Nâng hạng, VN-Index có thể cán mốc 1.200 điểm

(ĐTCK) JP Morgan vừa đưa ra đánh giá tích cực về TTCK Việt Nam với dự phóng VN-Index có thể cán mốc 1.200 điểm trong năm 2020, nếu thị trường được nâng hạng.
Nâng hạng, VN-Index có thể cán mốc 1.200 điểm

Theo JP Morgan, Việt Nam cần giải quyết một số vấn đề để đáp ứng tiêu chí nâng hạng của MSCI/FTSE, bao gồm: các vấn đề về sở hữu nước ngoài (FOL) và cải thiện quy trình bù trừ thanh toán; cải thiện việc công bố thông tin, quy trình phát hành cổ phiếu, khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào Việt Nam.

Vẫn theo JP Morgan, Luật Chứng khoán (sửa đổi) tạo nền tảng quan trọng để phát triển TTCK Việt Nam. Các văn bản hướng dẫn Luật, nếu tiếp tục tinh thần đổi mới, sẽ là chất xúc tác giúp tăng tốc quá trình nâng hạng cũng như kích hoạt dòng vốn ngoại.

Tổ chức này đánh giá cao tư duy của người làm Luật khi đưa vào quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), quy định việc nới room khối ngoại; cải thiện quy trình thanh toán hay giám sát chặt hơn chất lượng hàng hóa trên sàn…

JP Morgan cho rằng, Việt Nam có thể vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi vào năm 2021, năm Luật Chứng khoán có hiệu lực (từ 1/1/2021). Ở kịch bản lạc quan, JP Morgan dự báo, chỉ số VN-Index có thể vượt trên 1.200 điểm vào năm tới.

Về nỗ lực từ thị trường, tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán cho biết, dự thảo Đề án nâng hạng TTCK Việt Nam đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng, nhằm đưa ra các giải pháp khả thi để nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên mới nổi theo xếp hạng của các tổ chức xếp hạng uy tín, có ảnh hưởng lớn đến dòng vốn đầu tư trên thế giới như FTSE và MSCI.

Đề án này hướng tới mục tiêu nâng cao hình ảnh và uy tín của thị trường Việt Nam, tạo niềm tin cho các tổ chức nước ngoài, từ đó thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng, góp phần trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng của nền kinh tế, thu hẹp khoảng cách giữa TTCK Việt Nam và khu vực.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho hay, TTCK Việt Nam đã được thêm vào danh sách theo dõi để phân loại lên thị trường mới nổi hạng 2, nhưng mới đáp ứng 7/9 tiêu chí xếp loại của FTSE.

Hoạt động thanh toán tiền và chứng khoán hiện vẫn có độ trễ, dựa trên quy tắc phải có tiền trong tài khoản mới được nhận chứng khoán để giao dịch.

Theo FTSE Russell, Việt Nam cần thực hiện theo thông lệ quốc tế là việc nhận cổ phiếu và chuyển giao tiền diễn ra đồng thời, thay vì việc kiểm tra tài khoản và trừ tiền ngay tại thời điểm T+0, nhưng đến T+2 người mua mới được nhận cổ phiếu và được giao dịch cổ phiếu.

Về cơ sở pháp lý, từ năm 2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 203/2015/TT-BTC đã cơ bản “bật đèn xanh” cho nhà đầu tư tổ chức (có tài khoản tại ngân hàng lưu ký) chỉ cần có bảo lãnh thanh toán/xác nhận từ phía ngân hàng là có thể giao dịch chứng khoán ngay.

Hiện một số công ty chứng khoán đã chủ động cung cấp dịch vụ bảo lãnh/thanh toán với tổ chức nước ngoài và bước đầu ghi nhận một số kết quả tích cực.

“Những vấn đề tồn tại trong thanh toán với nhà đầu tư không phải quá lớn, vấn đề là cơ quan quản lý và các thành viên cần đẩy nhanh tiến độ đồng bộ hóa nền tảng công nghệ, để đáp ứng được quy chuẩn thanh toán theo thông lệ quốc tế”, ông Bình nói.

Cảm nhận về sự báo của JP Morgan, ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng, dự báo của JP Morgan cho năm 2020 là hợp lý, xét trên khía cạnh giá trị nội tại của doanh nghiệp, của TTCK Việt Nam.

Mặc dù vậy, biến động của VN-Index còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác, nhất là những diễn biến đến từ biến động kinh tế quốc tế mà nhà đầu tư không thể lường trước được.

Câu chuyện tăng trưởng của TTCK vẫn luôn là một ẩn số, người ta chỉ có thể dự báo chứ không thể “chắc” được mức tăng trưởng nào.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khoán Dầu khí nhìn nhận, với triển vọng kinh tế vĩ mô tích cực, vốn ngoại vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, dự trữ ngoại hối tăng, CPI, lạm phát được kiểm soát và được neo giữ ở mức thấp, thì mốc 1.200 điểm của VN-Index không phải là mục tiêu khó khăn với TTCK Việt Nam vào năm tới.

Được biết, MSCI sẽ công bố đánh giá mới về các TTCK vào tháng 6/2020. Nếu thị trường Việt Nam được vào danh sách xem xét nâng hạng, chỉ số chắc chắn sẽ “chạy” trước, đón cơ hội khi việc nâng hạng diễn ra.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục