Ðược biết, OCB sớm triển khai chuyển đổi công nghệ, ngân hàng số. Theo ông, điều đó tác động ra sao đến việc trải nghiệm của khách hàng, hoạt động ngân hàng?
Ðối với hoạt động của ngành ngân hàng cũng như các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh khác, quyền lựa chọn sản phẩm lúc nào cũng thuộc về người dùng. Với tư cách là người dùng sản phẩm, chắc hẳn họ sẽ lựa chọn các sản phẩm tốt nhất.
Ðặc biệt, trong bối cạnh thị trường tài chính đang ngày một cạnh tranh trên nền tảng số, công nghệ hiện đại như ngày nay thì quyền lựa chọn của khách hàng cao hơn và dễ dàng hơn.
Có nghĩa, thông tin được rộng mở và khách hàng có thể tiếp cận thông tin một cách dễ dàng hơn so với trước. Chính vì thế, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm cũng phải từng bước đầu tư, thay đổi đem lại trải nghiệm cho người dùng.
Ðáng chú ý, trong lĩnh vực tài chính, nếu không đặt ra mục tiêu thay đổi để có được sản phẩm hàng đầu trên thị trường thì sẽ thất bại.
Bởi đơn giản, không phải ngân hàng muốn trở thành hàng đầu vì muốn thể hiện, mà nếu ngân hàng không tạo ra được sản phẩm có chất lượng hàng đầu trên thị trường sẽ không có chỗ trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay.
Vì thế, việc chuyển đổi số cũng như đẩy mạnh ngân hàng số chính là mục tiêu không chỉ với OCB, mà tất cả các ngân hàng đều vào cuộc.
Chuyển đổi số là vấn đề sống còn của ngân hàng. Vậy khó khăn và thách thức nhất đối với ngân hàng trong đẩy mạnh chuyển đổi số là gì?
Ông Nguyễn Đình Tùng.
Mỗi khó khăn sẽ nổi lên ở một thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng đầu tiên các ngân hàng phải nghĩ đến là sự thay đổi liên tục của người dùng sản phẩm cũng như yêu cầu của khách hàng ngày càng gia tăng.
Yêu cầu của người dùng được quyết định bởi sự so sánh các quyền lợi mà họ được hưởng. Ðặc biệt, khi công nghệ ngày một lan tỏa mạnh, người tiêu dùng có nhiều cơ hội để lựa chọn, không chỉ bó hẹp trong thị trường nội địa, mà còn vươn ra bên ngoài.
Do đó, thách thức nhất mà ngân hàng phải đối mặt chính là sự thay đổi liên tục về yêu cầu của người dùng.
Vì thế, ngân hàng phải có sự đầu tư, đồng thời thay đổi để đáp ứng nhu cầu càng cao của khách hàng. Bên cạnh đó, việc bảo toàn thông tin cũng là một trong những yếu tố luôn được ngân hàng đặt lên hàng đầu trong quá trình đẩy mạnh chuyển đổi số.
Muốn tạo ra một sản phẩm, dịch vụ tốt, ngân hàng không những nâng cấp bằng nhiều ứng dụng khác nhau mà còn phải tương tác với các đối tác khác bên ngoài.
Trong đó, có việc kết hợp với Fintech, công ty về hàng tiêu dùng, kết nối hệ thống..., hay còn gọi là Open Banking, chứ không đơn giản chỉ có hệ thống “đóng” mới cung cấp được dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
Tuy nhiên, một khi hệ thống càng mở thì khả năng xâm nhập càng dễ, cộng với giao dịch qua hệ thống thương mại điện tử ngày càng lớn, trở thành “mảnh đất” hấp dẫn đối với các cuộc tấn công mạng.
Gần đây, số lượng tấn công mạng tại thị trường Việt Nam có dấu hiệu gia tăng, do quy mô thị trường ngày càng mở rộng và làn sóng công nghệ ngày càng lan tỏa rộng.
Vậy OCB đã đầu tư ra sao cho vấn đề bảo mật khi đẩy mạnh chuyển đổi số?
OCB đã sớm ý thức được công cuộc chuyển đổi số và đã có sự đầu tư trong thời gian qua cũng như phải tiếp tục đầu tư thì mới bắt kịp được xu hướng chuyển đổi.
Sự chuyển đổi diễn ra liên tục và theo các nhịp khác nhau. Có những công nghệ có tuổi thọ 1 - 2 năm, song có những công cụ công nghệ tuổi thọ ngắn, đòi hỏi ngân hàng phải thay đổi hàng năm.
Chẳng hạn, Core banking là hệ thống rất cơ bản để quản lý các hoạt động của ngân hàng, nhưng thông thường phải thay đổi 3 năm một lần.
Ðồng thời, mỗi lần đầu tư vào hệ thống Core banking, giá trị cao hơn trước rất nhiều, nhưng đòi hỏi nhà băng phải liên tục nâng cấp, đó là chưa kể đến các ứng dụng tương tác với khách hàng cũng thường xuyên thay đổi.
Tuy nhiên, so với trước đây, khi muốn thay đổi công nghệ, ngân hàng thường phải làm từ bên trong thì hiện ngân hàng có nhiều lựa chọn với các sản phẩm công nghệ bên ngoài.
Chi phí đầu tư vào công nghệ của ngân hàng mỗi năm có quá lớn?
Chi phí đầu tư vào công nghệ của OCB hàng năm chiếm khoảng 30 - 40% trong tổng chi phí đầu tư.
Tổng chi phí lên đến hàng triệu USD là chuyện thường thấy trong đầu tư công nghệ của ngân hàng.
Thời gian tới, chi phí đầu tư công nghệ trong ngân hàng nhiều khả năng đòi hỏi lớn hơn, nhưng không phải sự đầu tư, thay đổi nào cũng mang lại hiệu quả ngay.
Ngược lại, nếu không có sự thay đổi trong làn sóng công nghệ bùng nổ, ngân hàng sẽ không có chỗ đứng trong cuộc cạnh tranh.
Vả lại, không đầu tư để đối phó với các cuộc tấn công mạng, ngân hàng sẽ đối mặt với thách thức bảo mật. Việc đầu tư công nghệ đòi hỏi chi phí tăng, song ngân hàng không thể không đầu tư.
Chuyển đổi số của ngân hàng năm nay có quyết liệt hơn để giành thị phần?
Tôi cho rằng, cần đón nhận làn sóng chuyển đổi số trong ngân hàng một cách tự nhiên và thú vị. Với tư cách là người làm trong ngành ngân hàng và người dùng dịch vụ tài chính - ngân hàng thì càng cạnh tranh sẽ đem lại chất lượng dịch vụ tốt hơn cho người dùng cũng như ứng dụng trong số hóa của ngành ngân hàng.
Dĩ nhiên, trong cuộc cạnh tranh chuyển đổi số sẽ có người đi trước, người đi sau.
Bên cạnh đó, xu hướng hợp tác giữa ngân hàng và Fintech sẽ gia tăng, tăng trải nghiệm cho người dùng và đem lại tiện ích cao nhất cho khách hàng.
Hiện OCB đã hợp tác với MoMo, tạo điều kiện mở rộng khách hàng nhanh hơn.
Theo tôi, chuyển đổi số trong ngân hàng không chỉ đem lại trải nghiệm cho người dùng, mà còn mang lại hiệu quả trong kinh doanh cho các tổ chức tín dụng, gia tăng thị phần cũng như doanh thu, lợi nhuận nếu bắt kịp được xu thế của người dùng.
Chúng ta không thể chờ đợi hệ thống dữ liệu được hoàn chỉnh một cách hoàn hảo, mà ngân hàng phải cập nhật thêm nhiều dữ liệu khác nhau để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Quá trình chuyển đổi số cũng như số hóa trong ngân hàng phải diễn ra liên tục, không có điểm dừng, đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng sản phẩm.
Ở Việt Nam hiện nay, có hai nhóm khách hàng, gồm khách hàng trẻ thích ứng nhanh với công nghệ và nhóm khách hàng chưa thích ứng nhanh với công nghệ.
Trong đó, nhóm khách hàng chưa thích ứng nhanh với công nghệ lại là nhóm khách hàng vô cùng quan trọng với ngân hàng.
Ðó cũng là một trong những đòi hỏi các ngân hàng phải làm thế nào để tạo ra các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của nhóm khách hàng thứ hai này.