Nỗi thấp thỏm của nhà đầu tư

(ĐTCK) Nhà đầu tư chứng khoán đang phải tiếp nhận nhiều thông tin về kết luận của Kiểm toán Nhà nước sau các đợt kiểm tra, thanh tra, yêu cầu các doanh nghiệp nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước số tiền rất lớn.
Nỗi thấp thỏm của nhà đầu tư

Ðiển hình là trường hợp Sabeco và Habeco khi cả 2 doanh nghiệp đều bị Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu số tiền hàng nghìn tỷ đồng.  

Dù không thể bình luận về tính chuẩn mực trong kết luận của Kiểm toán Nhà nước, nhưng quy trình, thời điểm thanh tra, kiểm tra nên như thế nào để đảm bảo công khai minh bạch và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư chứng khoán là câu chuyện rất được nhiều người quan tâm.

Trường hợp của Sabeco được nhiều nhà đầu tư bình luận hơn cả khi kết quả kiểm tra của Kiểm toán Nhà nước được đưa ra ngay sau khi Bộ Công thương chào bán thành công phần vốn góp Nhà nước cho nhà đầu tư nước ngoài.

Một tỷ phú Thái Lan đã chi gần 5 tỷ USD mua cổ phần Sabeco với mức giá cao gây chấn động thị trường tài chính trong nước và khu vực.

Nhiều băn khoăn được đặt ra là, nếu quyết định của Kiểm toán Nhà nước có hiệu lực thì phải chăng Bản cáo bạch hay bản công bố thông tin chào bán cổ phần cạnh tranh mà Bộ Công thương công bố đã chưa nói hết các câu chuyện tại doanh nghiệp? Phải chăng nhà đầu tư đã không được tiếp nhận đủ thông tin?...

Tại Habeco, Kiểm toán Nhà nước vừa công bố con số 3.100 tỷ đồng phải nộp vào ngân sách cũng đang gây choáng cho giới đầu tư. Ðây rõ ràng là thông tin nhạy cảm và là một loại rủi ro đối với cả nhà đầu tư tổ chức và cá nhân khi đầu tư vào doanh nghiệp có gốc nhà nước.

Ðại hội đồng cổ đông mới đây của Vissan cũng tiết lộ việc bán cổ phần nhà nước đang dừng lại theo chủ trương của UBND TP.HCM nhằm kiểm tra việc bán vốn và tài sản Nhà nước ở các doanh nghiệp mà Nhà nước có vốn góp. Việc cổ phần hóa ở Công ty Du lịch Phú Thọ - đơn vị sở hữu cổ phần Công viên nước Ðầm Sen cũng dừng lại vì lý do này.

Lý do của chủ trương “dừng lại” này đang được nhiều nhà đầu tư cảm nhận thông qua vụ việc được thông tin gần đây như nỗi lo bán rẻ đất công cho Quốc Cường Gia Lai. Nhiều người lo ngại rằng, sẽ có thêm các vụ việc truy thu tài sản, vốn nhà nước ở các mức độ khác nhau trong thời gian tới.

Doanh nghiệp làm sai, phải truy thu các khoản sai là bình thường, nhưng với nhà đầu tư đại chúng, đây lại là một loại rủi ro bất ngờ, không lường trước được. Khoản truy thu, dù ít dù nhiều đều ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp, những tài sản mà cổ đông nhỏ lẻ đang tưởng và đang xác định thuộc về mình sau khi các báo cáo kiểm toán tài chính năm được công bố bởi các công ty kiểm toán được công nhận.

Nhiều nhà đầu tư mong rằng, quy trình thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng nên được thực hiện trước khi công bố các bản chào bán cổ phần lớn và nên làm một thể trước khi tiếp tục quá trình cổ phần hóa, bán vốn Nhà nước.

Có như vậy mới tránh được khoảng hụt về niềm tin khi các kết luận thanh tra, kiểm tra dòng tài chính của doanh nghiệp được công bố.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục