Tuân thủ hình thức
“Chỉ số QTCT của Việt Nam rất thấp. Tuy Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hai Sở giao dịch chứng khoán có nhiều trăn trở và nỗ lực, nhưng vì QTCT là quyền của mỗi doanh nghiệp, nên có một thực tế là việc tuân thủ các quy định về QTCT đang mang tính thủ tục, hình thức nhiều hơn, không thực chất”, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Deloitte Việt Nam, đồng thời là thành viên Công ty cổ phần Doanh nghiệp xã hội Viện thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) nhìn nhận.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, hầu hết doanh nghiệp trên TTCK Việt Nam, kể cả doanh nghiệp niêm yết quy mô lớn, mới dừng lại ở mức tuân thủ các quy định, mà chưa thực sự chủ động hướng tới việc cải thiện chất lượng QTCT để nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông.
Chính vì coi nhẹ việc tuân thủ các nghĩa vụ về QTCT (chưa nói đến tự giác tìm tòi, sáng tạo, cũng như đầu tư thỏa đáng cho nâng chất QTCT) nên mặt bằng chất lượng QTCT của các doanh nghiệp trên TTCK Việt Nam ở vị trí “đội sổ” trong khu vực ASEAN.
Cần siết chặt quy định và xử lý nghiêm vi phạm
Để nâng cao chất lượng QTCT, thời gian qua, nhà quản lý thường sử dụng các biện pháp “mềm” như khuyến nghị, khích lệ doanh nghiệp áp dụng các thông lệ tốt, các chuẩn mực QTCT trên thế giới. Trong khi đó, ý thức tuân thủ của các doanh nghiệp còn hạn chế, nên chất lượng QTCT chậm được cải thiện.
“Một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng QTCT, tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, qua đó cải thiện chất lượng hàng hóa trên TTCK Việt Nam, là nhà quản lý cần đưa ra quy định buộc doanh nghiệp phải kiểm toán thông tin trên báo cáo thường niên, bản cáo bạch.
Trong khi thông tin trên báo cáo tài chính chỉ là thông tin quá khứ thì được kiểm toán, nhưng thông tin trên báo cáo thường niên, bản cáo bạch, bên cạnh những thông tin quá khứ, còn có những thông tin hiện tại và tương lai, mà nhà đầu tư, thị trường quan tâm lại không được kiểm toán”, bà Hà Thu Thanh nói.
Theo bà Thanh, việc kiểm toán thông tin trên báo cáo thường niên, bản cáo bạch không chỉ cần áp dụng với các doanh nghiệp niêm yết, mà cần tiến tới cả với các công ty đại chúng, đặc biệt là các doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK.
Để tăng điểm QTCT, một giải pháp khác được giới chuyên gia khuyến nghị nhà quản lý áp dụng là yêu cầu doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin bằng tiếng Anh. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, nên bắt buộc doanh nghiệp công bố thông tin cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Đặc biệt, thông tin của các doanh nghiệp trong các bộ chỉ số, chẳng hạn VN30, cần phải được kiểm toán trước khi công bố.
Tuy nhiên, nếu “vỏ” của thông tin bằng tiếng Anh, nhưng “ruột” không theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, thì vẫn khiến nhà đầu tư nước ngoài khó tiếp cận thông tin, dẫn đến khó cải thiện điểm số về QTCT cho Việt Nam.
“Báo cáo tài chính là một trong số những thông tin mà chúng ta đang khuyến khích doanh nghiệp dịch sang tiếng Anh. Thế nhưng, điều này chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, vì chuẩn mực kế toán của Việt Nam chưa hoàn toàn theo ngôn ngữ của quốc tế. Do vậy, ngay cả khi đọc báo cáo tài chính của doanh nghiệp Việt Nam dịch sang tiếng Anh, họ vẫn khó hiểu. Do đó, cùng với thúc đẩy doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh, cần đẩy nhanh việc tiệm cận nhiều hơn các chuẩn mực và thông lệ quốc tế tốt về ngôn ngữ lập báo cáo tài chính”, bà Thanh khuyến nghị.
Trước thực trạng bà Thanh nêu, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói vui: “Như vậy là nhà đầu tư nước ngoài đọc báo cáo tài chính của doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu được, mà là đọc để… cười”.
Bởi vậy, dịch các thông tin của doanh nghiệp sang tiếng Anh chỉ là một phần, điều quan trọng là các loại thông tin, chuẩn mực về kế toán, kiểm toán phải theo thông lệ quốc tế, thì mới có ý nghĩa trong nâng cao chất lượng QTCT, tính minh bạch của TTCK.
“Trong dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cần tính đến việc đưa ra quy định về công bố thông tin bằng tiếng Anh. Cùng với đó, triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy cải thiện chất lượng QTCT, trong đó có nâng cao trách nhiệm giám sát, xử lý vi phạm về QTCT. Luật Chứng khoán sửa đổi sắp tới sẽ làm chặt việc này”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.