Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics Việt Nam tại thị trường ASEAN

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) ASEAN là một trong những thị trường cung cấp dịch vụ chính của doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí logistics của Việt Nam còn khá cao, để năng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường này đòi hỏi doanh nghiệp phải cắt giảm, tối ưu chi phí.
Ảnh Shutterstock Ảnh Shutterstock

Doanh nghiệp logistics Việt Nam có lợi thế tại thị trường ASEAN

Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết ASEAN là một trong những thị trường cung cấp dịch vụ chính của doanh nghiệp logistics Việt Nam. Hiện nay, có khoảng 75% doanh nghiệp logistics Việt Nam đang cung cấp dịch vụ cho hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN và 73% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho hàng nhập khẩu từ thị trường ASEAN sang Việt Nam.

Trong 5 năm trở lại đây, Việt Nam và nhiều quốc gia trong khối ASEAN có thế mạnh xuất khẩu như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia…

Được biết, sau 25 năm gia nhập ASEAN, thương mại hai chiều Việt Nam – ASEAN đã tăng lên từ vài tỷ đến hàng chục tỷ USD, đạt 57,3 tỷ USD vào năm 2019 và 48,2 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2020, sụt giảm 9,06% so với cùng kỳ năm ngoái do tác động của đại dịch Covid-19.

Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương đóng góp đáng kể vào kim ngạch thương mại là vai trò của ngành logistics, giúp năng cao năng lực cạnh tranh của thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các nước thành viên ASEAN.

Doanh nghiệp logistics Việt Nam có lợi thế khi đưa hàng vào khối các nước ASEAN là sự thuận lợi về khoảng cách địa lý, không hạn chế phương tiện vận chuyển. Đối với Việt Nam, ASEAN không chỉ là thị trường gần gũi về địa lý, mà còn có sự tương đồng về văn hóa và thói quen tiêu dùng, có số dân đông tới trên 622 triệu người và còn nhiều dư địa tăng trưởng thương mại với Việt Nam.

Hiện nay, có khoảng 75% doanh nghiệp logistics Việt Nam đang cung cấp dịch vụ cho hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN

Hiện nay, có khoảng 75% doanh nghiệp logistics Việt Nam đang cung cấp dịch vụ cho hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN

Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh Covid-19 và một số yếu tố khác, nền kinh tế ASEAN nói chung, tổng thể chuỗi cung ứng, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nội khối và lĩnh vực logistics của khu vực này nói riêng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.

Để nâng cao sự phát triển trong khối ASEAN, các doanh nghiệp logistics cần đẩy mạnh triển khai các hoạt động liên kết, thực hiện các dự án cùng lĩnh vực. Đơn cử như hoạt động logistics của doanh nghiệp Việt Nam và Singapore đang được các doanh nghiệp chú trọng triển khai.

Ông Law Chung Ming, Vụ trưởng Vụ Giao thông và Logistics, Tổng Vụ doanh nghiệp Singapore cho biết Tập đoàn YCH của Singapore và Tập đoàn T&T của Việt Nam đã cho ra mắt Trung tâm Kho vận Container nội địa Vĩnh Phúc (ICD). Đây là dự án thí điểm của Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN (ASLN), đóng vai trò điểm nút chính cho thương mại khu vực giữa Việt Nam, ASEAN và các thị trường quốc tế khác.

Hiệp hội Logistics Việt Nam cũng chia sẻ, các nhà đầu tư ASEAN có thể tham gia đầu tư tại Việt Nam, phát triển cảng biển, kho bãi, bao gồm cả kho lạnh, chuỗi cung ứng lạnh phục vụ cho việc xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản cũng như các trung tâm logistics vùng và khu vực để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa trong thị trường ASEAN.

Giảm chi phí nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường ASEAN

Dù có lợi thế trong thị trường nội khối ASEAN nhưng dịch vụ logistics của Việt Nam vẫn có chi phí cao và cần phải tối ưu để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Được biết ngành logistic Việt Nam hiện đứng thứ 3 Đông Nam Á, với mô 40 - 42 tỷ USD. Tuy nhiên, chi phí logistics còn cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) hiện nay hơn 4.000 doanh nghiệp logistics đang hoạt động, thách thức lớn nhất là chi phí logistics tại Việt Nam còn cao. Dẫn số liệu thống kê của Armstrong & Associates (Hoa Kỳ), ông Lộc cho biết, chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam tương đương 20,9% GDP, cao hơn nhiều các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, và cao gấp gần 2 lần các nước phát triển, cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%.

Trong chi phí logistic tại Việt Nam, chi phí vận tải quá cao, tương đương 30-40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh hàng hoá của các doanh nghiệp.

Để tận dụng lợi thế tại thị trường ASEAN, doanh nghiệp logistics Việt Nam cần cải thiện 3 vấn đề gồm cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính và kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước.

Thứ nhất, về cơ sở hạ tầng, tổng chiều dài đường cao tốc đang vận hành chưa đến 2.000km, trong khi có tới 80% lượng hàng hóa của doanh nghiệp vận chuyển bằng đường bộ. Hệ thống đường sắt trong nước còn lạc hậu, thiếu kết nối; đường thủy nội địa cũng chưa được khai thác hiệu quả.

Thứ hai, cải thiện các vấn đề về thủ tục hành chính, minh bạch, giảm thiểu các chi phí không chính thức.

Thứ ba, sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài còn lỏng lẻo, cần cải thiện, tăng cường liên kết, nâng cao sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp logistics Việt Nam. Việc hình thành các dịch vụ môi giới trung gian sẽ giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu quả hoạt động vận tải hàng hóa.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp logistics cùng cần tận dụng thế mạnh của thời đại số hóa, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, giảm chi phí vận hành, nâng cao sức cạnh tranh.

Ngân An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục