Xử lý khủng hoảng, chuyện không bao giờ cũ

(ĐTCK) Câu chuyện của Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) xảy ra tuần qua cho thấy xử lý khủng hoảng thông tin với các doanh nghiệp niêm yết không bao giờ là vấn đề cũ, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang điều chỉnh giảm.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Cổ phiếu VND đã có giảm sàn hai phiên liên tiếp khi xuất hiện thông tin về việc HOMEDIRECT -  công ty có vốn góp của VND và Công ty cổ phần Tập đoàn Ðầu tư IPA - liên quan đến vụ án tổ chức đánh bạc trực tuyến nghìn tỷ đồng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị VND, bà Phạm Minh Hương đã kịp thời làm công văn giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở GDCK TP. HCM và Sở GDCK Hà Nội làm rõ câu chuyện; đồng thời lên tiếng trấn an nhà đầu tư, khiến tâm lý thị trường ổn định trở lại, giao dịch VND trở về trạng thái cân bằng.

Sự cố xảy ra với VND là rõ ràng, dễ nhận biết để Ban lãnh đạo Công ty phản ứng. Tuy nhiên, trên TTCK có không ít doanh nghiệp mà giá cổ phiếu giảm thái quá, nhưng Ban lãnh đạo không rõ nguyên nhân, hoặc có thông tin rất tốt mà giá cổ phiếu lại không tăng tương xứng.

Vì sao lại có hiện trạng này?

Thực tế, vấn đề mấu chốt nằm vẫn nằm ở công tác truyền thông của doanh nghiệp. Khi thị trường tăng thì chỉ cần một tin tốt được đồn thổi đã đủ thu hút dòng tiền làm giá cổ phiếu tăng, nhưng khi thị trường giảm thì cũng có đủ lý do, tin đồn để giá cổ phiếu giảm.

Ðể vững bước trong bối cảnh thị trường tâm lý chi phối, Ban lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết cần làm tốt một việc: Ðó là minh bạch thông tin trên các kênh chính thống, nhất là báo chí tài chính uy tín.

Giới đầu tư nhỏ lẻ hiện nay cũng phân nhóm khá rõ ràng, nhóm đầu cơ theo tin và nhóm đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp định giá rẻ. Khi nhóm đầu cơ bỏ đi là lúc nhóm đầu tư cơ bản xuất hiện. Họ luôn tìm được cơ hội tốt trong lúc thị trường chao đảo. 

Rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chưa trả lời được câu hỏi: Vì sao giá cổ phiếu của chúng tôi rơi sâu? Bỏ qua yếu tố làm giá, thì việc lãnh đạo doanh nghiệp không quan tâm đúng mức công tác truyền thông doanh nghiệp, không đầu tư chuẩn mực cho giá trị thương hiệu, là một trong những nguyên nhân chính khiến cổ phiếu bị dòng tiền lãng quên.

Doanh nghiệp trong tình cảnh giá cổ phiếu rơi sâu là lúc nhóm đầu tư giá trị tìm kiếm các thông tin trực tiếp từ chính người lãnh đạo để họ tự định giá theo cách riêng của mình.

Vì thế, những thông tin do chính chủ tịch hội đồng quản trị hay tổng giám đốc công ty phát ngôn sẽ thu hút sự quan tâm nhà đầu tư hơn hẳn các bản báo cáo phân tích của công ty chứng khoán.

Những thông tin lãnh đạo chủ chốt công ty đưa ra có thể không tác động ngay đến giá cổ phiếu, nhưng sớm hay muộn sẽ được phản ánh vào giá cổ phiếu khi đủ thời gian để chứng minh những gì lãnh đạo doanh nghiệp nói là sự thật hay không.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp duy trì tốt kỷ luật công bố thông tin định kỳ, lãnh đạo thường xuyên tiếp xúc và có những phát ngôn công khai trên thị trường thì niềm tin được gieo sâu vào nhà đầu tư. Trường hợp doanh nghiệp gặp sự cố, thì những phát ngôn của lãnh đạo doanh nghiệp như vậy vào thời điểm nhạy cảm sẽ dễ tác động làm đảo chiều giá cổ phiếu.

Trên thị trường hiện nay, số doanh nghiệp làm được việc này là rất ít. Bởi thế mỗi khi thị trường giảm, Ban lãnh đạo doanh nghiệp lại loay hoay với sức ép: Làm gì để cổ đông không mất tiền? 

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ