Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết, thời gian qua NHNN đã xây dựng các Chương trình hành động của ngành, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp.
Cụ thể, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ - tín dụng chủ động, linh hoạt và đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất và kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp;
NHNN đã xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là một trong năm lĩnh vực ưu tiên, chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho vay, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực này thấp hơn từ 1% - 1,5%/năm so với các lĩnh vực thông thường khác;
Thêm vào đó, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay của TCTD theo hướng tăng cường thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm của TCTD trong việc cho vay đối với doanh nghiệp, người dân;
Ngoài ra, NHNN còn triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn trong một số ngành/lĩnh vực; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện cơ chế hỗ trợ DNNVV, tích cực triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV.
Được biết, từ năm 2014, NHNN đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai rộng rãi trên toàn quốc Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp.
Với những nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng, dư nợ tín dụng nền kinh tế cuối năm 2018 tăng gần 14% và trong 3 tháng đầu năm 2019, tiếp tục tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2018.
Phó Thống đốc cho biết, tín dụng cho doanh nghiệp đạt 4.009.160 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 55% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tín dụng cho DNNVV đạt 1.307.000 tỷ đồng, tăng 15.57%, chiếm tỷ trọng 18% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Trong đó 54% dư nợ cho vay DNNVV trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, 41% trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, 5% là lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đến cuối tháng 2/2019, dư nợ DNNVV còn 1.300.000 tỷ đồng với 180.995 DN còn dư nợ.
Ông Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội khoá 14, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ một số giải pháp Hiệp hội đã triển khai những năm qua nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay của Ngân hàng để mở rộng kinh doanh, ổn định sản xuất.
Điển hình như việc ký kết thoả thuận hợp tác với BIDV nhằm giải quyết vấn đề vốn cho doanh nghiệp, thông qua triển khai các chương trình cấp tín dụng, dịch vụ đối với DNNVV. Theo đó, hàng năm BIDV sẽ dành nguồn vốn tín dụng 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho các DNNVV là Hội viên của Hiệp hội và do Hiệp hội giới thiệu.
Đại biểu phát biểu tại Hội nghị
Hay như ký kết Thoả thuận khung với LienVietPostBank triển khai các giải pháp hỗ trợ tài chính toàn diện cho đối tượng là Hội viên của VINASME; ký kết hợp tác chiến lược Chương trình hỗ trợ toàn diện cho DNNVV với Công ty cổ phần tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam (Verco); tổ chức Diễn đàn vốn cho DNNVV với chủ đề “Giải pháp tiếp cận vốn từ quỹ và các định chế tài chính”. Đây sẽ là cơ hội giúp DNNVV tiếp cận được nguồn vốn từ quỹ chính phủ, tư nhân, các định chế tài chính khác.
Để nâng cao hiệu quả của các chương trình tín dụng đặc thù nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn và đáp ứng nhu cầu vốn vay cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 và Nghị quyết 02 của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Ngoài ra, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.