Room tăng trưởng lớn dành cho DNNVV
LienVietPostBank - Chi nhánh Cầu Giấy cho biết, tính đến ngày 31/3/2019, tổng dư nợ cho vay của Chi nhánh đạt 1.850 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp (DN) đạt 1.431 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào cho vay DNNVV.
Tại Vietcombank, tính đến hết quý I/2019, tổng dư nợ cho vay của Sở giao dịch là 27.000 tỷ đồng, trong đó riêng nhóm DNNVV là gần 3.000 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ. Sang năm 2019, mặc dù định hướng tăng trưởng tín dụng đối với khách hàng DN lớn là 3%, thì DNNVV tiếp tục được định hướng tăng đến 22%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 15% và toàn ngành là 14%.
“Việc dành room tăng trưởng lớn thể hiện sự quan tâm, tập trung nguồn lực của Vietcombank để ưu tiên phát triển đối với nhóm khách hàng này”, lãnh đạo Vietcombank nói.
Tại BIDV, Ngần hàng đã thiết lập quan hệ giao dịch với 64.000 khách hàng DN, chiếm 24% tổng lượng khách hàng. Trong đó, có khoảng 6.000 khách hàng có quan hệ tín dụng với dư nợ khoảng 180.000 tỷ đồng, chiếm 28% dư nợ khách hàng DN. Tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân 3 năm gần nhất đạt 8%/năm. Doanh số giải ngân cho vay đạt khoảng 415.000 tỷ đồng.
Với DNNVV, Hà Nội là địa bàn mà nhóm DN này phát triển mạnh, chiếm hơn 97% tổng lượng DN trên địa bàn. Hiện tại, BIDV đã thiết lập quan hệ giao dịch với khoảng 62.600 DNNVV, trong đó có khoảng 5.200 DNNVV có quan hệ tín dụng với dư nợ khoảng 60.000 tỷ đồng, chiếm 32% dư nợ khách hàng DNNVV, doanh số cho vay khoảng 110.000 tỷ đồng, chiếm 27% doanh số giải ngân. Tốc độ tăng trưởng dư nợ DNNVV tại địa bàn Hà Nội của BIDV rất lớn, bình quân 3 năm gần đây đạt khoảng 28%/năm. Doanh số giải ngân theo các chương trình tín dụng ưu đãi chiếm khoảng 30%.
Vướng mắc từ đâu?
Con số trên cho thấy, các ngân hàng đã có những định hướng mở hơn đối với DN, đặc biệt là phân khúc khách hàng DNNVV. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận vốn ngân hàng của DNNVV vẫn gặp khó khăn.
Về phía ngân hàng, Vietcombank cho rằng, để đáp ứng các tiêu chuẩn quản trị ngày càng cao theo thông lệ quốc tế, các ngân hàng đưa ra nhiều điều kiện đối với khách hàng vay vốn. Trong đó, những điều kiện mang tính chuẩn mực được đưa ra dựa trên cơ sở quy định của pháp luật và mọi DN vay vốn cần tuân thủ. Những DNNVV khi mới bắt đầu tham gia kinh doanh thì hệ thống kế toán, tài chính chưa được cập nhật thường xuyên, tính minh bạch của thông tin chưa cao nên thường khó đáp ứng được các điều kiện này của phía ngân hàng.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng chưa thực sự mặn mà với phân khúc khách hàng này do đánh giá dựa trên hiệu quả kinh doanh vốn. Với một nguồn nhân lực hữu hạn của các ngân hàng, khi xử lý một bộ hồ sơ vay của DNNVV, thường là khoản vay nhỏ, việc thu thập hồ sơ, thẩm định, quản lý trong và sau cho vay vẫn phải tuân thủ quy trình cho vay đầy đủ như các khoản vay của các DN thông thường. Do đó, với cùng mức chi phí quản lý và nguồn lực, nhưng hiệu quả cho vay lại chưa tương xứng.
Đồng quan điểm, đại diện LienVietPostBank cho hay, thứ nhất, đó là thực trạng hệ thống báo cáo tài chính của các DN nhỏ, đặc biệt DN siêu nhỏ, chưa chuẩn chỉnh, chưa đầy đủ thông tin, hoặc thông tin chưa chính xác, nên gây khó khăn cho phía ngân hàng khi thực hiện thẩm định thông tin khách hàng.
Thứ hai, đối với các DN nói chung, ngoại trừ các DN đã đạt mức tín nhiệm cao có thể vay tín chấp tại các tổ chức tín dụng, thì đa số các DN không có đủ tài sản đảm bảo đáp ứng tiêu chí thanh khoản và giá trị đảm bảo tốt theo quy định. Ngân hàng phải cân nhắc, xem xét nhận tài sản đảm bảo là quyền đòi nợ hoặc hàng tồn kho để có thể hỗ trợ vốn cho khách hàng. Như vậy, so với các DN thông thường, ngân hàng gặp rủi ro lớn hơn khi thực hiện cho vay đối tượng khách hàng DN phân khúc này.
Thứ ba, đối với các khách hàng DN siêu nhỏ, do đặc thù khách hàng buôn bán nhỏ lẻ và chưa thực sự bài bản trong việc quản lý tài chính, nên ngân hàng khó quản lý dòng tiền để thu hồi nợ.
“Hiện nay, các ngân hàng thương mại phải đảm bảo tuân thủ chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn khi cho vay các DN thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Mặt khác, các ngân hàng phải chủ động cân đối nguồn vốn, trong khi mặt bằng lãi suất huy động từ khu vực dân cư khá cao, dẫn đến ảnh hưởng kết quả kinh doanh của các ngân hàng và giảm hiệu quả triển khai của chương trình”, ông Quách Hùng Hiệp, Phó tổng giám đốc BIDV bổ sung.
Giải pháp tháo gỡ
Ông Quách Hùng Hiệp cho rằng, để tăng hiệu quả của chính sách cho vay đối tượng ưu tiên, NHNN cần nghiên cứu các giải pháp như tái cấp vốn, cấp bù lãi suất, có cơ chế xác định nhóm nợ và cơ chế trích lập dự phòng, xử lý rủi ro riêng… để hỗ trợ và khuyến khích các ngân hàng triển khai.
Đại diện LienVietPostBank cho biết, việc cho vay của ngân hàng phụ thuộc nhiều vào room tín dụng của NHNN. Để có thể đáp ứng các nhu cầu vay thường xuyên của DN, đề xuất NHNN không tính vào room tín dụng chung của LienVietPostBank đối với các khoản cho vay dành cho khách hàng DNNVV, siêu nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế ưu tiên.
“Các cơ quan hữu quan thực hiện rà soát và tháo gỡ các vướng mắc của DN khi thực hiện xin cấp bảo lãnh từ Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV (Nghị định 34/2018/NĐ-CP), qua đó phát huy và tăng cường vai trò hỗ trợ của Quỹ đối với DN trong quá trình tiếp cận vốn ngân hàng”, đại diện LienVietPostBank nói.
Vietcombank kiến nghị, NHNN cần có những cơ chế mới thích hợp hơn, thông thoáng hơn để các ngân hàng chủ động xem xét nhu cầu vay vốn của DN; tư vấn đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành để đưa ra các gói hỗ trợ DNNVV sát với thực tế thị trường, đưa ra các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DNNVV trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng để duy trì và mở rộng sản xuất - kinh doanh.
Đối với DN, một trong những điều kiện ngân hàng đặc biệt quan tâm khi thẩm định hồ sơ vay là tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh. DN có bộ máy kinh doanh được tổ chức, quản lý bài bản sẽ giúp ngân hàng dễ dàng ra quyết định cho vay hơn. Chính vì vậy, các DNNVV cần áp dụng các hệ thống quản trị nội bộ để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao về điều kiện cho vay của các ngân hàng.
“Để khơi thông dòng vốn tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, hỗ trợ DN phát triển, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, NHNN, địa phương. Cùng với đó, các DN cũng cần chủ động nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động, quản trị điều hành để đáp ứng các điều kiện vay vốn từ ngân hàng”, ông Hiệp nhấn mạnh.