Có 21 trong số 25 mã tại sàn giao dịch cổ phiếu công nghệ cao của Trung Quốc mang tên “Star”, mô hình mô phỏng Nasdaq, đều theo đà xuống dốc trong 2 phiên giao dịch vừa qua, bất chấp việc chỉ số Shanghai Composite giữ mức tăng 7,9% trong cùng thời gian.
Trong số đó, China Railway Signail & Communication Corp và Western Superconducting Technologies Co là 2 cổ phiếu giảm mạnh nhất. Mặc dù vậy, các cổ phiếu vẫn đang ở mức giá cao hơn so với ngày đầu niêm yết (22/7), sau khi đã tăng trung bình khoảng 140% trong ngày đầu tiên lên sàn này.
Sàn giao dịch mới được khai trương ngày thứ Hai (22/7) là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc để thu hút các công ty công nghệ, vốn có tốc độ phát triển nhanh bậc nhất, niêm yết tại quê nhà, cạnh tranh trực tiếp với sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông và New York.
Các cổ phiếu giao dịch tại Star không có giới hạn biến động giá trong ngày giao dịch đầu tiên, sau đó sẽ được giao dịch trong biên độ 20% về mỗi chiều. Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải sẽ tạo nên một chỉ số theo dõi sức mạnh của các cổ phiếu thuộc Star trong 2 tuần nữa.
Star là phép thử của các nhà lập pháp Trung Quốc khi dỡ bỏ các hạn chế về giá cổ phiếu, cho phép các công ty đang lỗ được niêm yết và cho phép cổ phiếu với quyền biểu quyết theo trọng số.
Việc Star ra mắt trong thời gian chưa tới 1 năm sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố thông tin đầu tiên về dự án đã khiến không ít thành viên thị trường bất ngờ bởi thời gian nhanh chóng, thể hiện quyết tâm trong việc giữ chân các doanh nghiệp công nghệ của giới chức nước này. Trong phiên giao dịch đầu tiên, các cổ phiếu với giá trị hơn 7 tỷ USD đã được giao dịch. Đà tăng trong ngày đầu ngay lập tức tạo ra thêm 3 tỷ phú mới cho Trung Quốc.
“Chúng tôi chưa bao giờ ở trong một thị trường mà giao dịch không có giới hạn, bởi vậy có một chút bối rối trong những ngày giao dịch đầu tiên. Biên độ dao động lớn của giá cổ phiếu cho thấy, nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng chốt lời sau khi thắng lớn trong phiên đầu tiên”, Sun Jianbo, Chủ tịch China Vision Capital Management cho biết.
Theo giới chuyên gia, mặc dù việc cải tổ sàn giao dịch và tạo một không gian riêng dành cho các công ty công nghệ là rất quan trọng, nhưng đà tăng trong phiên đầu tiên là quá đà và cần có sự điều chỉnh về mức hợp lý hơn.
Đáng chú ý, trong động thái mới nhất, Trung Quốc đã ra lệnh phạt với 139 quỹ đầu tư do vi phạm quy định khi đầu tư vào các cổ phiếu IPO trên sàn Star. Theo Hiệp hội Các nhà quản lý tài sản, các quỹ đầu tư này đã đầu tư vượt mức được cấp phép. Trong số đó, Shenzhen Lin Yuan Investement Management Co, Zhejiang High-Flyer Asset Management Co và Yingshui Investment Co là những quỹ đầu tư bị phạt nặng nhất, với mức phạt là cấm hoạt động trên sàn từ 6 tháng tới 1 năm.
“Lệnh cấm này thể hiện thái độ của các nhà quản lý, với mục tiêu đảm bảo các nhà đầu tư tổ chức đều phải tuân thủ quy định", Wang Jiyue, Tổng giám đốc Shanghai Pegasus Consulting Co nhận định.
Trước đó, vào đầu tháng 7, một trong những công ty chứng khoán lớn nhất Trung Quốc là China Galaxy Securities Co đã tạm thời bị cấm đầu tư vào các thương vụ IPO tại sàn Star, sau khi hãng này chậm trễ trong việc hoàn thiện các thủ tục đăng ký.