Phục hồi kinh doanh chưa thể diễn ra nhanh chóng
Theo thống kê, có 58% người lao động ngành Sản xuất bị cắt giảm 30 - 50% tổng lương, 34% bị cắt giảm 10% tổng lương, 6% người lao động bị cắt giảm 10 - 30% tổng lương, chỉ có 2% bị cắt giảm nhiều hơn 50% tổng lương. Bên cạnh đó, họ cũng bị cắt giảm giờ làm, giảm tiền tăng ca và không nhận được trợ cấp như thường lệ.
60% người lao động chọn cắt giảm chi phí sinh hoạt để ứng phó khó khăn, 37% làm thêm bên ngoài và chỉ có 3% chọn cách tăng ca nhiều hơn để tăng thu nhập.
Bên cạnh đó, người lao động cũng chọn cách nâng cao kỹ năng và tay nghề để duy trì lợi thế cạnh tranh. Phần lớn người lao động chọn nâng cao kỹ năng quản lý (39%), kỹ năng quản lý tài chính (29%) và kỹ năng ứng dụng Công nghệ vào sản xuất (24%).
Doanh nghiệp dự đoán thời gian phục hồi |
“Trong giai đoạn này, 35% người lao động mong muốn không bị cắt giảm lương, 28% mong muốn được đảm bảo hợp đồng dài hạn, 28% mong muốn được duy trì trợ cấp/ phúc lợi và 9% mong muốn được đảm bảo đủ số giờ làm việc”, Báo cáo nhận định.
Đa số doanh nghiệp (39%) đều dự đoán sẽ mất đến 12 tháng hoặc thậm chí hơn 12 tháng thị trường mới có thể phục hồi trở lại, chỉ có 8% doanh nghiệp cho rằng kinh tế sẽ phục hồi sau 3 tháng.
Theo tình hình chung của thị trường, báo cáo của Navigos cho rằng, doanh nghiệp đang dự đoán việc phục hồi kinh doanh chưa thể diễn ra nhanh chóng. Do đó, các doanh nghiệp cũng có cơ sở để đưa ra những đối sách phù hợp hơn.
Số liệu từ báo cáo cho thấy, 29 - 70% doanh nghiệp ở các ngành mong đợi được chính phủ hỗ trợ về giảm thuế, lệ phí. Bên cạnh đó, 7 - 50% doanh nghiệp ở các ngành kỳ vọng sự hỗ trợ đến từ các chính sách giảm lãi suất vay. Còn lại, một số ít doanh nghiệp muốn đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm tiền thuê đất, và một số mong đợi khác.
Cụ thể, ngành Công nghệ cao, doanh nghiệp chủ yếu mong muốn giảm thuế, lệ phí (chiếm 70%); Ngành Dệt may/Da giày, có 56% doanh nghiệp muốn giảm thuế, lệ phí; Ngành Dược phẩm/Công nghệ sinh học nổi bật có 50% doanh nghiệp muốn giảm lãi suất vay; Ngành Nông nghiệp/Lâm nghiệp có 34% doanh nghiệp muốn giảm lãi suất vay; các ngành còn lại như Sản phẩm công nghiệp, Sản xuất hàng tiêu dùng/Thực phẩm, Sản xuất vật liệu xây dựng, Tự động hóa/Ô tô và các ngành khác đa số đều mong muốn giảm thuế, lệ phí…
Sách lược của doanh nghiệp
Theo Báo cáo, đa phần các doanh nghiệp (62%) vẫn chọn giải pháp tận dụng thời gian để cải thiện năng suất và đón đầu thị trường. Chỉ có 38% doanh nghiệp tập trung duy trì hoạt động kinh doanh tối thiểu.
Các doanh nghiệp về cơ bản thực hiện hai chiến lược để ứng phó với giai đoạn khó khăn hiện nay. Đó là tận dụng thời gian để thực hiện các giải pháp cải thiện năng suất nhằm đón đầu thị trường sau khủng hoảng hoặc đảm bảo hoạt động kinh doanh tối thiểu. Trong đó, chiến lược “đón đầu thị trường” là nổi trội hơn cả khi được phần lớn các doanh nghiệp ở các ngành chủ động thực hiện.
Cụ thể, ngành Dệt may/Da giày, có 69% doanh nghiệp tận dụng khoảng thời gian này để thực hiện các giải pháp cải thiện năng suất nhằm đón đầu thị trường; trong khi ngành Dược phẩm/Công nghệ sinh học là 64%; ngành Nông nghiệp/Lâm nghiệp nổi bật khi có đến 71%; ngành Tự động hóa/Ô tô có 70% doanh nghiệp.
Còn ngành Công nghệ cao, ngành Sản phẩm công nghiệp, ngành Sản xuất vật liệu xây dựng và các ngành khác đều không có sự chênh lệch tỷ lệ quá lớn ở doanh nghiệp lựa chọn đón đầu thị trường hay đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh.
Doanh nghiệp ở các ngành thuộc lĩnh vực Sản xuất đều có khuynh hướng áp dụng tự động hóa vào khâu sản xuất, thể hiện qua 25 - 82% lựa chọn. Theo sau đó, 5 - 75% doanh nghiệp khác mong muốn áp dụng tự động hóa vào hầu hết các khâu.
Cụ thể, ngành Công nghệ cao có 52% doanh nghiệp áp dụng tự động hóa cho tất cả các khâu; ngành Dệt may/Da giày là 60%; ngành Dược phẩm/Công nghệ sinh học là 62%; ngành Nông nghiệp/Lâm nghiệp là 64%; ngành Sản phẩm công nghiệp là 54%; ngành Sản xuất hàng tiêu dùng/Thực phẩm là 50%; ngành Sản xuất vật liệu xây dựng là 52%; ngành Tự động hóa/Ô tô có là 82%; các ngành khác cũng có 75% doanh nghiệp áp dụng tự động hóa cho tất cả các khâu.
Khuyến nghị đối với doanh nghiệp và lao động
Navigos Group cho rằng, tận dụng cơ hội suy thoái như hiện tại, doanh nghiệp chắt lọc và tuyển dụng lao động có kỹ năng và tay nghề cao dễ hơn trước, góp phần củng cố nguồn lực nội bộ, trang bị đội ngũ tinh nhuệ trong tương lai. Từ đó, có thể lấy đà để bắt kịp tín hiệu phục hồi từ thị trường. Bên cạnh đó, lên kế hoạch tuyển dụng để có được nhân sự giỏi, chuyên môn cao mà vẫn đáp ứng được ngân sách của công ty là giải pháp mà doanh nghiệp nào cũng cần. Do đó, các doanh nghiệp cần thực hiện chiến lược tuyển dụng đáp ứng các tiêu chí này, nhằm xây dựng đội ngũ vững mạnh sẵn sàng đón đầu tương lai.
Hầu hết doanh nghiệp đều đang áp dụng tự động hóa cho một số khâu hoặc tất cả các khâu, do đó, Navigos Group cho rằng, người lao động cần cập nhật kiến thức và kỹ năng liên tục để có thể vận hành, điều khiển được máy móc. Từ đó, người lao động mới có thể thích nghi và tiếp tục phát triển trong ngành nghề này.
"Trải qua 2 đợt Covid và khủng hoảng kinh tế, chúng ta đều thấy được tầm quan trọng của việc trau dồi kỹ năng để có thể duy trì công việc và phát triển sự nghiệp. Top 3 kỹ năng phổ biến mà các doanh nghiệp cần ở nhân sự của mình: Giao tiếp hiệu quả; Công nghệ và kỹ thuật; Quản lý thời gian", Navigos Group cho biết.
Báo cáo Thực trạng Nhân sự ngành Sản xuất 2023 của Navigos Group vừa công bố được thực hiện từ khảo sát ý kiến của hơn 1.000 người lao động và 500 doanh nghiệp trên thị trường, tại các ngành trong lĩnh vực Sản xuất.
Các ngành bao gồm: ngành Công nghệ cao; ngành Dệt may/Da giày; ngành Dược phẩm/Công nghệ sinh học; ngành Nông nghiệp/Lâm nghiệp; ngành Sản phẩm công nghiệp; ngành Sản xuất hàng tiêu dùng/Thực phẩm; ngành Sản xuất vật liệu xây dựng; ngành Tự động hóa/Ô tô; và các ngành khác.