Nasdaq liên tiếp lập kỷ lục, giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh

(ĐTCK) Trong khi Dow Jones và S&P 500 chưa thể phục hồi, thì Nasdaq lại liên tục thiếp lập kỷ lục mới. Giá vàng cũng leo lên mức cao nhất 6 tuần nhờ nhận thông tin tốt. Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh do nghi nghờ về việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các thành viên OPEC.
Dow Jones và S&P 500 hụt mất đà tăng cuối phiên (Ảnh minh họa: AFP) Dow Jones và S&P 500 hụt mất đà tăng cuối phiên (Ảnh minh họa: AFP)

Trong phiên giao dịch thứ Ba, sự phục hồi của nhóm cổ phiếu tài chính và đà tăng của nhóm cổ phiếu y tế giúp phố Wall phục hồi trở lại. Tuy nhiên, về cuối phiên do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh, khiến S&P 500 quay đầu về lại điểm xuất phát. Dow Jones do ảnh hưởng từ các mã lớn như IBM, Merck&Co, Exxon Molil và P&G nên thậm chí còn quay đầu giảm trở lại. Trong khi đó, dù đà tăng bị hãm lại đôi chút, nhưng chỉ số Nasdaq vẫn đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới.

Sau khi giảm 1,1% trong phiên đầu tuần do giá dầu giảm gần 4%, chỉ số S&P năng lượng tiếp tục mất thêm 0,95% trong phiên thứ Ba khi giá dầu thô giảm tiếp 2%.  Trong khi nhóm cổ phiếu tài chính hồi phục 0,4%, cổ phiếu y tế tăng 0,33%.

Kết thúc phiên 10/1, chỉ số Dow Jones giảm 31,85 điểm (-0,16%), xuống 19.855,53 điểm. Chỉ số S&P 500 đứng yên tại mức tham chiếu 2.268,90 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 20,00 điểm (+0,36%), lên 5.551,82 điểm.

Trong khi nhóm cổ phiếu tài chính trên phố Wall phục hồi trở lại, thì trên thị trường chứng khoán châu Âu, nhóm cổ phiếu này vẫn giảm, gây áp lực lên các chỉ số chính của khu vực. Tuy nhiên, chứng khoán châu Âu đã phục hồi trở lại nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu khai mỏ khi giá kim loại tăng, cùng với đó là sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu bán lẻ nhờ kết quả bán hàng tăng vọt trong mùa Giáng sinh và năm mới vừa qua được công bố.

Kết thúc phiên 10/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 37,70 điểm (+0,52%), lên 7.275,47 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 19,31 điểm (+0,17%), lên 11.583,30 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 0,66 điểm (+0,01%), lên 4.888,23 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm điểm ngay khi trở lại sau phiên nghỉ giao dịch đầu tuần do đồng yên tăng so với đồng USD, ảnh hưởng tiêu cực tới nhóm cổ phiếu xuất khẩu. Tuy nhiên, đà tăng được hãm bớt khi giới đầu tư kỳ vọng về gói kích thích kinh tế sẽ được Tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra trong bài phát biểu nhậm chức vào tuần tới.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục duy trì đà tăng để lên mức cao nhất 1 tháng khi giá hàng hóa Trung Quốc tăng mạnh, bù đắp cho áp lực chốt lời nhóm cổ phiếu doanh nghiệp nhà nước sau khi có chuỗi tăng mạnh với kỳ vọng tái cơ cấu.

Cụ thể, hợp đồng tương lai giá thép và than cốc trên thị trường Thượng Hải tăng lần lượt 7% và 9%. Trong khi đó, chỉ số PMI của Trung Quốc trong tháng 12 tăng mạnh nhất trong 5 năm.

Dù chứng khoán Hồng Kông duy trì đà tăng mạnh, nhưng chứng khoán Trung Quốc đại lục lại đảo chiều giảm nhẹ do áp lực chốt lời.

Kết thúc phiên 10/1, chỉ số Nikkie 225 giảm 152,89 điểm (-0,79%), xuống 19.301,44 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 186,16 điểm (+0,83%), lên 22.744,85 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 9,57 điểm (-0,30%), xuống 3.161,67 điểm.

Dù đồng USD hồi phục nhẹ, nhưng giá vàng vẫn duy trì đà tăng và lên mức cao nhất 6 tuần trong phiên thứ Ba. Một báo cáo hôm thứ Ba cho thấy, nhu cầu vàng vật chất của Trung Quốc đang gia tăng khi nước này đang bước vào Tết Âm lịch.

Kết thúc phiên 10/1, giá vàng giao ngay tăng 6,5 USD (+0,55%), lên 1.187,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2017 tăng 0,6 USD (+0,05%), lên 1.185,5 USD/ounce.

Đồng USD hồi phục trở lại, cùng với những nghi ngờ về khả năng tuân thủ cắt giảm sản lượng của OPEC khiến giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh trong phiên thứ Ba.

Ả Rập Xê út, quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất OPEC và một số thành viên khác đã bắt đầu thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng, nhưng không rõ một số nhà sản xuất lớn khác có thực hiện theo hay không.

Iraq, nước sản xuất lớn thứ 2 OPEC cho biết, sẽ tăng xuất khẩu dầu thô từ cảng chính Basra lên một mức cao mới trong tháng 12. Trong tháng 1, xuất khẩu tại cảng miền Nam của nước này dù ổn định, nhưng vẫn duy trì ở mức cao kỷ lục.

Ngoài ra, giá dầu cũng chịu sức ép từ việc đồng USD hồi phục trở lại sau phiên điều chỉnh trước đó.

Giá dầu thô không có phản ứng nhiều sau khi Viện Dầu khí Mỹ (API) công bố kho dự trữ của Mỹ tăng 1,5 triệu thùng trong tuần đầu tiên của năm 2017, cao hơn so với mức dự báo tăng 1,2 triệu thùng của giới phân tích. Con số chính thức sẽ được Cơ quan năng lượng Mỹ (EIA) công bố vào thứ Tư.

Kết thúc phiên 10/1, giá dầu thô Mỹ giảm 1,14 USD/thùng (-2,19%), xuống 50,82 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,30 USD (-2,37%), xuống 53,64 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục