Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế

Ưu tiên tìm kiếm và mở rộng thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và lao động Việt Nam, thu hút nguồn vốn… là những công tác cụ thể được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra cho ngành ngoại giao để hướng tới phát triển bền vững.
Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế

Hội nhập tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế

Đánh giá thành tựu của ngành ngoại giao tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 khai mạc đầu tuần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Công tác đối ngoại đã phục vụ thiết thực nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhất là kinh tế đối ngoại”.

Nhận định này được Tổng Bí thư làm rõ qua những con số cụ thể. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ năm 2016 đến nay, tăng trưởng kinh tế luôn đạt cao hơn mức bình quân của giai đoạn 2011 - 2015. Các chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực, nhất là đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu. 

Đáng chú ý, mặc dù xu hướng bảo hộ nổi lên ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng kim ngạch thương mại và thu hút vốn đầu tư, du lịch từ các đối tác chủ chốt vẫn năm sau tăng hơn năm trước.

Năm 2017, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% (cao nhất trong 10 năm qua); vốn giải ngân đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2016.

Các đối tác đã cam kết viện trợ hơn 3 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Năm qua, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt mức kỷ lục 13 triệu lượt người.

Đến nay, đã có tổng cộng 71 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Việt Nam cũng đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 10 hiệp định đã có hiệu lực.

Chia sẻ với báo chí bên lề Hội nghị, bà Hoàng Thị Xuân Hiền, Đại sứ Việt Nam tại Kazakhstan cho biết, FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, có hiệu lực ngày 5/10/2016, đã mở ra những cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại lớn cho hai bên.

Theo đó, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 đạt trên 500 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2016, trong đó, Kazakhstan lần đầu tiên xuất siêu sang Việt Nam.

Trước những nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp nước bạn, Đại sứ Hoàng Thị Xuân Hiền cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần cố gắng tăng cường hơn nữa hoạt động xuất khẩu sang Kazakhstan, đặc biệt với những mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam như nông sản nhiệt đới, giày da, sản phẩm may mặc, điện thoại thông minh…

Trong khi đó, ông Vũ Văn Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi, cho biết, với những bước phát triển đáng ghi nhận giữa hai nước như hiện nay, hoạt động đầu tư, thương mại giữa hai nước sẽ gia tăng.

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Nam Phi hiện ở mức 1 - 1,2 tỷ USD/năm, đạt giá trị lớn nhất trong khu vực Trung Phi và đang hướng tới mốc 2 tỷ USD/năm.

Tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác đối ngoại

Mặc dù những kết quả, thành tựu mà ngành ngoại giao đạt được trong thời gian qua là hết sức khả quan, nhưng Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh lưu ý, tình hình thế giới và khu vực đang chuyển động rất nhanh và khó lường, trong khi đất nước ta đang bước vào giai đoạn đẩy mạnh hội nhập sâu rộng.

“Chúng ta cần tiếp tục phối hợp chặt với các các binh chủng khác, phấn đấu định vị đất nước một cách vững chắc nhất trong cục diện mới, đặt vào đúng dòng chảy của thời đại, như đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, để tiếp tục góp phần đưa đất nước đi lên, thực hiện mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn ngành ngoại giao tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác đối ngoại. “Nếu chúng ta không tiếp tục đổi mới, thì không theo kịp sự phát triển của tình hình. Vấn đề là chúng ta dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi những tư duy, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế”, Tổng Bí thư nói.

Trong 8 yêu cầu lớn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra cho ngành ngoại giao, thì nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển bền vững của đất nước là một trong những yêu cầu được Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư đề nghị ngành ngoại giao ưu tiên tìm kiếm và mở rộng thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và lao động Việt Nam, thu hút nguồn vốn, nhất là FDI và ODA, hướng vào các lĩnh vực ưu tiên của đất nước.

Đẩy mạnh vận động các đối tác công nhận quy chế kinh tế thị trường theo lộ trình cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Tích cực cùng các nước thúc đẩy đàm phán, phê chuẩn và thực hiện các thoả thuận FTA đa phương; nghiên cứu khả năng tham gia các sáng kiến đa phương trong khu vực về kết nối kinh tế và phát triển kết cấu hạ tầng; tiến hành đàm phán các FTA song phương với các nước, nhất là với các đối tác thương mại lớn.

Thanh Huyền
baodautu,vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục