Nên tạm dừng ban hành quy định tạo thêm chi phí cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Thủ tướng Chính phủ cần xem xét ban hành chỉ thị tạm thời dừng đề xuất, ban hành quy định tạo thêm chi phí cho doanh nghiệp.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Thưa ông, theo số liệu kinh tế 5 tháng đầu năm 2021 mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, dường như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chưa bị ảnh hưởng nhiều như năm ngoái?

So với lần dịch trước đây, thì lần dịch này có một số điểm khác biệt.

Dịch bệnh tác động trực tiếp đến một số doanh nghiệp trong khu vực bùng dịch, khiến các doanh nghiệp này không thể kinh doanh hoặc phải giảm quy mô sản xuất, nhưng họ vẫn đang có đơn hàng. Điều này rất khác với các lần trước, khi doanh nghiệp bị đứt đơn hàng do các đối tác ở các thị trường nhập khẩu cũng rơi vào thế bị phong tỏa, dừng hoạt động.

Với các doanh nghiệp không nằm trong khu vực ảnh hưởng trực tiếp, hoạt động vẫn đang được nỗ lực duy trì, nhưng phát sinh thêm nhiều chi phí phòng chống dịch, như chi phí xét nghiệm cho người lao động...

Hiện tại, các doanh nghiệp đều đang nỗ lực để duy trì sản xuất, hạn chế mọi đứt gãy, nhưng rất có thể, nhiều doanh nghiệp sẽ khó khăn do chi phí hoạt động tăng cao...

Đang có khá nhiều quan điểm về việc nên hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào, có nên tiếp tục cách làm như năm 2020 với các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ áp dụng trên diện rộng hay chuyển hướng, xác định các đối tượng ưu tiên mới, biện pháp gì khác?

Trước hết, trong bối cảnh cấp bách hiện nay, quan điểm của tôi vẫn là ưu tiên kiểm soát dịch bệnh với giải pháp lâu dài là chiến lược vắc-xin; các doanh nghiệp đang có dư địa tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh, đang có đơn hàng, thì cần được xác định là đối tượng ưu tiên về vắc-xin và hỗ trợ để tiếp tục hoạt động một cách thuận lợi nhất.

Tôi đánh giá rất cao nỗ lực Chính phủ về những quyết sách xã hội hóa nguồn tài chính mua vắc-xin, đa dạng hóa đối tượng là doanh nghiệp tự mua và tiêm vắc-xin cho đơn vị mình. Vấn đề quan trọng nhất là, cần hoàn thiện sớm cơ chế để các doanh nghiệp có thể thực hiện ngay.

Thứ hai, phải nhắc lại khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tình hình doanh nghiệp đầu năm 2021. Theo đó, khó khăn của doanh nghiệp nói chung vẫn là thị trường, tiêu thụ sản phẩm, nguyên liệu đầu vào, lao động... Như vậy, khó khăn không chỉ đơn thuần là vấn đề tài chính. Tuy nhiên, theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP, các biện pháp thuế, phí mới chỉ dừng lại ở việc gia hạn nộp thuế. Do đó, cần xem xét có thêm những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí phòng chống dịch, xem xét miễn thuế VAT cho các vật tư phòng chống dịch.

Ngoài ra, chính quyền địa phương, đặc biệt là hiệp hội doanh nghiệp cần chủ động, tích cực trong việc phát triển thương mại điện t, thương mại điện tử xuyên biên giới.

Ngoài các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đã thực hiện và như ông đã đề xuất, thì còn vấn đề gì khác cần lưu ý nữa không?

Quan điểm của tôi là lúc này, doanh nghiệp cần được hỗ trợ để giảm tối đa chi phí hoạt động. Ngoài các giải pháp trên, có lẽ, Thủ tướng Chính phủ cần xem xét ban hành chỉ thị tạm thời dừng ban hành các quy định có thể làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp; yêu cầu thực hiện nhanh việc rà soát các quy định gây khó cho doanh nghiệp, có giải pháp kịp thời.

Đơn cử, với kiến nghị của VASEP về các mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP.HCM áp dụng đối với các lô hàng xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, chuyển khẩu tại tất cả cảng biển ở TP.HCM đang tạo ra nhiều bất hợp lý, đề nghị xem xét không thu các loại phí đã nêu trong bối cảnh kinh tế đang gặp khó khăn do Covid-19, ít nhất là cho đến hết ngày 31/12/2021; đồng thời điều chỉnh giảm các mức thu nói trên.

Cắt giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp thực ra là giải pháp lâu dài, thưa ông?

Vừa là giải pháp lâu dài, lại vừa phải được làm thường xuyên. CIEM cũng là nơi đầu mối của nhiều hoạt động rà soát, đánh giá và đề xuất cắt giảm các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh, quy trình đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế, việc này vẫn chưa thực sự được thực hiện một cách thực chất.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát các quy định, phát hiện các quy định làm khó doanh nghiệp và đề xuất phương án thay đổi. Tôi nghĩ, nhiệm vụ này cần được thực hiện quyết liệt và nghiêm túc. Lúc này, doanh nghiệp cần tiết giảm mọi chi phí không cần thiết để thực hiện các kế hoạch kinh doanh, kế hoạch cơ cấu lại hoạt động và thậm trí để cầm cự, duy trì hoạt động...

Hiện là thời điểm thích hợp nhất để các bộ, ngành địa phương chủ động thực hiện rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư (cả công và tư); nếu có vướng mắc thì cần nhanh chóng tháo gỡ, đảm bảo các dự án được triển khai đúng tiến độ. Đây là lúc các cấp chính quyền thực hiện một cách sáng tạo, có trách nhiệm thông điệp lâu nay vẫn được nhắc đến trên các diễn đàn xúc tiến đầu tư, đó là thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư là thành công của chính quyền... Nếu làm tốt được việc này sẽ tạo dư địa để phát huy mọi nguồn lực giúp phục hồi kinh tế như chỉ đạo của Chính phủ về đạt mục tiêu kép.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục