Nếp nhà…

(ĐTCK) Gặp gỡ nhau cuối năm giữa các anh chị em, tụ họp trong bữa ăn ấm cúng của đại gia đình mỗi khi Tết đến Xuân về là phong tục lâu đời của người Việt. Nhưng thực sự, nếp nhà này không phải gia đình nào cũng có được.
Nếp nhà…

1. Minh Lâm là người bạn tôi quen biết gần 20 năm nay. Từ khi tôi hiểu chuyện, thì thấy anh chẳng mấy khi có mặt trong các dịp tụ họp của bà con dòng họ. Các tiệc ma chay đám giỗ, anh Lâm đều tới ngồi chưa “ấm chỗ” là đã đứng lên đi về.

Đêm 30 Tết, trong lúc tất cả mọi người đều ở nhà, thì anh đi kiếm bạn nhậu và quán nhậu. Quán nhậu thì đóng cửa hết rồi, nhân viên cũng đã về quê ăn Tết sạch sành sanh. Còn bạn nhậu thì cũng phải theo “lệnh cồng bà” mà ở nhà sum họp gia đình và thắp nhang cúng ông bà tổ tiên. Vậy nhưng anh Lâm cũng “xoay xở” thế nào để kiếm bằng được 1 - 2 người bạn để ngồi lai rai. Đó là những người đã chia tay vợ, là những người bạn ở tuổi ngoài 40 mà vẫn độc thân do nhiều hoàn cảnh khó nói.

Không tìm được quán nhậu nữa, thì anh Lâm kêu các bạn về nhà mình chén chú chén anh. Trong khi vợ anh vừa sinh con thứ 2, đang còn loay hoay với đống tã lót cần phơi, thì anh kêu vợ đi làm mồi nhậu, luộc gà, chiên chả giò.

Ba mẹ vợ anh đã có lần chẳng đặng đừng mà than với hàng xóm về sự ít quan tâm của cậu con rể. Dường như tới thăm ông bà là sự miễn cưỡng khó khăn của anh Lâm. Ngày cận Tết, anh chạy tới biếu các cụ chai rượu gói bánh rồi mượn cớ phải đi tranh thủ tặng quà nơi khác, ra về liền. Mà thực sự, ở lứa tuổi 80 rồi, ba mẹ vợ anh đâu có cần xài đến chai rượu Tây sang trọng làm chi. Với những người già, thời gian ngồi nói chuyện với họ chừng khoảng 30 phút, đôi khi đã là món quà vô giá rồi.

Ngày Tết, bạn bè anh em không thể gặp được anh Lâm, vì mới sáng mùng Một là anh đưa cả gia đình đi chơi nước ngoài rồi. Và có khi tới “hết mùng sang mền” thì anh mới về. Anh nói chẳng khi nào cảm thấy có nhu cầu cần sum họp dịp lễ Tết, vì anh chị em trong gia đình gặp nhau khá thường xuyên. Hơn nữa, ai cũng có gia đình để lo lắng và vui chơi rồi, sao phải cần tụ họp làm gì nữa.

Nghe những lý luận của anh, mà thấy buồn. Nhưng tôi cảm thấy khá dễ hiểu, bởi anh Lâm có hoàn cảnh đặc biệt. Mẹ anh mất sớm khi anh mới 5 tuổi, ba anh đi lấy vợ khác nên anh Lâm phải bữa nay ở với bà ngoại, bữa sau ở với ông bác ruột. Anh không có sự ấm áp trong vòng tay chăm sóc của mẹ, không biết đến sự vui vầy và hạnh phúc của một gia đình đủ đầy. Hiểu được mới thấy vì sao người ta cứ nói “cha ăn mặn con khát nước” là vậy!

2. Những ngày cuối năm, đường phố Sài Gòn đông đúc hẳn. Xe cộ chộn rộn khắp nơi, kẹt xe có khi lên tới mấy tiếng đồng hồ cũng không còn điều gì lạ lẫm. Các nhà ga và bến xe, người ta xếp hàng qua đêm để mua được vé tàu vé xe về nhà ăn Tết. Và đến ngày giáp Tết, chừng 28 Âm lịch, thì phố xá vắng hoe vắng hoắt.

Một Sài Gòn ồn ào nhộn nhạo đã không còn, thay vào đó là sự tĩnh mịch ngạc nhiên. Đi trên đường phố quen thuộc mà cứ cảm giác sự lạ lẫm nào đó. Hầu hết những người có quê đều đang trên đường thiên lý để về nhà với người thân thuộc, hoặc đã yên vị ở một vùng đất nơi họ đã được sinh ra và lớn lên. Kiếm tiền ở một nơi khác, để khi Tết tới Xuân về, xài tiền ở một nơi khác. Và hơn tất thảy, vì họ có một nếp nhà để được duy trì.

Trong các mái nhà êm ấm, vị trí và vai trò của người mẹ thật sự quyết định về tinh thần đối với các thành viên. Nếu ai đã từng xa quê vào dịp lễ Tết, chỉ cần nghe lời bài hát: “Con biết Xuân này mẹ chờ tin con…”, thì hẳn sẽ rơi nước mắt. Đừng nghĩ xa xôi gì về ý nghĩa và hoàn cảnh của bài hát, chỉ là tình cảm đến với tình cảm; trái tim đến với trái tim, mới biết nếp nhà quan trọng thế nào đối với bất cứ ai đã được sinh ra trên cõi đời này.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục