Từ hàng cuối về quản trị công ty, doanh nghiệp Việt phải vươn lên

(ĐTCK) Mặc dù tiêu chí chấm điểm theo thẻ điểm quản trị công ty năm nay chỉ áp dụng một phần các tiêu chí chấm của ACGS, điểm mặt bằng của tất cả các công ty đoạt giải vẫn ở mức dưới 75%. Điều này cho thấy khoảng cách để Việt Nam đạt được các tiêu chuẩn về quản trị công ty tốt vẫn còn khá xa.  
Ban Tổ chức và các thành viên Hội đồng bình chọn làm việc tại HOSE. Ban Tổ chức và các thành viên Hội đồng bình chọn làm việc tại HOSE.

Doanh nghiệp Việt vẫn xếp hạng cuối trong khu vực

Năm nay là năm đầu tiên Ban Tổ chức Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết sử dụng Thẻ điểm quản trị công ty (Corporate Governance Scorecard) được xây dựng riêng cho các công ty niêm yết trên hai sàn chứng khoán Hà Nội và TP.HCM để đánh giá nội dung báo cáo và công bố thông tin về quản trị của các công ty.

Bà Nguyễn Nguyệt Anh, Đại diện Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Thành viên Hội đồng bình chọn Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm 2018 .

Việc bình chọn các công ty đoạt giải tại vòng chung khảo đã dựa trên kết quả chấm của 20 công ty đạt điểm báo cáo về quản trị cao nhất trên mỗi bảng quy mô giá trị vốn hóa (lớn, vừa và nhỏ) đã được các công ty kiểm toán Big4 soát xét.

Hầu hết các công ty trong danh sách lọt vào vòng chung khảo tại hai bảng quy mô giá trị vốn hóa lớn và vừa đều là các công ty đạt giải cao của Giải thưởng Báo cáo thường niên các năm trước.

Điểm đặc biệt nhất là trong danh sách các công ty đạt giải thưởng quản trị công ty năm nay có sự xuất hiện của các công ty niêm yết nằm trong bảng quy mô giá trị vốn hóa nhỏ mà theo tôi đây là kết quả của sự thay đổi đúng hướng và là nỗ lực rất lớn của Ban Tổ chức trong việc xây dựng cơ cấu giải thưởng cũng như các tiêu chí và quy trình chấm.

Thực tế là doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn xếp ở thứ hạng cuối trong bảng xếp hạng Thẻ điểm quản trị công ty (ACGS) của 6 quốc gia trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia (Theo ACGS 2017, các công ty niêm yết  của Việt Nam đạt mức điểm trung bình là 41,3 trên thang điểm 130 và điểm số cao nhất là 73 trên thang điểm 130).

Nguyên nhân chính là do hệ thống quản trị của các công ty Việt Nam vẫn chưa theo kịp các thông lệ quốc tế chuẩn, đặc biệt trong cấu trúc và hoạt động của hội đồng quản trị.

Tiêu chí chấm tại vòng sơ khảo là tiêu chí chung, bao gồm một phần tiêu chí của ACGS được áp dụng chấm trên toàn bộ gần 500 công ty niêm yết của hai sàn HOSE và HNX, thuộc rổ chỉ số VNX Allshare.

Tại vòng chấm chung khảo, Hội đồng bình chọn đã xem xét bổ sung, cũng như cân nhắc kỹ thêm một số tiêu chí khác để giúp Ban Tổ chức sàng lọc và bình chọn các công ty hướng đến các chuẩn mực quản trị quốc tế. Có một số tiêu chí được sử dụng để sàng lọc thêm, bao gồm:

Tính tuân thủ của các công ty đối với các quy định hiện hành; giá trị cổ phiếu đang giao dịch; danh tiếng của các công ty trên thị trường nói chung; cấu trúc quản trị của công ty theo mô hình chuẩn quốc tế bỏ ban kiểm soát, thay bằng ủy ban kiểm toán trực thuộc hội đồng quản trị; tính độc lập và số lượng thành viên độc lập đáp ứng yêu cầu tối thiểu 1/3 trên tổng số thành viên hội đồng quản trị;

Kết cấu và hoạt động của các ủy ban trực thuộc hội đồng quản trị; sự tham gia của hội đồng quản trị vào các công việc điều hành hàng ngày của công ty;

Năng lực, kinh nghiệm và khả năng đóng góp của mỗi thành viên hội đồng quản trị cũng như năng lực, sự tham gia chiến lược và giám sát của hội đồng quản trị, thể hiện qua các nghị quyết hội đồng quản trị và nghị quyết đại hội đồng cổ đông được ban hành trong năm.

Các công ty niêm yết có đặc điểm huy động vốn bên ngoài trên thị trường chứng khoán và vì vậy, bất kể quy mô lớn hay nhỏ, hội đồng quản trị phải đảm bảo việc thiết lập được một cấu trúc quản trị công ty tốt nhằm duy trì niềm tin và thu hút các nhà đầu tư.

Kết quả các công ty đoạt giải thưởng Top 5 với quy mô giá trị thị trường vừa và nhỏ đoạt giải cho thấy họ khá chú trọng đến việc công bố thông tin ra bên ngoài theo các chuẩn mực quản trị tốt, bao gồm cả các chuẩn mực của thẻ điểm quản trị ASEAN hay OECD.

Mặc dù tiêu chí chấm điểm theo thẻ điểm quản trị công ty năm nay chỉ áp dụng một phần các tiêu chí chấm của ACGS, điểm mặt bằng của tất cả các công ty đoạt giải vẫn ở mức dưới 75% (Công ty có điểm số cao nhất là 78 trên thang điểm 104, theo kết quả chấm của vòng sơ khảo đã qua soát xét của các công ty kiểm toán Big 4). Điều này cho thấy khoảng cách để Việt Nam đạt được các tiêu chuẩn về quản trị công ty tốt vẫn còn khá xa. 

Cần sự cam kết cao của các doanh nghiệp

Ngay cả với các công ty đoạt giải khi việc công bố thông tin đã làm khá tốt, nhưng việc thực sự cam kết thực hiện các thông lệ quản trị tốt về bản chất hay chưa vẫn là một câu hỏi chưa có đáp án đối với các chuyên gia của Hội đồng bình chọn.

Có thể chỉ ra các nhược điểm được ghi nhận lại từ vòng chấm chung khảo năm nay như chỉ có vài công ty có ít nhất 1/3 số lượng thành viên hội đồng quản trị là thành viên độc lập theo quy định của Nghị định 71; hội đồng quản trị của các công ty có cổ đông lớn, cổ đông mang tính gia đình vẫn tham gia sâu vào hoạt động điều hành;

Nội dung công bố thông tin bằng tiếng Anh của một số công ty có cổ đông nước ngoài không đầy đủ; đa số các công ty vẫn không theo kịp chuẩn quản trị quốc tế trong việc thay đổi mô hình quản trị bỏ ban kiểm soát và thành lập ủy ban kiểm toán trực thuộc hội đồng quản trị; số lượng thành viên hội đồng quản trị tham dự các chương trình đào tạo có chất lượng theo chuẩn quốc tế về quản trị còn khá nghèo nàn…

Việc thay đổi cơ bản các thông lệ quản trị tại các công ty là một quá trình lâu dài và gặp nhiều khó khăn, có khi sẽ mất từ 2 - 3 năm hoặc thậm chí dài hơn nữa.

Việc thay đổi nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc khá nhiều vào hai vấn đề chính: Một là, nhận thức một cách đầy đủ về tầm quan trọng của quản trị công ty cũng như thế nào là quản trị công ty tốt; hai là, cam kết thực hiện quản trị tốt nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư bên ngoài, phát triển bền vững và các lợi ích quan trọng khác mà công ty hướng tới.

Để giải quyết hai vấn đề này, cần có sự quan tâm tích cực và ủng hộ từ phía các cổ đông, đặc biệt là các cổ đông có kiểm soát chính.

Bên cạnh đó, chủ tịch hội đồng quản trị, các thành viên hội đồng quản trị độc lập và các thành viên khác là các cầu nối và nhân tố tích cực để góp phần tạo ra sự thay đổi. Các thành viên hội đồng quản trị nhất thiết phải trang bị đầy đủ kiến thức, cập nhật các quy định và thông lệ về quản trị công ty theo chuẩn quốc tế. 

Kỳ vọng VIOD thúc đẩy hội đồng quản trị chuyên nghiệp

IFC đã và đang tích cực tham gia vào nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy công tác quản trị công ty tại Việt Nam, trong đó có việc hỗ trợ đánh giá chất lượng quản trị công ty niêm yết của Việt Nam trong khuôn khổ dự án Thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN (ACGS); đồng thời cùng với các đối tác tổ chức các buổi hội thảo, đào tạo nhằm chia sẻ, nâng cao nhận thức và khả năng áp dụng các thông lệ tốt của các công ty trên thị trường.

Tháng 12/2016, IFC và HOSE, HNX đồng phối hợp cho ra mắt Sáng kiến quản trị công ty Việt Nam - VCGI, với sự hỗ trợ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO). VCGI giúp tăng cường sự hợp tác của các bên liên quan trên thị trường nhằm thúc đẩy việc thực hiện các thông lệ quản trị công ty tốt của doanh nghiệp Việt Nam.

Tiếp theo đó, Hội đồng Sáng kiến quản trị công ty Việt Nam (Hội đồng VCGI) được thành lập vào tháng 4/2017, bao gồm 18 thành viên là các chuyên gia về quản trị công ty, đại diện của các cơ quan quản lý, các tổ chức và doanh nghiệp từ khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam (bao gồm IFC, SSC, HOSE, HNX, CIEM, VCCI, Dragon Capital Group, Vietnam Holdings, Vinamilk, MBBank, Duane Morris, Deloitte, và PwC).

Đến nay, sau hơn một năm ra đời, VCGI đã triển khai 2 hội nghị bàn tròn, 5 cuộc họp của Hội đồng VCGI, 1 diễn đàn quản trị công ty về chủ đề giao dịch với bên liên quan và 6 khóa đào tạo, hội thảo về quản trị công ty cho thị trường.

Nỗ lực đáng ghi nhận nhất của VCGI là thúc đẩy việc thành lập Viện Thành viên hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD). Vào tháng 3/2018, VIOD được cấp giấy phép hoạt động như một doanh nghiệp xã hội cổ phần (không phân chia lợi nhuận).

VIOD nhận được hỗ trợ ban đầu của các bên có liên quan chủ chốt của VCGI và đặc biệt là hỗ trợ kỹ thuật của IFC thông qua Chương trình Quản trị công ty Việt Nam.

Là một doanh nghiệp xã hội, VIOD hoạt động nhằm thúc đẩy sự chuyên nghiệp của hội đồng quản trị, nâng cao đạo đức kinh doanh và tính minh bạch, thiết lập một mạng lưới các thành viên hội đồng quản trị độc lập, xây dựng để kết nối các lãnh đạo doanh nghiệp với các bên có quyền lợi liên quan, và giúp các công ty cải thiện niềm tin của nhà đầu tư.

VIOD hoạt động dưới sự điều hành của Hội đồng quản trị, bao gồm các đại diện của khu vực tư nhân - với sự cộng tác và hỗ trợ của SSC, HOSE và HNX trong khuôn khổ Sáng kiến Quản trị công ty Việt Nam.

Các thành viên Hội đồng quản trị của VIOD bao gồm các lãnh đạo các công ty và các cá nhân ủng hộ quản trị công ty tốt tại Việt Nam, trong đó có lãnh đạo cấp cao của các quỹ đầu tư, các công ty luật và kế toán quốc tế nổi tiếng và thành viên hội đồng quản trị độc lập của các công ty danh tiếng trên thị trường.

(Bài viết đã được đăng tải trên Đặc san Toàn cảnh doanh nghiệp niêm yết, do Báo Đầu tư xuất bản tháng 11/2018)

Bà Nguyễn Nguyệt Anh, Đại diện Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Thành viên Hội đồng bình chọn Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm 2018

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ