Ngân hàng áp đảo trong cuộc đua phát hành trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
Gần đây, các ngân hàng tăng cường phát hành trái phiếu để huy động vốn dài hạn khi lãi suất giảm, nhằm tăng quy mô nguồn vốn hoạt động, phục vụ nhu cầu cấp tín dụng...
Trong 2 tháng đầu quý II/2021, TPBank phát hành 6 đợt với 5.000 tỷ đồng Trong 2 tháng đầu quý II/2021, TPBank phát hành 6 đợt với 5.000 tỷ đồng

Dồn dập gọi vốn qua kênh trái phiếu

Theo báo cáo của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 5/2021 có 47 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị đạt 28.910 tỷ đồng và một đợt phát hành trái phiếu xanh trên thị trường quốc tế của Công ty cổ phần Bất động sản BIM với giá trị phát hành 200 triệu USD.

Trong đó, nhóm ngân hàng dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 18.485 tỷ đồng (chiếm gần 64%).

Trong 2 tháng đầu quý II/2021, các ngân hàng thương mại đã phát hành tổng cộng 33.674 tỷ đồng. Một số nhà băng có khối lượng phát hành lớn như VPBank (15 đợt với 8.900 tỷ đồng), TPBank (6 đợt với 5.000 tỷ đồng), ACB (3 đợt với 5.000 tỷ đồng)...

Một phân tích của VietinBank được đưa ra hồi tháng 2/2021 cho biết, nhu cầu phát hành trái phiếu của các ngân hàng thương mại trong năm 2021 sẽ vẫn tăng cao, đặc biệt là trái phiếu tăng vốn nhằm giúp các ngân hàng bổ sung vốn cấp 2, tăng tỷ trọng nguồn vốn trung, dài hạn và cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR).

Trái phiếu ngân hàng hút nhà đầu tư

HDBank vừa công bố kết quả phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 7 năm, được phát hành từ ngày 2/6. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được đảm bảo bằng tài sản, là nợ thứ cấp của tổ chức phát hành, với lãi suất phát hành thực tế áp dụng cho kỳ thanh toán lãi đầu tiên là 7,775%/năm. Kết quả công bố, một tổ chức tín dụng trong nước đã mua hết 500 tỷ đồng trái phiếu này.

Năm 2021, HDBank muốn huy động tối đa 11.500 tỷ đồng trái phiếu thông qua 2 đợt.

Trong khi đó, ACB vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ. Đây là lần thứ 3 trong năm 2021, ngân hàng này huy động vốn qua kênh trái phiếu. Theo đó, ACB có kế hoạch phát hành tối đa 3.000 trái phiếu, kỳ hạn 3 năm với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tương ứng với tổng mệnh giá phát hành tối đa là 3.000 tỷ đồng. Đây là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không phải nợ thứ cấp của ACB và không được bảo đảm bằng tài sản. Lãi suất trái phiếu sẽ cố định trong suốt thời hạn, mức lãi suất cụ thể sẽ được quyết định tùy theo điều kiện thị trường, nhu cầu nhà đầu tư và phương án phát hành.

VIB cũng huy động được 4.000 tỷ đồng (mệnh giá 1.000 tỷ đồng) vốn giá rẻ trong chưa đầy một tháng qua, lãi suất chỉ từ 3,7 - 4%/năm. Nguồn vốn huy động từ trái phiếu được VIB dùng để tăng quy mô vốn hoạt động, cấp tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.

VietinBank mới đây đã phát hành riêng lẻ 1.500 tỷ đồng trái phiếu vào đợt I/2021 và 85 tỷ đồng trái phiếu vào đợt II/2021. Lãi suất trái phiếu phát hành thực tế 6,5 - 6,7%/năm cho các tổ chức trong nước. Theo VietinBank, việc phát hành nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, tăng vốn cấp 2 cũng như cho vay…

Vân Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục