Ngạc nhiên kinh tế đo lường mối quan hệ giữa các dữ liệu kinh tế thực tế và dự đoán của các nhà kinh tế. Do đó, nó giống như một thước đo năng lực dự đoán kinh tế hơn là đo lường sức khỏe thực của nền kinh tế.
Tuy nhiên, nó cũng nói cho chúng ta biết một câu chuyện về các thành viên thị trường.
Và bởi vì các thành viên thị trường là các đối tác kinh doanh quan trọng của nhau, nên sẽ là hợp lý nếu giả định rằng, các nền kinh tế Mỹ và Eurozone chuyển động cùng nhau ở một mức độ nào đó.
Tuy nhiên, năm nay, và đặc biệt là trong mùa hè này, chúng ta lại chứng kiến các dữ liệu kinh tế Mỹ cải thiện và chỉ số ngạc nhiên tăng, trong khi các dữ liệu kinh tế Eurozone tồi tệ và chỉ số ngạc nhiên giảm.
Khung cảnh kinh tế ảm đạm của châu Âu vừa trở nên sầu thảm hơn bởi các biện pháp trừng phạt kinh tế, và mối quan hệ xấu đi với Nga, một đối thác thương mại cực kỳ quan trọng của châu Âu.
Trên thực tế, đây là lý do tại sao Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang gây ngạc nhiên bằng các biện pháp tăng cường nới lỏng tiền tệ, trong khi Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại rục rịch thắt chặt cung tiền.
Liệu Mỹ có thể tiếp tục tăng trưởng nếu Eurozone tiếp tục đi xuống? “Tôi nghĩ, nó sẽ như vậy”, tiến sỹ Ed Yardeni, Chủ tịch kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư của Yardeni Research, Inc., nói. “Câu hỏi đặt ra là, tại sao hai nền kinh tế lại chia tách nhau như thế? Câu trả lời ngắn gọn là, hệ thống an sinh xã hội vẫn quá lớn ở Eurozone. Có quá nhiều các quy định và cơ quan quản lý, trong khi lại thiếu các doanh nhân và doanh nghiệp. Các thị trường lao động vẫn quá cứng nhắc. Các ngân hàng hiện không cho vay, trong khi các thị trường vốn còn tương đối bị hạn chế về nguồn. Khu vực này phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt của Nga, và không chịu khó tìm kiếm các nguồn năng lượng nội địa”.
Mặc dù vậy, không thể nói là hai nền kinh tế này hiện đang vận hành một cách độc lập lẫn nhau.
“Nếu châu Âu rơi trở lại suy thoái, kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ cảm thấy điều đó theo những cách nhất định”, Byron Wien của Blackstone cảnh báo.
Wien gần đây đã viết về các cuộc trò chuyện mà ông tham gia trong “một loạt bữa trưa với các nhà đầu tư lớn”.
“Tôi đã bị bất ngờ bởi sự lạc quan của họ về triển vọng của nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh khó khăn, bất ổn ở khắp mọi nơi trên thế giới”, Wien nói. “Tôi tự hỏi, liệu nền kinh tế của chúng ta có tiếp tục phát đạt giữa vô vàn vấn đề ở những nơi khác như vậy. Nổi lên trong số những vấn đề đó là sự đe dọa từ chiến tranh mạng và chủ nghĩa khủng bố. Quy trình chính trị của chúng ta dường như không thể phản ứng với những thách thức mà nước Mỹ đang đương đầu và sự bất bình đẳng đang là một vấn đề ngày càng nghiêm trọng. Liệu kinh tế Mỹ có tiến về phía trước ở nhịp tạo việc làm vừa phải cùng với tất cả những thách thức này?”