiết để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, tốc độ phát triển của thị trường, đồng thời đảm bảo tính an toàn thị trường, khi có sự kết hợp về chuyên môn tài chính ngân hàng và chuyên môn về công nghệ.