Kỳ vọng chuỗi liên kết mới trong đại dịch
Ngày 15/11 vừa qua, 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng 60 ngày kể từ ngày được thông qua bởi ít nhất 6 nước thành viên ASEAN và 3 nước thành viên không thuộc ASEAN.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, khi RCEP được thực thi sẽ tạo ra một thị trường với quy mô khoảng 3,5 tỷ người tiêu dùng và GDP xấp xỉ 49.000 tỷ USD, chiếm khoảng 32% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại.
Hiệp định dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các nước đối tác.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, xu hướng bảo hộ đang nổi lên, RCEP được ký kết trở thành dấu mốc quan trọng trong hội nhập kinh tế của các nước tham gia.
Đáng chú ý là hiệp định này thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Các khuôn khổ pháp lý ràng buộc về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử... trong một “sân chơi” công bằng cũng sẽ được tạo ra trong khu vực nhờ RCEP.
Thực tế, quá trình tự do hoá thuế quan với các nước ASEAN đã được thực hiện trong suốt hơn 20 năm qua. Vì vậy, theo ông Trần Tuấn Anh, việc thực hiện hiệp định RCEP sau khi được thông qua sẽ không tạo ra cú sốc về giảm thuế quan đối với Việt Nam. Đồng thời, RCEP còn hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới.
Là nền kinh tế có nhiều mặt hàng thế mạnh đáp ứng nhu cầu hầu hết thành viên, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia nhận nhiều lợi ích từ RCEP. Tuy nhiên, như cách ví von của một số doanh nghiệp và chuyên gia, cơ hội “giống một viên ngọc quý ẩn sâu trong viên đá thô ráp cần được khổ công mài giũa mới có thể phát lộ”. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần có sự đồng hành và cộng hưởng từ Chính phủ cũng như toàn hệ sinh thái kinh doanh.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vinamit cho rằng, về lý thuyết, thị trường mở rộng hơn thì cơ hội cho doanh nghiệp cũng gia tăng, nhất là trong xuất khẩu hàng hóa và trao đổi thương mại.
Việc ký kết Hiệp định RCEP sẽ mở thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong xuất khẩu, trao đổi thương mại cũng như tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu trong bối cảnh thế giới đang đẩy mạnh tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu sau những đổ vỡ, đứt gãy vì đại dịch Covid-19.
Cũng có cái nhìn tương tự, ông Lưu Hải Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải nhấn mạnh, doanh nghiệp rất kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu tới nhiều nước có tính tương đồng cao trong RCEP.
“Do thuế quan giảm mạnh, các thủ tục hải quan được đơn giản hóa nên luồng hàng cũng sẽ được lưu chuyển nhanh hơn giữa các quốc gia. Đây là cơ hội để doanh nghiệp mở rộng thị trường tới 15 nước tham gia Hiệp định”, ông Minh nhận xét.
Còn theo Chủ tịch Vinamit thì “cơ hội thì có nhưng để biến thành của mình là điều không dễ, nhất là trong điều kiện vốn mỏng, năng lực cạnh tranh hạn chế”.
RCEP giúp hàng hóa của các doanh nghiệp Việt vươn tới được nhiều thị trường trong khối, với các mức thuế ưu đãi nhất định, song ngược lại, hàng hóa cùng loại từ các nước cũng sẽ nhập khẩu vào Việt Nam theo nguyên tắc tương tự.
Do đó, ông Viên cho rằng, đây là cơ hội của các doanh nghiệp từ các nước phát triển khi đầu tư sang các nước đang phát triển như Việt Nam và người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nước ngoài với giá rẻ hơn.
Để doanh nghiệp Việt có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước ký kết hiệp định không hề đơn giản, nhất là khi so về thực lực tài chính, năng lực cạnh tranh còn rất hạn chế.
Theo tính toán của ông Viên, nếu so với lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp là 0% của các nước phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc, giá vốn mà doanh nghiệp Việt Nam được vay hiện nay quá cao với 8-10%/năm, nên khó có thể cạnh tranh.
“Đây là một bài toán cần tính kỹ đối với các doanh nghiệp khi mở rộng kênh đầu tư, thực sự rất cần có Nhà nước hỗ trợ với vai trò bà đỡ để đi trước trong các bước nền tảng này. Chỉ khi nội lực doanh nghiệp tăng lên và có sự hỗ trợ của nhà nước trong việc mở rộng kênh đầu tư, lúc đó mới tính đến các cơ hội của doanh nghiệp”, ông Viên thẳng thắn nhìn nhận.
Dưới góc nhìn của ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công thương, RCEP dự kiến đem lại lợi ích cho tất cả các nước tham gia. Tuy nhiên, xét về lợi ích cụ thể thì các nhóm nước khác nhau cũng có lợi ích khác nhau.
Ông Thái phân tích, với góc độ hài hòa các quy định hiện có của các hiệp định ASEAN đã có với các đối tác thì Hiệp định được coi là có giá trị cao trong việc giảm chi phí giao dịch, thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường vị trí trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các xung đột về thương mại trong khu vực.
Đơn cử như doanh nghiệp vừa và nhỏ của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, khó tận dụng được ưu đãi do có nhiều quy định khác nhau giữa Hiệp định của ASEAN và các nước đối tác. Với Hiệp định RCEP, các khó khăn này sẽ giảm đi do sẽ chỉ dùng chung một bộ quy tắc duy nhất và cho phép cộng gộp hàm lượng từ tất cả các nước trong khu vực.
Tương tự, trước đây nếu có tranh chấp thương mại với một đối tác lớn thì các nước ASEAN cũng khó giải quyết hơn. Nay trong một cơ chế mang tính đa phương với cả 15 nước tham gia thì các quy tắc thương mại sẽ được tuân thủ triệt để hơn.
Trong bối cảnh thế giới đang có có nhiều biến động hiện nay, đặc biệt là việc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không thể đóng vai trò hiệu quả trong giải quyết các xung đột thương mại như trước đây thì đây là giá trị không nhỏ cho các nước có quy mô kinh tế vừa phải như các thành viên ASEAN.
Với 5 nước đối tác của ASEAN là Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và New Zealand thì ngoài các giá trị các nước này chia sẻ với các thành viên ASEAN, 5 nước đối tác cũng được hưởng lợi ích từ việc mở cửa thị trường mới cho nhau, đặc biệt là giữa các nước hiện chưa có quan hệ FTA.
Khác với các nước ASEAN, trước khi thiết lập khu vực RCEP thì Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chưa có FTA với nhau, thậm chí quá trình đàm phán riêng giữa 3 nước này kéo dài nhưng không đạt được kết quả.
Tuy nhiên, khi được đặt trong không gian của hiệp định RCEP và với sự trung hòa quan điểm từ các nước ASEAN thì các nước đối tác cũng đã thống nhất được quan điểm với nhau. Điều này thể hiện rõ rệt nhất vai trò trung tâm của ASEAN.
Nâng sức cạnh tranh để gia nhập sân chơi mới
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI), đối với các doanh nghiệp, vấn đề tiên quyết là phải nắm vững các quy định của RCEP để có được tâm thế tốt nhất tham gia “cuộc chơi”. Theo đó, doanh nghiệp cần tập trung vào vấn đề cốt lõi là tăng cường tính cạnh tranh để tận dụng tốt nhất cơ hội của RCEP.
Nhìn nhận về vấn đề này, Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cũng lưu ý, bên cạnh những thuận lợi thì Hiệp định RCEP có thể mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.
“Đến nay, chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm xuất khẩu nước ta đều ở mức độ khá khiêm tốn. Trong khi đó, các nền kinh tế trong khu vực RCEP có nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự như nước ta nhưng lại có năng lực cạnh tranh mạnh hơn. Điều đó dẫn đến khi thực thi hiệp định này thì sức ép cạnh tranh sẽ gia tăng, hàng Việt phải cạnh tranh với các mặt hàng nhập khẩu cùng nhóm từ RCEP. Đó là chưa kể một thực tế là mặc dù nỗ lực để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm xuất khẩu song đến nay, “đầu vào” của nền sản xuất vẫn phải nhập khẩu. Yếu tố này cũng là rào cản để doanh nghiệp Việt có thể chiến thắng trong cuộc cạnh tranh thị phần khốc liệt ngay chính tại “sân nhà”.
Chủ động nắm bắt thời cơ cũng như các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, RCEP tạo ra những khuôn khổ mới với nhiều thuận lợi song cũng đưa ra các quy chuẩn chung mà mọi nền kinh tế, mọi doanh nghiệp khi nhập cuộc bắt buộc phải tuân thủ. Để tận dụng tối đa các lợi thế mang lại, yêu cầu trước tiên là các cơ quan chức năng cần tiếp tục cải cách thể chế để tạo ra môi trường kinh doanh phù hợp với các quy chuẩn chung đã được thống nhất.
RCEP sẽ không làm trầm trọng nhập siêu
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương
Hiệp định RCEP chắc chắn sẽ không làm trầm trọng nhập siêu, thậm chí là có khả năng cải thiện tình trạng nhập siêu cho Việt Nam và các nước ASEAN, đặc biệt là trong dài hạn. Với các công cụ phòng vệ thương mại trong khuôn khổ RCEP và WTO, Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát sao tình hình xuất nhập khẩu sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực để có biện pháp phòng vệ phù hợp trong những trường hợp hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại đáng kể để bảo vệ đến sản xuất trong nước.
Việc cần làm để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam cũng như cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực là tăng cường nội lực cho doanh nghiệp. Theo đó, bên cạnh các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động và tích cực tìm hiểu thông tin về các hiệp định FTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm. Doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, chuyển sức ép về cạnh tranh thành động lực để tự đổi mới và phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm để có lợi thế cạnh tranh không chỉ ở trong nước mà còn ở thị trường quốc tế.
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương
Hiệp định RCEP dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các nước đối tác, qua đó sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp, thủy sản.
RCEP sẽ mang đến giá trị lớn để Việt Nam đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, qua đó tận dụng tốt hơn các thị trường đối tác hiện nay. Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong Hiệp định, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan do nguồn cung nguyên liệu đầu vào chủ yếu đều nằm trong RCEP nhằm gia tăng khả năng xuất khẩu trong khu vực này, đặc biệt ở các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc.
Trước hết, Hiệp định cho phép các nước thành viên áp dụng nguyên tắc cộng gộp nguyên liệu có xuất xứ trong toàn khối. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng nguyên liệu có xuất xứ không những từ các nước ASEAN mà còn có thể sử dụng nguyên liệu có xuất xứ từ các nước đối tác ASEAN như Australia, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Đây được coi điểm mở rộng hơn so với các FTA ASEAN+1, giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng nguồn nguyên liệu đa dạng trong toàn khối RCEP để tăng cường khả năng xuất khẩu sang các nước đối tác trong khối.
Hơn nữa, ngay khi thực thi Hiệp định RCEP, ngoài việc áp dụng cộng gộp nguyên liệu có xuất xứ, các nước thành viên sẽ tiếp tục nghiên cứu và thảo luận về tính khả thi của cộng gộp toàn phần, là quy tắc xuất xứ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể từng bước tham gia chuỗi cung ứng khu vực (tương tự như quy tắc xuất xứ trong Hiệp định CPTPP).
Ngoài ra, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định RCEP sẽ đa dạng hơn so với các FTA ASEAN+1. Theo đó, doanh nghiệp có thể áp dụng 3 hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá như giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) được cấp bởi các tổ chức cấp, doanh nghiệp đủ điều kiện được phép tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá và bất kỳ doanh nghiệp nào đều có thể được phép tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá. Việc cho phép doanh nghiệp lựa chọn các thủ tục cấp phép chứng nhận xuất xứ đa dạng như vậy sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc giảm thiểu thời gian xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) truyền thống, cắt giảm chi phí giao dịch và chủ động hơn trong việc phát hành hóa đơn thương mại.
RCEP là sân chơi lớn
Ông Nguyễn Hữu Thức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu
RCEP là sân chơi lớn, tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu mạnh ra nước ngoài. Thách thức hiện diện, nhưng cơ hội cũng rất lớn. Đây là cơ hội để hàng hóa có thể tăng xuất khẩu song ngược lại cũng phải đối diện với làn sóng hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam. Để tận dụng được cơ hội này, doanh nghiệp nào cũng cần chuẩn bị hướng đi riêng để tạo lợi thế cạnh tranh.
Hiện nay, thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp là châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là những thị trường lớn, đặc biệt trong đó có thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc được đánh giá là khá tiềm năng khi Việt Nam đã ký kết Hiệp định RCEP với sự tham gia của các đối tác này.