Bên cạnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của ngành hàng không, sự cố hy hữu này đã được nêu lên như một cảnh báo cấp thiết về tình trạng năng suất và kỹ năng lao động của nhân lực Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, tình trạng năng suất lao động tại Việt Nam đi xuống đã được các chuyên gia và nhà nghiên cứu trong nước cảnh báo từ lâu, song đến gần đây, khi Tổ chức Lao động Thế giới công bố kết quả nghiên cứu về thực trạng này thì mới được quan tâm. Theo ông Cung, năng suất lao động của Việt Nam đang suy giảm so với thực lực và so với các nước trong khu vực rất cần được xem xét một cách đúng mức vì thời điểm này, Việt Nam đang bắt đầu chuyển sang mô hình tăng trưởng mới khi năng suất lao động trở thành động lực tăng trưởng, thay vì tích tụ tăng đầu tư vốn như trước đây.
Cũng theo ông Cung, một nghiên cứu khác của quốc tế cũng đã chỉ ra rằng, tới đây, Việt Nam muốn đạt mức tăng trưởng GDP bình quân 7% trở lên thì phải nỗ lực tăng năng suất lao động 16%.
“Đây là một thách thức rất lớn vì không phải nhiều nước đạt được tốc độ đó. Để làm được điều này thì Việt Nam cần nỗ lực lớn trong cải cách để tạo động lực buộc phải tăng năng suất lao động để tăng trưởng, hơn là mở rộng chi tiêu và khai thác tài nguyên như hiện nay”, ông Cung nhấn mạnh.
PGS. TS. Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Lao động và các vấn đề xã hội, Bộ Lao động và Thương binh xã hội cũng đưa ra những con số nghiên cứu đáng giật mình về tình trạng năng suất lao động suy giảm hiện nay. Theo đó, năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 quy đổi theo giá cố định 2005 PPP đạt 5.440 USD/lao động, bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore, 1/6,5 Malaysia, 1/3 Thái Lan và Trung Quốc. Xếp trong khu vực ASEAN thì chỉ nhỉnh hơn Myanmar và Campuchia, xấp xỉ với Lào.
Tính GDP bình quân một lao động theo thành phần kinh tế giai đoạn 2007 - 2013 cũng rất “có vấn đề”, khi khu vực kinh tế ngoài nhà nước, vốn chiếm tới 86,3% tổng việc làm, có năng suất lao động thấp nhất, chỉ đạt 38,4 triệu đồng/lao động/năm; khu vực nhà nước chiếm 10% việc làm có năng suất lao động năm 2013 đạt 216,5 triệu đồng/người; khu vực FDI đạt mức cao nhất, với 392,4 triệu đồng/người trong khi chỉ bao phủ 3,4% lao động có việc làm cả nước.
Theo bà Đặng Thị Thu Hoài, Phó trưởng ban Chính sách dịch vụ công (CIEM), việc tăng năng suất lao động gần đây chủ yếu là có sự đóng góp một số ngành như công nghiệp chế biến chế tạo, bất động sản, tài chính ngân hàng… Đây là những ngành sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhân lực và đòi hỏi tích tụ vốn đầu tư lớn, là động lực tăng trưởng theo mô hình tăng trưởng cũ. Giai đoạn hiện nay, mô hình này không còn phù hợp, mà cần chuyển sang mô hình tăng trưởng lấy nâng cao giá trị và chất lượng năng suất lao động làm động lực.
Đề cập đến sự cố mới đây của ngành hàng không, bà Hoài cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực là mấu chốt trong tăng năng suất lao động, bởi nếu đầu tư công nghệ hiện đại mà trình độ chuyên môn, kỹ thuật của người lao động không phù hợp thì năng suất không thể cao, thậm chí còn gây hậu quả nghiêm trọng.
Ở khía cạnh khác, ông Cung đề cập đến những tồn tại đằng sau nguyên nhân trực tiếp tác động tới năng suất lao động. “Nói sự cố của ngành hàng không do kỹ năng của lao động Việt Nam kém là chưa chuẩn, mà là kỹ năng của một bộ phận lao động Việt Nam kém. Vậy tại sao người có kỹ năng lại không được làm?” ông Cung đặt câu hỏi và cho rằng, những tiêu cực này mới thực sự là thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Ở quy mô lớn hơn, ông Cung cho rằng, tình trạng phi chính thức ngày càng gia tăng trong khu vực DN ngoài nước và của nền kinh tế Việt Nam là một điều thực sự đáng lo ngại ẩn sau vấn đề suy giảm của năng suất lao động. “Cần đặt câu hỏi tại sao các DN lại cứ mãi trong tình trạng phi chính quy như vậy. Nếu cứ duy trì như vậy thì DN Việt Nam không thể phát triển được vì không thể gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu và sẽ bị đẩy ra rìa cuộc chơi hội nhập và phát triển”, ông Cung cảnh báo.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng đề cập mối quan hệ giữa chính sách tiền lương và năng suất lao động vốn là vấn đề rất bức xúc của các DN hiện nay. Theo ông Doanh, tình trạng lạm phát cao vừa qua đòi hỏi phải tăng lương tối thiểu cho lao động. Song nếu DN phải tăng lương mà không tăng được năng suất lao động thì sẽ rất bất hợp lý, thậm chí đẩy DN vào tình trạng rất khó khăn.