Doanh nghiệp vừa và nhỏ khó trăm bề

(ĐTCK) Những kết quả không mấy lạc quan về tình hình hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vừa được công bố tại Báo cáo điều tra “Đặc điểm môi trường kinh doanh Việt Nam: Kết quả điều tra DNNVV năm 2013” do Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Trường đại học Copenhagen (Đan Mạch) thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Nghiên cứu khu vực DN giai đoạn 2013 - 2014” đang khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại. 
Kết quả điều tra cho thấy, quy mô của các DNVVN năm 2013 không tăng so với
năm 2011 Kết quả điều tra cho thấy, quy mô của các DNVVN năm 2013 không tăng so với năm 2011

Các bằng chứng về điều tra DNNVV được công bố tại báo cáo cho thấy, bức tranh tổng thể về hoạt động kinh doanh của khu vực này trong năm 2013 có xu hướng tối màu hơn so với năm 2011. Trong đó, có tới 70% DN thừa nhận vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực về điều kiện kinh doanh cũng như bị tác động trực tiếp bởi các vấn đề bất ổn trong nền kinh tế vĩ mô giai đoạn này. Trong khi đó, môi trường kinh doanh về tổng thể hầu như không được cải thiện so với giai đoạn khảo sát năm 2011, khiến số lượng DN phải giải thể, đóng cửa và thoát ra khỏi thị trường thuộc khu vực này có xu hướng gia tăng.

“Năm 2011, chúng tôi điều tra hơn 2.400 DN, đến cuộc điều tra 2013 chỉ tìm lại được gần 2.000 DN, còn 432 DN đã được khẳng định là “không còn tồn tại”, GS. Finn Tarp, Trường đại học Copenhagen cho biết.

Cũng theo ông Finn, lần đầu tiên kết quả điều tra đã phát hiện thấy có tác động tiêu cực tới DN siêu nhỏ, bao gồm chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể. Trước đây, các DN siêu nhỏ theo kiểu hộ kinh doanh cá thể này có tỷ lệ đóng cửa ít hơn so với các DNNVV, bởi họ luôn nỗ lực để tồn tại trong môi trường cạnh tranh và họ có tỷ lệ thành công khá lớn trong việc chuyển đổi ngành nghề kinh doanh. Nhưng năm nay, DN siêu nhỏ đóng cửa nhiều hơn”, GS. Finn nhận định và cho rằng đây là xu hướng đáng lo ngại, bởi nhóm này chiếm tỷ lệ rất lớn trong nền kinh tế Việt Nam.

Còn theo GS. John Rand, cũng đến từ Trường đại học Copenhagen, kết quả điều tra cũng cho thấy, quy mô của các DN hầu như không tăng lên, thậm chí có xu hướng giảm dần so với trước đây. “95% DN siêu nhỏ 2011 sang đến 2013 vẫn là siêu nhỏ. Ở nhóm DN nhỏ, có khoảng 71,6% DN nhỏ vẫn giữ nguyên quy mô tới năm 2013, trong khi chỉ có 2,2% chuyển được lên quy mô lớn hơn, nhưng có 2,6% lại lùi thành DN siêu nhỏ. Khu vực DNNVV đang giảm quy mô lao động toàn thời gian hơn DN siêu nhỏ. Năng suất lao động giảm giữa hai cuộc điều tra 2011 và 2013, đặc biệt đối với DN siêu nhỏ ở nông thôn”, ông John nhận định và cho rằng đây là sự thay đổi đi xuống rất đáng báo động.

Bình luận về kết quả này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, việc các chỉ số về DN dân doanh đều có xu hướng suy giảm về số lượng, quy mô, năng suất là những thách thức đã được nhắc đến từ trước, song điều đáng lo lắng hơn cả là DN tư nhân nói chung đang gặp phải những vấn đề nền tảng, đòi hỏi phải có sự thay đổi từ thể chế, tư duy, chính sách hướng tới đối xử công bằng thì mới có thể đưa ra những giải pháp hữu hiệu vực dậy và phát triển khu vực này.

“Tại thời điểm này, chúng ta có đủ năng lực vượt qua những vấn đề này hay không, trong khi hội nhập đang ở trước cửa. Cơ hội kinh doanh từ việc ký kết những hiệp định thương mại liệu có đến với DN tư nhân hay chỉ mang lại lợi ích cho những NĐT nước ngoài đến Việt Nam?”, ông Cung đặt câu hỏi và cho rằng, cần giải quyết được những vấn đề gốc rễ để việc mở cửa nền kinh tế đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra, các DNNVV đang sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để đối phó với khủng hoảng; trong đó, cắt giảm chi phí sản xuất, tìm kiếm thị trường mới là các giải pháp được thực hiện nhiều nhất. Gần 1/5 số DN đã thử thay đổi hoặc đổi mới dịch vụ và các hoạt động khác. Không chỉ vậy, báo cáo cho thấy, có tới 84% số DNNVV gặp rào cản lớn trong tăng trưởng năm 2013, trong đó, tiếp cận với tín dụng vẫn được  chỉ ra là vấn đề khó khăn nhất đối với DN trong cả hai năm 2011 và 2013.

Mặc dù tỷ lệ gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng giảm từ 45% năm 2011 xuống còn 30% năm 2013, song đây vẫn được xem là vướng mắc lớn nhất đối với DNNVV trong năm 2013. Về vấn đề cầu với sản phẩm, theo kết quả báo cáo, nếu năm 2011 có 19% DNNVV xem cầu giảm là một thách thức lớn với tăng trưởng thì tỷ lệ này trong năm 2013 tăng lên 27%. Sức ép cạnh tranh cũng là một khó khăn mà nhiều DNNVV xác nhận tăng lên trong năm 2013 với 21% cho rằng đang phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn.               

Thực trạng khó khăn và thách thức của khu vực DNVVN đã được cơ quan quản lý nhà nước nhìn ra và đang nỗ lực tìm giải pháp để và giải pháp để vực dậy khu vực này. Trong một động thái tích cực mới đây, Cục Phát triển doanh nghiệp Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, cộng đồng DN nhằm sớm hoàn thiện và ban hành Luật hỗ trợ DNNVV.

Tại hội thảo lấy ý kiến, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, việc nghiên cứu xây dựng Luật hỗ trợ DNNVV là hết sức cần thiết, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý và môi trường kinh doanh thuận lợi cho khu vực kinh tế quan trọng này. Thứ trưởng Đông cho biết sẽ nghiên cứu, lựa chọn các kinh nghiệm quốc tế tốt nhất phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam.

“Mục tiêu trong thời gian tới là các hoạt động hỗ trợ DNNVV cần phải được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm hơn theo hướng đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương dưới một cơ quan điều phối chung về DNNVV, đảm bảo nguồn lực không bị phân tán và hiệu quả của công tác hỗ trợ cũng có thể đo đếm được”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ông John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam và Lào

Việc điều tra được tiến hành với cùng một nhóm DN trong suốt những năm qua giúp chúng ta có một sự so sánh hệ thống qua các mốc thời gian. Không thể phủ nhận đã có những tiến triển lớn trong tăng trưởng kinh tế và phát triển của khu vực DN Việt Nam những năm qua, song Việt Nam không thể quá mải mê với thành tựu đã đạt được, bởi vẫn phải đối mặt với thách thức như thiếu nguồn nhân lực có trình độ, quan liêu tham nhũng và chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Có thể thấy, đánh giá tổng quát môi trường kinh doanh của Việt Nam không được cải thiện so với báo cáo những năm trước.

Theo kết quả được công bố, nhiều DN phải trả các khoản chi phí không chính thức, môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản với DN… Do đó, Việt Nam cần phải có chính sách mới hỗ trợ khối DNNVV, kể cả phát minh. sáng chế về sản phẩm mới, đây là vấn đề đối với động năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Ông Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế

 Báo cáo rất đáng trân trọng, bởi những vấn đề phát hiện ra, đặc biệt nêu lên vai trò hạn chế của DN siêu nhỏ hay hộ gia đình, vấn đề DN hộ gia đình, một thành phần kinh tế rất quan trọng của Việt Nam nhưng thường bị gạt ra ngoài.

Báo cáo đã chỉ ra được vấn đề năng suất lao động không tăng mà lại giảm. Các DN không nâng cao được năng suất lao động nên họ không thể tăng lương, trong khi đây lại đang là sức ép đối với DN khi lạm phát tăng lên. Chính phủ cần nhìn ra được thực trạng này để có cách thức giải quyết

Một vấn đề tôi muốn đề nghị làm rõ thêm: báo cáo có nêu các DN chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vậy biểu hiện đó như thế nào? Cần làm rõ bao nhiêu phần trăm là do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, còn bao nhiêu là do nội tại yếu kém của nền kinh tế, để các cơ quan nhà nước có cơ sở thực tiễn và sức ép tăng cường cải cách thể chế.

Theo tôi, vấn đề quan trọng của Việt Nam hiện nay là cải cách thể chế, nếu có sự thay đổi về thực hiện và cạnh tranh bình đẳng thì DN dân doanh mới có cơ hội phát triến.

Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế

Báo cáo đã tập trung vào đối tượng DN siêu nhỏ và phát hiện được nhiều vấn đề ít ai biết tới của khu vực DN tuy nhỏ nhưng chiếm số lượng lớn này. Với 4,7 triệu DN siêu nhỏ và hộ dân doanh, khu vực này có vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, song dường như chưa có sự quan tâm đầy đủ hay có chính sách thiết kế đặc thù nhằm vào họ.

Ở Việt Nam vẫn theo nguyên lí, nước chảy chỗ trũng, tức quan tâm chỉ dành cho anh lớn, rồi đến nhỏ, siêu nhỏ. Như thế thì không biết đến bao giờ DN siêu nhỏ mới được coi là một thành phần chính thức trong nền kinh tế và được quan tâm thực sự. Do đó, báo cáo sẽ là lời cảnh tỉnh đối với người thiết kế chính sách, cần có sự quan tâm thực sự đến khu vực rất quan trọng này.

Theo tôi, cần làm rõ con số tác động từ những vấn đề của nền kinh tế vĩ mô và ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu tới môi trường kinh doanh trong nước.

Thực tế, các chi phí phi chính thức, khó khăn tín dụng là khó khăn riêng của DN Việt Nam. Lãi suất công bố giảm, nhưng DN vẫn phải vay cao hơn gấp 2-3 lần, nguồn lực DN nhỏ không tiếp cận được vì chảy vào túi của các đại gia. Cần phải phân biệt kênh để xác định vấn đề này là vấn đề trong nước.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục