Ngẫm về những án phạt trên thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Hàng loạt quyết định xử phạt hành chính với tổ chức và cá nhân vi phạm được nhà quản lý ban hành kể từ đầu năm.
Ngẫm về những án phạt trên thị trường chứng khoán

Ðầu tháng 5, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố quyết định xử phạt nhà đầu tư Nguyễn Minh Toàn 550 triệu đồng do ông này đã sử dụng 1 tài khoản của mình và 21 tài khoản đứng tên người khác mở tại 3 công ty chứng khoán để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu của Công ty cổ phần (CTCP) Ðầu tư Phát triển Xây dựng và Thương mại Việt Nam (mã MBG).

Ðây là nhà đầu tư cá nhân thứ hai phải chịu phạt hành chính (550 triệu đồng) về tội thao túng giá cổ phiếu kể từ đầu năm 2018 đến nay.

Hàng loạt quyết định xử phạt hành chính với tổ chức và cá nhân vi phạm được nhà quản lý ban hành kể từ đầu năm, chủ yếu phạt các lỗi về công bố thông tin, chậm nộp báo cáo khi giao dịch…

Mức phạt các lỗi vi phạm này khá thấp, nên thực tế thị trường thường không mấy chú ý. Tuy nhiên, trong lòng thị trường, không thiếu những câu chuyện nhà quản lý đáng nghe, đáng giám sát mạnh mẽ để tìm ra những vi phạm ẩn sâu khác, góp sức tạo dựng và giữ gìn niềm tin của nhà đầu tư.

Ðiểm dễ thấy nhất là câu chuyện sở hữu chéo giữa các doanh nghiệp (DN) trên thị trường chứng khoán ngày càng nhằng nhịt và phức tạp, khiến nhà đầu tư như lạc vào ma trận của các mối “quan hệ” lợi ích.

Như Ðầu tư Chứng khoán đã từng phân tích, hàng chục, hàng trăm DN niêm yết có mối quan hệ sở hữu lẫn nhau, trong đó có những DN sở hữu vài chục công ty con, công ty liên kết trong các dòng họ cao su, dầu khí, Sông Ðà, bất động sản…

Sở hữu chéo có thể mang lại lợi ích lớn cho các thành viên nhờ sức mạnh của chuỗi sản xuất kinh doanh khép kín. Nhưng đây cũng là môi trường thuận lợi cho việc chuyển giá, giao dịch phi thị trường, dễ dàng làm đẹp hoặc xấu đi bức tranh tài chính của một DN trong chuỗi sở hữu đó, thông qua các bút toán nội bộ.

Gần đây, một số nhà đầu tư lên tiếng đặt dấu hỏi về chất lượng quản trị và sự minh bạch trong các giao dịch nội bộ tại CTCP Thủy sản Vĩnh Hoàn, CTCP Tôn Hoa Sen cho thấy, trình độ nhà đầu tư hiện nay đã khác, đã nhìn thấu hơn dòng chảy tài chính trong nhóm DN cùng mẹ hoặc cùng lợi ích liên đới.

Kể từ khi cơ quan quản lý thị trường chứng khoán kiên quyết quản lý tận chân tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư thì những dấu hiệu câu kết, thao túng, tạo cung cầu giả tạo của một chủ tài khoản nào đó không còn khó nhận biết.

Tuy nhiên, bối cảnh thị trường hiện nay đòi hỏi nhà quản lý thị trường chứng khoán phải sát sao hơn nữa, bên cạnh việc giám sát tài khoản của nhà đầu tư, cần giám sát sự minh bạch và chân thực trong bức tranh tài chính của các DN trên sàn để phát hiện các vi phạm tiềm ẩn, vi phạm từ gốc.

Khi nhà quản lý nhìn sâu vào sự minh bạch của các DN trên sàn sẽ buộc DN phải minh bạch và chuẩn mực trong dòng chảy kinh doanh, tài chính. Các nhà đầu tư sẽ theo đó để tìm kiếm niềm tin và cơ hội trên thị trường. 

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục