Đâu là những bước tiến mà Việt Nam đã đạt được trên chặng đường tìm đến đích nâng hạng thị trường từ “Cận biên” lên “Mới nổi”, thưa ông?
Mục tiêu thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nâng hạng thị trường để phát triển thị trường vốn, nâng cao độ tín nhiệm quốc tế đã được cơ quan quản lý tập trung thực hiện trong hơn 2 năm qua và đã đạt được những kết quả tích cực nhất định.
Đầu tiên là UBCK đã có lộ trình thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và hướng tới nâng hạng TTCK Việt Nam, trong đó cụ thể hóa các bước triển khai đối với từng nội dung công việc như xử lý vấn đề tỷ lệ sở hữu nước ngoài, công bố thông tin bằng tiếng Anh, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài, các vấn đề về giao dịch và thanh toán… Một lộ trình cụ thể giúp chúng ta có định hướng rõ ràng về những công việc cần thực hiện trong thời gian tới.
Trong các tiêu chí đánh giá xếp loại của MSCI, phần lớn các tiêu chí xếp loại thuộc phạm vi thẩm quyền của UBCK đều đã được chúng tôi nghiên cứu một cách cầu thị, sửa đổi và hoàn thiện để đáp ứng được yêu cầu nâng hạng.
Về quy mô, TTCK Việt Nam hiện đạt mức vốn hóa hơn 2,4 triệu tỷ đồng, tương đương 53% GDP, là mức cao nhất kể từ khi thành lập thị trường. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tiếp tục ghi nhận vào ròng.
Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài hiện đạt trên 22,3 tỷ USD, tăng 29% so với cuối năm 2016 và cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Nhìn chung, những dấu hiệu tích cực cho thấy TTCK Việt Nam được các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đón nhận tích cực khi lòng tin của họ được cải thiện.
Trong thời gian sắp tới, TTCK phái sinh ra đời sẽ giúp TTCK Việt Nam có một cơ cấu hoàn chỉnh hơn, bao gồm thị trường huy động vốn và thị trường phân tán rủi ro, thúc đẩy thị trường vốn hội nhập, liên kết với thị trường vốn trong khu vực ASEAN. Ngoài ra, sản phẩm mới như chứng quyền có bảo đảm dự kiến ra mắt trong thời gian sắp tới cũng được kỳ vọng tạo ra sức phát triển mới cho TTCK.
Về cơ bản, thị trường Việt Nam đã đạt được các tiêu chí định lượng về quy mô cũng như thanh khoản theo các tiêu chí xếp hạng của MSCI cho thị trường “Mới nổi”. Các tiêu chí còn lại như độ mở của thị trường hay tăng cường phát triển bền vững đều là cần thiết cho TTCK nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Sau thời gian nỗ lực tiến hành các bước nâng hạng TTCK, theo ông, đâu là những khó khăn, vướng mắc mà Việt Nam cần vượt qua để có thể nâng hạng thành công?
Có 4 nhóm các vấn đề khó khăn, vướng mắc chính Việt Nam gặp phải trong quá trình nâng hạng thị trường:
Thứ nhất, về giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, việc tháo gỡ vướng mắc cho dòng vốn đầu tư nước ngoài đã được thực hiện qua việc ban hành Nghị định 60/2015 hướng dẫn Luật Chứng khoán. Theo đó, quy định tại văn bản này cho phép nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100%. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp chính thức được nới room vẫn khá khiêm tốn, một phần do bị hạn chế bởi quy định từ các luật liên quan như Luật Đầu tư.
Thứ ba, liên quan đến quyền tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài, phần lớn doanh nghiệp hoạt động trên TTCK Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ gặp khó khăn trong việc thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh, do liên quan đến vấn đề chi phí. Điều này ảnh hưởng nhiều tới việc tiếp cận thông tin thị trường và doanh nghiệp, cũng như đưa ra quyết định của nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ tư, liên quan tới nghiệp vụ thị trường, chẳng hạn như các yêu cầu về khả năng chuyển nhượng, cho vay chứng khoán đối với nhà đầu tư. Vấn đề này UBCK đang tích cực nghiên cứu triển khai các giải pháp tháo gỡ. Bên cạnh đó, chúng tôi đã và đang xây dựng Đề án tái cấu trúc hệ thống tổ chức thị trường giao dịch nhằm nâng cao thanh khoản, quy mô thị trường, năng lực hạ tầng công nghệ, chi phí giao dịch…, phù hợp với thông lệ quốc tế .
Theo ông, mức độ sẵn sàng cải thiện tính minh bạch hơn của cả doanh nghiệp lẫn nhà quản lý có phải là yếu tố quan trọng góp phần đưa nỗ lực nâng hạng thành công? Cần một sự chỉ đạo tổng thể của Chính phủ như thế nào để giúp cho nỗ lực nâng hạng thành công?
Các tổ chức xếp hạng coi yếu tố minh bạch là một trong những tiêu chí quan trọng trong quá trình xác định một thị trường đáp ứng đủ tiêu chuẩn để nâng hạng hay chưa. Từ khía cạnh thị trường, một TTCK có tính minh bạch chưa cao rõ ràng sẽ gây quan ngại cho nhà đầu tư, cũng như quyết định đầu tư của họ, ảnh hưởng tới sự phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế.
Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi thúc đẩy hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế giám sát theo định hướng nâng cao độ minh bạch của TTCK, tiến gần hơn tới thông lệ quốc tế như quy định chi tiết và mở rộng đối tượng, lĩnh vực mà các công ty phải thực hiện công bố thông tin; nâng cao tiêu chí về quy định báo cáo thông tin thường xuyên của doanh nghiệp; quy định chặt chẽ hơn về vấn đề quản trị công ty của doanh nghiệp; tăng cường chế tài xử phạt đối với các vi phạm liên quan. UBCK cũng đang hoàn thiện các văn ban thực thi Nghị định 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty, dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế trong việc tăng cường tính minh bạch của thị trường, ví dụ như thẩm quyền tiếp cận của cơ quan quản lý đối với tài khoản ngân hàng, truy cập thông tin nhân sự. Việc phối hợp giữa các cơ quan thuế, ngân hàng nhà nước, cơ quan công an, UBCK cũng cần có một quy chế trao đổi, chia sẻ và cung cấp thông tin hiệu quả, chặt chẽ hơn.
Để cải thiện tính minh bạch, cần sự nỗ lực của cả cơ quan quản lý lẫn việc nâng cao nhận thức của chính bản thân doanh nghiệp. Các quy định pháp lý đã có, nhưng điều quan trọng là nhận thức của doanh nghiệp.
Không phải tất cả các doanh nghiệp hoạt động trên TTCK đều mong muốn và sẵn sàng xây dựng một quy trình quản trị minh bạch hơn cho doanh nghiệp của mình.
Trừ một số tập đoàn, doanh nghiệp niêm yết lớn có ý thức rất rõ về tăng cường chất lượng hoạt động, chú trọng xây dựng hình ảnh doanh nghiệp, quan hệ nhà đầu tư qua việc công bố thông tin một cách tích cực, chủ động, công bố thông tin bằng tiếng Anh…, phần lớn các doanh nghiệp hiện vẫn tập trung vào thực hiện các tiêu chí tuân thủ hơn là tự nguyện theo các thông lệ quản trị công ty tốt về minh bạch.
Vẫn còn có những vấn đề như công bố thông tin sai lệch, giao dịch nội gián, thao túng giá cổ phiếu… diễn ra trên thị trường. Đó cũng là những vấn đề ảnh hưởng tới nỗ lực nâng hạng TTCK Việt Nam nói chung.
Chính phủ đã đặt nhiệm vụ nâng hạng TTCK là một trong những mục tiêu quan trọng cần thực hiện của ngành tài chính- chứng khoán. Việc nâng hạng không chỉ đem lại lợi ích cho riêng TTCK, mà còn giúp cho môi trường đầu tư của Việt Nam cải thiện, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Do đó, chúng tôi rất cần sự ủng hộ và chỉ đạo của Chính phủ, sự tham gia, đóng góp của các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước…, cũng như sự vào cuộc của các thành viên thị trường, để có thể thực hiện thành công nỗ lực nâng hạng TTCK.