Tại Diễn đàn VBF cuối kỳ tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, ông Tony Foster, Trưởng Nhóm công tác về cơ sở hạ tầng cho rằng, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thường rất tốn kém, mục đích của hình thức hợp tác PPP là để chia sẻ gánh nặng chi phí giữa Chính phủ và khu vực tư nhân. Những quy định pháp lý đầu tiên về PPP tại Việt Nam được ban hành từ năm 1997.
Từ đó đến nay, hành lang pháp lý cho cơ chế hợp tác này ngày được hoàn thiện hơn với nhiều thành công từ các dự án PPP, đặc biệt trong lĩnh vực điện.
Tuy nhiên, ông Tony Foster cũng cho rằng, vẫn còn nhiều tồn tại cần được khắc phục. Vướng mắc chính đối với PPP hiện nay là không có hướng dẫn về việc làm thế nào để nhận được nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính, do đó các nhà đầu tư tư nhân không biết làm thế nào để được hỗ trợ.
Đối với việc huy động vốn, một số quy định của pháp luật khiến cho nhà đầu tư quan ngại. Chẳng hạn, những quy định hạn chế về thế chấp quyền sử dụng đất cho bên vay nước ngoài, các bảo lãnh của Chính phủ về rủi ro ngoại hối và nghĩa vụ của bên bao tiêu hàng hóa dịch vụ ngày càng hạn chế so với trước đây và chính sách mới về thuế trên lãi đối với khoản vay nước ngoài.
Cộng đồng các nhà đầu tư cho rằng, PPP quá nguyên tắc. Các hợp đồng BOT (hợp đồng xây dựng - khai thác - chuyển giao) phát huy hiệu quả trong ngành điện vì quy chế này có tính chất chung và có thể được giải thích linh hoạt khi cần thiết, còn lại rất khó để có thể đáp ứng kịp thời các yêu cầu.
Theo báo cáo của Nhóm công tác về cơ sở hạ tầng, PPP hiện còn nhiều vấn đề tồn tại cần được giải quyết, như các quy định mang tính ấn định và chưa mang tính định hướng kết quả. Ví dụ, để chuẩn bị một dự án PPP mà một cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể đưa ra đấu thầu, cơ quan đó phải tiến hành và phê duyệt các tài liệu gồm: báo cáo đánh giá tác động môi trường, thiết kế cơ sở của dự án, công nghệ sử dụng trong dự án.
Tuy nhiên, ở giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi của một dự án PPP, các nội dung chi tiết của dự án chưa được làm rõ, mà nó phụ thuộc vào kết quả đấu thầu sau đó. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền gặp khó khăn khi giải quyết các yêu cầu này của các văn bản pháp luật, dẫn đến những chậm trễ đáng kể trong quá trình chuẩn bị dự án.
Nhóm công tác kiến nghị, PPP nên có một cách tiếp cận khác theo hướng xem xét các dự án PPP từ góc nhìn thị trường và thương mại, thay vì góc nhìn của dự án đầu tư công hoặc đầu tư tư nhân truyền thống.
Bên lề diễn đàn VBF, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhìn nhận, hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư PPP tại Việt Nam còn chồng chéo, chưa thống nhất. Sự ra đời của Luật về PPP sẽ thúc đẩy sự phát triển của hoạt động đầu tư PPP, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho nhà đầu tư yên tâm.
Chia sẻ với các nhà đầu tư, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện Chính phủ đã có nghị quyết giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Luật PPP để trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 7 và dự kiến trình thông qua tại kỳ họp thứ 8.
“Xây dựng Luật PPP mới là công việc khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều quy định, nhiều luật áp dụng, liên quan các cơ chế bảo đảm, bảo lãnh, các cam kết từ phía Chính phủ trong việc phân chia rủi ro. Sẽ cần có những dự án thực tiễn để đúc rút kinh nghiệm chuyển hóa vào các quy định luật nhằm đảm bảo Luật có tính thực thi cao”, ông Trương nhấn mạnh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa có báo cáo tổng kết công tác PPP. Theo báo cáo, đến nay đã có 289 dự án PPP với tổng số vốn tương đương 54 tỷ USD, trong đó có 207 dự án về giao thông, 18 dự án năng lượng và nhiều dự án lĩnh vực văn hóa giải trí khác. Theo loại hình, có 141 dự án BOT, 140 dự án BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao), 5 dự án BOO (hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh)…
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com