Luật Xây dựng 2003 và Luật Quy hoạch đô thị 2009 cùng điều chỉnh nội dung quy hoạch xây dựng nên đang gây nhiều chồng chéo. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch
Giải quyết thực trạng này, Quốc hội đã chủ trương sửa đổi Luật Xây dựng. Đây là một quyết định rất đúng đắn, cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Song phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) vẫn bao gồm cả phần quy hoạch xây dựng là không hợp lý.
Trong quá trình lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), nhiều chuyên gia đề nghị nên xóa bỏ quy hoạch vùng. Vì sao có đề xuất này, thưa ông?
Hiện nay, xu hướng chung là không có nước nào trên thế giới có cái gọi là quy hoạch vùng cả. Vì nhiệm vụ của quy hoạch vùng là tổ chức các không gian phát triển, bao gồm cả phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, có hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn. Như vậy, để xác định được hệ thống đô thị phát triển như thế nào, thì phải xuất phát từ kinh tế mới có thể đưa ra các định hướng phát triển.
Hiện các quy hoạch xây dựng vùng được lập theo Luật Xây dựng đang thiếu đi cơ sở ở yếu tố: đưa ra khái niệm vùng quá mở rộng, như các vùng liên tỉnh, các vùng dọc tuyến đường cao tốc. Khái niệm vùng phải gắn với các đơn vị hành chính thì mới có tính khả thi, đồng thời để định hướng, xây dựng được quy hoạch vùng phải có số liệu thống kê mới có cơ sở.
Như vậy có thể nói, quy hoạch xây dựng vùng theo Luật Xây dựng hiện không dựa trên yếu tố phát triển kinh tế và không xác định được đối tượng quản lý, nên thiếu tính khả thi. Điển hình như Quy hoạch xây dựng vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa; Quy hoạch xây dựng vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình; Quy hoạch xây dựng vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh... Nhiều quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không đảm bảo tính liên kết với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, gây khó khăn trong triển khai thực hiện.
Nếu vậy, trong các đợt sửa luật tới đây, cần giải quyết vấn đề này như thế nào?
Các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của một vùng, một tỉnh trước đây mới đưa ra chỉ tiêu phát triển là chính, còn việc tổ chức không gian phát triển, phân định không gian phát triển cho các ngành, nghề, xác định không gian phát triển cho các đô thị… gần như chưa được đề cập một cách sâu sắc. Cho nên, tới đây, khi sửa đổi các luật, phải giải quyết những vấn đề đó.
Nếu như quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế – xã hội phải xuất phát từ kinh tế mới ra được hệ thống đô thị và bố trí không gian phát triển cho các lĩnh vực, thì liệu khi quy hoạch kinh tế đã đảm nhận được các yêu cầu về phát triển kinh tế vùng, thì có nên để quy hoạch phát triển vùng trong luật nữa hay không? Nếu có thì sẽ gây trùng lặp, lãng phí, thiếu tính thực tế.
Tôi cho rằng, không nên để quy hoạch phát triển kinh tế vùng ở Luật Xây dựng.
Còn vấn đề quy hoạch không gian sống cho hơn 70% dân số nông thôn sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?
Có 70% dân số ở vùng nông thôn, nên đây là một nội dung rất quan trọng của công tác quy hoạch. Vấn đề này mới chỉ giải quyết ở Thông tư số 13/TTLB về quy hoạch các địa bàn cấp xã. Nhưng vừa rồi, Luật Đất đai mới sửa đổi đã bỏ quy hoạch sử dụng đất cấp xã. Chúng tôi kiến nghị đưa nội dung này vào Luật Quy hoạch đô thị và đổi tên thành Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, giải quyết vấn đề không gian sống một cách toàn diện cho cả người dân nông thôn và đô thị.
Một vấn đề đặt ra là, nếu sửa theo hướng này, thì cơ quan nào sẽ thực hiện và cơ quan nào sẽ quản lý công tác quy hoạch?
Theo tôi, việc tổ chức không gian sống, tổ chức quản lý công trình xây dựng không ai hơn Bộ Xây dựng. Còn không gian phát triển thì thuộc về các bộ ngành, nội dung quản lý thuộc cơ quan nào thì cơ quan đó quản lý.