Thực trạng công tác thông tin tuyên truyền chính sách BHTG tới công chúng ở nông thôn
Từ khi có Luật BHTG vào năm 2012, BHTGVN đã từng bước hoạch định mục tiêu tuyên truyền từng thời kỳ, phân nhóm đối tượng công chúng mục tiêu và lựa chọn các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng công chúng mục tiêu đó. Đặc biệt trong giai đoạn này, BHTGVN xác định mục tiêu hướng tới đối tượng công chúng ở địa phương, trong đó trọng tâm là người gửi tiền ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người gửi tiền ít có điều kiện tiếp cận với thông tin về tài chính - ngân hàng và BHTG.
BHTGVN đã xây dựng một bộ nhận diện thương hiệu chuẩn của tổ chức, được sử dụng trong toàn hệ thống BHTGVN với hình ảnh, logo kèm theo khẩu hiệu: “Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền”, đồng bộ hóa ấn phẩm văn phòng, chứng nhận BHTG, biển pháp lý, biển chức danh, biển thông báo, chỉ dẫn, bục phát biểu, phông hội nghị, thiết kế đồng phục sử dụng trong trường hợp có trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền.
Website là một kênh thông tin cập nhật giúp người gửi tiền tìm hiểu những kiến thức cơ bản cần thiết về BHTG nói riêng, tài chính – ngân hàng nói chung, phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin của người gửi tiền; duy trì sự tương tác với bạn đọc. Đặc biệt hơn, trong năm 2019, BHTGVN đã hoàn thành biên soạn và đăng tải trên website cuốn Cẩm nang BHTG dành cho người gửi tiền, cung cấp tới công chúng nguồn kiến thức, thông tin cơ bản, đầy đủ và chính thống về BHTG và các vấn đề liên quan cần thiết đối với người gửi tiền; góp phần đa dạng hóa các sản phẩm tuyên truyền, dễ dàng tiếp cận và nâng cao nhận thức của công chúng về BHTG.
BHTGVN cũng đẩy mạnh tuyên truyền trên báo ngành và các báo, tạp chí, ấn phẩm có lượng độc giả lớn, đặc biệt là các báo hướng tới đối tượng người lao động, người làm nông nghiệp với hàng trăm tin, bài được đăng tải, theo kịp các chủ đề nóng, kịp thời tuyên truyền thông tin về chính sách BHTG và hoạt động của BHTGVN.
Trên sóng phát thanh, truyền hình, BHTGVN thực hiện tuyên truyền thông qua các chuyên mục tin tài chính – ngân hàng; chương trình đối thoại trường quay, gameshow, phát phóng sự và tiểu phẩm tuyên truyền mang lại hiệu quả truyền thông sâu rộng đến các đối tượng người gửi tiền từ thành thị đến nông thôn, đưa hình ảnh BHTGVN và chính sách BHTG đến gần hơn với công chúng.
Tuyên truyền trên hệ thống bưu điện là hình thức tuyên truyền được BHTGVN thực hiện từ năm 2017 với ưu điểm tận dụng mạng lưới bưu điện bao phủ rộng, vươn xa nhằm đưa thông tin tới các địa bàn khó tiếp cận. Tính đến hết năm 2018, BHTGVN đã triển khai tuyên truyền thông qua poster, standee tại 15 tỉnh thành, với tổng cộng 191 điểm bưu điện huyện, thị và 1.971 điểm bưu điện văn hóa xã.
Thông qua các Chi nhánh, BHTGVN tuyên truyền trực tiếp tới người gửi tiền là thành viên các QTDND, giới thiệu chính sách, phát tờ rơi, tuyên truyền thông qua các vật phẩm mang nội dung chính sách. Ngoài ra, BHTGVN phối hợp với các trường Đại học tổ chức các cuộc thi, sự kiện tại ĐH Cần Thơ, ĐH Hải Phòng, ĐH Kinh tế Nghệ An, Học viện Ngoại giao, Đại học Ngân hàng TP. HCM, Học viện Ngân hàng, thu hút sự tham gia chủ động của sinh viên – đối tượng người gửi tiền tiềm năng.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính sách BHTG tới công chúng tại nông thôn
Thứ nhất, cần xây dựng được Chiến lược truyền thông của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trên cơ sở Chiến lược phát triển ngành ngân hàng và Chiến lược phát triển BHTGVN đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Trong đó, Chiến lược truyền thông sẽ xác định công chúng tại khu vực nông thôn là một trong những đối tượng trọng tâm tuyên truyền, xác định các mục tiêu, giải pháp, công cụ truyền thông cụ thể để đưa chính sách BHTG lan tỏa tới các đối tượng này.
Thứ hai, triển khai đồng bộ nhóm các giải pháp về nội dung, hình thức, quy trình, đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền tới công chúng tại nông thôn. Đề xuất xây dựng quy trình tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTG tới công chúng tại nông thôn qua 8 bước cụ thể: xác định mục tiêu truyền thông, khảo sát địa bàn và đối tượng truyền thông, lựa chọn kênh truyền thông và xây dựng thông điệp truyền thông, xây dựng kịch bản chi tiết, tổ chức thực hiện, tiếp nhận phản hồi, đánh giá kết quả, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng của các sự kiện tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTG tiếp theo.
Thứ ba, cần tăng cường phối hợp với các bên có liên quan trong việc tuyên truyền chính sách BHTG như NHNN và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố; Chính quyền địa phương; Các tổ chức tham gia BHTG; Công chúng và các bên có liên quan khác.
Thứ tư, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến chính sách đến đối tượng người dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa. Tuyên truyền tới nhóm công chúng “hạt nhân” như: già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số; và phối hợp với các bên có liên quan như Bộ đội Biên phòng, Công an, Trường học tại các địa phương để lồng ghép tuyên truyền tại các khu vực vùng biên giới, khu vực khó tiếp cận về mặt địa lý.
Thứ năm, cần nâng cao năng lực truyền thông chính sách cho BHTGVN: Về nhân lực, cần bổ sung đội ngũ nhân sự phù hợp với quy mô và yêu cầu công việc, đặc biệt là nhân sự có chuyên môn cao; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng báo chí, truyền thông, kinh nghiệm truyền thông về chính sách, xử lý thông tin cho đội ngũ cán bộ truyền thông.