Cuối tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) công bố dự trữ ngoại hối lập đáy 5 năm mới tại 3.010 tỷ USD. Cơ quan Quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) cho biết nỗ lực ổn định đồng NDT là nguyên nhân chính của việc sụt giảm. Kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới này đã giảm 10 quý liên tiếp từ kỷ lục 4.000 tỷ USD tháng 6/2014. Niềm tin vào đồng NDT lung lay đã đẩy đồng tiền này xuống đáy 8 năm.
"Sắp tới, Trung Quốc có lẽ sẽ tiếp tục kiểm soát vốn chặt chẽ. Dự trữ ngoại hối có thể xuống dưới 3.000 tỷ USD trong tháng 1. Dù việc này không có nghĩa Trung Quốc thiếu hụt dự trữ, nó có thể gây tác động tâm lý và làm gia tăng áp lực từ thị trường", Yu Xiangrong - nhà kinh tế học tại China International Capital dự báo.
Tuy nhiên, trừ nội tệ và dự trữ, nhiều chỉ số kinh tế chủ chốt khác của Trung Quốc lại có đà tăng mạnh. Kết thúc năm 2016, cả sản xuất và dịch vụ đều đi lên, phát tín hiệu cho các nhà hoạch định chính sách tiếp tục đẩy mạnh cải cách năm 2017. Các nhà kinh tế học cũng nâng dự báo tăng trưởng cho Trung Quốc năm 2016 và 2017.
SAFE cho biết sự sụt giảm của dự trữ ngoại hối trong tháng 12 chủ yếu do các đồng tiền khác ngoài USD yếu đi và PBOC bán ngoại tệ để bình ổn thị trường ngoại hối. Giới chức Trung Quốc đang thắt chặt kiểm soát để ngăn dòng vốn chảy khỏi quốc gia, trong đó có quy định công dân chỉ được đổi tối đa số ngoại tệ tương đương 50.000 USD một năm, bắt đầu từ ngày 1/1.
NDT đang biến động rất lớn. Giá đồng tiền này tại thị trường quốc tế tuần trước có chuỗi tăng 2 ngày cao nhất từ trước đến nay so với USD. Tháng trước, NDT mất giá 0,9%, khiến mức giảm cả năm lên tổng cộng 6,5%.
Dự trữ vàng tháng 12 của nước này là 67,9 tỷ USD, hầu như không thay đổi so với 69,8 tỷ USD tháng trước đó. Số lượng vàng họ nắm giữ được giữ nguyên tại 59,24 triệu ounce trong 2 tháng liên tiếp. Đây là lần đầu tiên kể từ giữa năm 2015, Trung Quốc ngừng mua trong 2 tháng liền.