Nền tảng quan trọng để phát triển đường sắt đô thị

Để cụ thể các cơ chế đột phá về phát triển đường sắt đô thị vừa được Quốc hội ban hành, tạo cơ sở cho các nhà đầu tư nhập cuộc thành công, Chính phủ và HĐND hai thành phố cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền.

Đúng một ngày sau khi Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP.HCM, Tập đoàn Đèo Cả - một trong những nhà đầu tư hạ tầng hàng đầu tại Việt Nam - đã đón Tập đoàn Đường sắt Trùng Khánh, Công ty TNHH Đầu máy Đường sắt Trường Xuân và Công ty TNHH Viện Nghiên cứu & Thiết kế Đường sắt Trùng Khánh cùng tìm hiểu cơ hội hợp tác triển khai một số dự án đường sắt đô thị.

Không khí buổi làm việc được tổ chức theo đề xuất của các đối tác Trung Quốc diễn ra rất lạc quan, nhất là khi các chính sách được quy định trong nghị quyết vừa được Quốc hội ban hành sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư, triển khai và vận hành dự án đường sắt đô thị. Dự báo, những buổi tiếp xúc, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực đường sắt đô thị tới đây, như trường hợp của Tập đoàn Đèo Cả và các đối tác Trung Quốc, chắc chắn sẽ ngày một nhiều.

Dĩ nhiên, để đi đến thỏa thuận, hợp tác cuối cùng đầu tư vào các dự án đường sắt đô thị cụ thể, thì Tập đoàn Đèo Cả cũng như đối tác nước ngoài sẽ phải trải qua những bước nghiên cứu cẩn trọng. Lý do là, dù đã có nhiều cơ chế mang tính đột phá, đặc biệt là huy động vốn, nhưng đây đều những công trình có quy mô vốn lớn, công nghệ phức tạp, chứa đựng không ít rủi ro ngay cả khi được triển khai theo phương thức đầu tư công hay theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Trên thực tế, để cụ thể các cơ chế đột phá về phát triển đường sắt đô thị vừa được Quốc hội ban hành, tạo cơ sở cho các nhà đầu tư nhập cuộc thành công, Chính phủ và HĐND hai thành phố cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền. Cụ thể, cần xây dựng định mức đơn giá khai thác, vận hành, duy tu, bảo dưỡng; chính sách khai thác sử dụng các nhà ga, trong đó có việc liên danh, liên kết, xã hội hóa trong khai thác vận hành; chính sách về giá vé hành khách, giá vận chuyển hàng hóa; chính sách về giá bán điện phục vụ khai thác vận hành…

Cùng với việc bố trí đủ vốn ngân sách cho nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư, chính quyền hai địa phương cần khẩn trương lập quy hoạch chi tiết các khu vực thuộc Mô hình Phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) để đấu thầu khai thác quỹ đất. Mục đích là vừa có thêm nguồn lực quan trọng, vừa góp phần tăng hiệu quả vận hành các tuyến đường sắt đô thị và chỉnh trang, phát triển đô thị bền vững.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần có chính sách khuyến khích, bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để tăng tính chủ động, rút ngắn thủ tục trình duyệt theo đúng nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Đây chính là những nền tảng quan trọng để Nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống, kịp thời tháo gỡ nút thắt trong đầu tư, biến cơ chế thành động lực, nguồn lực cụ thể nhằm sớm hoàn thành mục tiêu đề ra tại Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị là cơ bản hoàn chỉnh hệ thống đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP.HCM vào năm 2035. Đây còn là nền tảng góp phần giải quyết căn cơ bài toán giao thông đô thị, đồng thời mang lại những lợi ích thiết thực, cho người dân và cả nền kinh tế.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục