Nền kinh tế phải có năng lực phản ứng nhanh, chống chọi được các cú sốc

Đại dịch Covid-19 đã tác động lớn tới kinh tế thế giới, thậm chí có thể làm thay đổi cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, điều này buộc Việt Nam cũng phải thay đổi, trong đó có việc xây dựng một mô hình kinh tế có năng lực phản ứng nhanh, chống chọi được với các cú sốc và linh hoạt thích ứng.
Nền kinh tế phải có năng lực phản ứng nhanh, chống chọi được các cú sốc

Thưa Thứ trưởng, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi và khống chế được Covid-19, giờ là thời điểm để chuẩn bị kịch bản và có giải pháp vực dậy nền kinh tế. Kịch bản này đã và sẽ được xây dựng như thế nào?

Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội Việt Nam, khiến năm nay, chúng ta khó có thể đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã quyết nghị. Chính vì vậy, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa khai mạc hôm 20/5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thừa ủy quyền của Chính phủ gửi tới các đại biểu Báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Theo đó, có hai kịch bản tăng trưởng kinh tế được xây dựng, là GDP tăng trưởng 4,4 - 5,2% và 3,6 - 4,4%, tùy thuộc vào tình hình khống chế Covid-19 tại Việt Nam, cũng như tại một số quốc gia là đối tác kinh tế lớn của Việt Nam. Điều này cho thấy, kinh tế - xã hội Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Một trong những thách thức lớn nhất là suy giảm tăng trưởng do những tác động tiêu cực từ Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu. Thứ hai, việc thiết lập nền tảng cho tăng trưởng trở lại trong các tháng cuối năm phụ thuộc nhiều vào tình hình khống chế, kiểm soát dịch của Việt Nam và thế giới. Thứ ba, thâm hụt tài khóa sẽ tăng lên trong năm nay do thu ngân sách giảm và Chính phủ phải thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế. Thứ tư, luồng vốn vào Việt Nam bị ảnh hưởng trong ngắn hạn, khi hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu bị gián đoạn. Và thứ năm, CPI vẫn có thể duy trì ở mức cao.

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, muốn vực dậy nền kinh tế không hề đơn giản. Theo ông, những chính sách nào cần được áp dụng?

Tôi cho rằng, sẽ không có một chính sách duy nhất, cứng nhắc để phục hồi kinh tế trong bối cảnh hiện nay, mà phải có sự tổng hòa, linh hoạt. Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, muốn vực dậy nền kinh tế, chúng ta phải tập trung vào 5 mũi giáp công, là thu hút đầu tư tư nhân trong nước, đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng nội địa.

Để thực hiện được 5 mũi giáp công này, cần rất nhiều cơ chế, chính sách kèm theo, không phải chỉ của một ngành, một lĩnh vực, mà bao trùm toàn nền kinh tế. Do đó, phải có một bộ chính sách toàn diện, tổng hòa nhiều vấn đề, đồng thời phải linh hoạt. Bởi thực tế hiện nay, các kịch bản kinh tế được xây dựng đều chỉ là dự báo, còn tình hình cụ thể phụ thuộc rất lớn vào khả năng kiểm soát Covid-19 trên toàn cầu.

Đã có những lo ngại về việc Covid-19 sẽ bùng phát trở lại. Hơn nữa, hiện tại, một số nước ở châu Âu, ở Mỹ… vẫn giữ lệnh phong tỏa, nếu tình trạng này tiếp tục sẽ khiến kinh tế toàn cầu và cả kinh tế Việt Nam đối mặt với những rủi ro lớn. Chỉ khi dịch bệnh cả ở Việt Nam và toàn cầu được kiểm soát tốt, thì nền kinh tế Việt Nam mới có thể phục hồi nhanh hơn được.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã từng kiến nghị điều hành kinh tế theo 3 bước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và cũng đã kiến nghị phải xây dựng các kịch bản vực dậy nền kinh tế không chỉ trong ngắn hạn, mà còn trong dài hạn, khi thế giới có những thay đổi sau đại dịch. Việc này đã được triển khai thế nào, thưa Thứ trưởng?

Đúng là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị 3 bước đối với điều hành nền kinh tế.

Bước thứ nhất, khi Covid-19 đang diễn ra, thì ưu tiên chống dịch là chủ yếu, việc phát triển kinh tế lúc này là cầm cự, giảm thiểu thiệt hại do dịch gây ra.

Bước thứ hai, sau khi nguy cơ và tác động của Covid-19 giảm đi nhiều như hiện nay, sẽ có giải pháp để phục hồi dần dần, đưa nền kinh tế trở về trạng thái bình thường mới.

Bước thứ ba, khi tình hình dịch bệnh chuyển biến tốt, sẽ nới dần các quy định về phòng chống dịch, mở cửa các hoạt động kinh tế trở lại và sẵn sàng cho sự bật dậy sau đại dịch.

Xây dựng kế hoạch điều hành kinh tế theo 3 bước chính là thể hiện sự linh hoạt như tôi đề cập ở trên.

Còn về kế hoạch dài hạn hơn, chúng ta đều biết, Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhưng đó cũng chính là cơ hội cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra. Chúng tôi đã bắt đầu có những nghiên cứu đầu tiên về vấn đề này, nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng trong tương lai, từ đó có chiến lược, giải pháp đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những sự chuyển dịch, với cấu trúc mới của kinh tế toàn cầu…

Vậy bước đầu, có thể hình dung thế vào những xu hướng thay đổi trên thế giới và Việt Nam sẽ phải làm gì để bắt kịp sự thay đổi đó, thưa Thứ trưởng?

Theo nghiên cứu bước đầu của chúng tôi, sẽ có một số xu hướng thay đổi trên thế giới. Chẳng hạn, xu hướng tiêu dùng, thương mại và xu thế phát triển mới sẽ hình thành trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc; xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên kinh tế số. Cũng sẽ có sự thay đổi về trật tự, vai trò, vị trí của các quốc gia trong quan hệ đối ngoại, cũng như có sự thay đổi về khoảng cách phát triển giữa các nước, từ đó ảnh hưởng tới dòng đầu tư, thương mại giữa các quốc gia; thay đổi khoảng cách phát triển giữa các quốc gia.

Covid-19 cũng đã tác động sâu sắc đến các quan điểm giữa toàn cầu hóa, liên kết, hội nhập với chủ nghĩa dân tộc, dân túy, bảo hộ, biệt lập; vấn đề biên giới và chủ quyền sẽ được chú trọng hơn trong quan hệ kinh tế, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Các quốc gia cũng sẽ tìm cách giảm thiểu sự phụ thuộc vào một thị trường, làm thay đổi thương mại toàn cầu. Niềm tin của người dân, cộng đồng, doanh nghiệp dễ bị tổn thương hơn; sức khỏe cộng đồng được đặt lên trước, cao hơn quyền tự do cá nhân. Bên cạnh đó, cũng sẽ có sự thay đổi, có nhu cầu mới về lao động, việc làm phù hợp với phương thức sản xuất - kinh doanh và tình hình mới…

Điều này buộc chúng ta phải thay đổi. Kinh tế số là một ví dụ. Sau đại dịch Covid-19, quá trình chuyển đổi số sẽ được ưu tiên phát triển trên toàn cầu, bao gồm cả ở Việt Nam, giúp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đi vào đời sống nhanh, mạnh và có hiệu quả nhất. Tuy vậy, kinh tế số sẽ tạo ra luật chơi mới, yêu cầu các doanh nghiệp phải có sáng tạo, thích ứng nhanh, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Tiếp đó, chúng ta cũng phải thay đổi mô hình kinh tế. Mô hình kinh tế của Việt Nam trong tương lai phải là nền kinh tế có năng lực phản ứng nhanh, chống chọi được với các cú sốc và linh hoạt thích ứng. Muốn đảm bảo các yêu cầu trên, tăng trưởng toàn diện, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh môi trường, an ninh xã hội sẽ là những yếu tố quan trọng, cần xem xét khi xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Mô hình tăng trưởng trong tương lai cũng phải bảo đảm tính bền vững hơn, cần sự thay đổi trong mô hình sản xuất, tiêu dùng. Đây được xem là cốt lõi của tất cả các hoạt động kinh tế.

Tiếp đó, như tôi đã đề cập ở trên, những xu hướng thay đổi này sẽ làm gia tăng nhu cầu mới về lao động, việc làm phù hợp với phương thức sản xuất - kinh doanh và tình hình mới. Do đó, thị trường lao động trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi, nhu cầu về các công việc liên quan đến công nghệ sẽ tăng cao. Xu thế làm việc từ xa sẽ được tiếp tục và tăng cường với lực đẩy chuyển đổi số…

Sau đại dịch, có lẽ, các chính sách phục hồi và điều hành kinh tế sẽ không như trước đây nữa. Chúng ta muốn vực dậy nền kinh tế, muốn phát triển mạnh mẽ hơn sau đại dịch, thì phải tiếp tục con đường đổi mới; phải cải cách thể chế, phải tái cơ cấu nền kinh tế để làm sao đủ sức cạnh tranh, đủ sức và chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch. Đây chính là con đường mà kinh tế Việt Nam phải đi sau đại dịch Covid-19.

Hà Nguyễn
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục