Nỗi đau đầu lớn nhất
Không ngạc nhiên khi Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân (gọi tắt là Dự án Đường sắt Cái Lân) lại nằm danh sách các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm trong lĩnh vực hạ tầng giao thông không hiệu quả, chậm tiến độ vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tổng hợp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào đầu tuần trước.
Ngoài Dự án Dự án Đường sắt Cái Lân, tại Công văn số 12661/BGTVT - KHĐT, Bộ GTVT cho biết, trên cơ sở các tiêu chí do Bộ Kế hoạch và Đầu tư gợi mở, có thêm 2 dự án được xếp vào diện các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm không hiệu quả, chậm tiến độ gồm: Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, (tuyến số 1), giai đoạn I.
Đặc điểm chung của cả 3 dự án này là đều đang triển khai dang dở, mốc thời hạn hoàn thành bị vỡ rất sâu so với kế hoạch ban đầu (khoảng 10 năm), thậm chí, còn chưa định được thời gian hoàn thành.
Trước đó, vào đầu tháng 10/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 8176/BKHĐT-PTHTĐT gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị báo cáo về việc xử lý khó khăn, vướng mắc đã tồn tại nhiều năm của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm không hiệu quả, chậm tiến độ.
Được biết, tại Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì rà soát, tổng hợp, phân loại và xây dựng kế hoạch, lộ trình để có phương án xử lý khó khăn, vướng mắc đã tồn tại nhiều năm, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm không hiệu quả, chậm tiến độ.
“Đơn vị chủ quản cần đưa ra đánh giá sơ bộ tính hiệu quả; các nguyên nhân khách quan, chủ quan khiến công trình đang bị chậm tiến độ, đồng thời kiến nghị rõ cấp có thẩm quyền xử lý và cơ quan có trách nhiệm trình xử lý”, Công văn số 8176 do ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký nêu rõ.
Cần phải nói thêm, trong 3 dự án trọng điểm chậm tiến độ kéo dài, Dự án Đường sắt Cái Lân đang là “nỗi đau đầu” của Bộ GTVT.
Dự án Đường sắt Cái Lân có chiều dài 131 km (43 km xây dựng mới và 88 km cải tạo, nâng cấp), được phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2004 với tổng mức đầu tư 7.665 tỷ đồng và được chia thành 4 tiểu dự án vận hành độc lập.
Đây là công trình có vai trò quan trọng trong phát triển hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, góp phần hoàn thiện mạng lưới GTVT khu vực phía Bắc, nhất là khu tam giác trọng điểm kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Công trình này được khởi công vào năm 2005, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2012. Tuy nhiên, giai đoạn năm 2008 - 2011 nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nên Dự án phải đình hoãn, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Tới nay, Dự án mới hoàn thành đưa vào khai thác Tiểu dự án 1 (đoạn Hạ Long - Cái Lân); 3 tiểu dự án còn lại (Yên Viên - Lim, Lim - Phả Lại, Phả Lại - Hạ Long) mới triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng, thi công nền đường và một số hạng mục trên tuyến.
Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, tổng số vốn đã giải ngân cho toàn dự án là 4.342 tỷ đồng (đạt 56,7%). Tất cả đều là khối lượng dở dang, chưa thể đưa vào khai thác, vận hành.
Điều đáng lo ngại là, các gói thầu mua sắm ray, tà vẹt đã mua phục vụ Tiểu dự án 2, 3, 4 là 771 tỷ đồng, nhưng mới lắp đặt với giá trị khoảng 105 tỷ đồng. Số ray, tà vẹt còn lại trị giá 666 tỷ đồng (ray 393 tỷ, tà vẹt 273 tỷ) chưa được đưa vào lắp đặt (hiện đang được trông coi bảo quản ở một số ga dọc tuyến và kho bãi nhà thầu) sẽ bị ảnh hưởng đến chất lượng và phát sinh kinh phí trông coi, bảo quản, bảo dưỡng.
Từ năm 2017, Dự án không được bố trí kế hoạch vốn, nên không có kinh phí chi trả cho các đơn vị trông coi và thực hiện công tác bảo quản bảo dưỡng (trong đó nhà thầu trông coi các gói thầu ray của tiểu dự án 2, 3 đã nhiều lần đề nghị bàn giao lại toàn bộ vật tư do không bố trí được kinh phí).
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân (Bắc Ninh) về kế hoạch khởi động lại Dự án Đường sắt Cái Lân đầu tư dở dang suốt 18 năm qua và rơi vào cảnh “cầu chờ đường, đường lại chờ ray”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định, đây là vấn đề nhức nhối với ngành GTVT và các cử tri khu vực Bắc Ninh, Quảng Ninh.
“Khi còn là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, tôi cũng đã nhiều lần ký văn bản đề nghị sớm khởi động lại Dự án để tránh lãng phí đầu tư và không ảnh hưởng đời sống của người dân vùng dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin.
Tín hiệu tích cực
Trong Công văn số 12661, Bộ GTVT cho biết, nếu tiếp tục để Dự án Đường sắt Cái Lân như hiện nay sẽ gây thiệt hại, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Tuy nhiên, do lượng vốn đầu tư để hoàn thiện công trình rất lớn, trong khi lợi thế về vận tải hành khách không còn sau khi trục cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long hoàn thành đã khiến phương án tài chính hoàn vốn Dự án không còn khả thi. Vì vậy, Bộ GTVT cho biết, việc kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa để hoàn thiện công trình không nhận được quan tâm, đề xuất của nhà đầu tư.
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân vẫn tiếp tục được quy hoạch với lộ trình đầu tư trước năm 2030.
Tuy nhiên, do Dự án được phê duyệt đầu tư đã lâu (18 năm) và thực tiễn đã có những thay đổi nhất định về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực triển khai Dự án, nên Bộ GTVT đang tổ chức rà soát, lập hồ sơ điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.
“Đây là cơ sở để kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục bố trí vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư dự án theo lộ trình đã được phê duyệt”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.
Đối với Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, giai đoạn I (bao gồm tổ hợp ga Ngọc Hồi), sau khi cơ bản dừng triển khai từ năm 2017 để thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, công trình này đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ GTVT chuyển giao cho UBND TP. Hà Nội thực hiện đầu tư đối với tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi.
Riêng đối với tổ hợp ga Ngọc Hồi với vai trò là ga đầu mối phía Nam, đáp ứng chức năng của đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ GTVT đang phối hợp với UBND TP. Hà Nội rà soát làm rõ phạm vi, quy mô đầu tư, báo cáo cơ quan chủ quản để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Được biết, tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội được Bộ GTVT nghiên cứu rất sớm, từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, đã phải trải qua khá nhiều lần tách nhập và điều chỉnh. Trong lần điều chỉnh gần nhất (năm 2017), Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, giai đoạn I có tổng mức đầu tư trên 19.400 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại, Dự án mới chỉ tiến hành giải phóng mặt bằng tại tổ hợp ga Ngọc Hồi; 11 gói thầu đã ký hợp đồng (chủ yếu là tư vấn) đã có 3 gói thầu đã thanh lý hợp đồng, 8 gói thầu đang được Ban Quản lý dự án đường sắt tiến hành các thủ tục thanh lý theo quy định.
Trong số 3 dự án thuộc danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, tín hiệu tích cực rõ nét nhất là Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Sau gần 3 năm “ngủ đông” do lâm vào cảnh “giáp hạn vốn”, đến thời điểm này, không khí thi công rầm rộ đã trở lại tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành do VEC làm chủ đầu tư, đặc biệt là các gói thầu xây lắp thuộc đoạn tuyến phía Đông.
Đây là đoạn tuyến sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được khởi động lại ngay sau khi Quốc hội tái bố trí vốn ODA cho Dự án (tháng 6/2023).
Đối với đoạn phía Tây, chủ đầu tư Dự án đang tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu: A1, A2-2 và A4, dự kiến triển khai thi công trong quý IV/2023.
Đối với đoạn vay vốn từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), gói thầu J2 đã hoàn thành, gói thầu J1 đã tái khởi động, gói thầu J3 đang xin ý kiến JICA về hồ sơ mời thầu và dự kiến triển khai thi công trong quý I/2024.
Theo Bộ GTVT, dự án này còn 2 vướng mắc liên quan đến thủ tục gia hạn hiệp định đối với các gói thầu sử dụng vốn vay JICA để hoàn thành khối lượng còn lại của gói thầu J1, J3 và xử lý các chi phí phát sinh do dừng chờ theo khiếu kiện của nhà thầu.
Bộ GTVT đã đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (với vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước của VEC) chỉ đạo VEC giải quyết các thủ tục liên quan đến việc xử lý khiếu kiện theo thẩm quyền của chủ đầu tư.
“Dự án sử dụng vốn vay nước ngoài, có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài và việc giải quyết khiếu nại phải tuân thủ quy định của hợp đồng, điều ước, thỏa thuận quốc tế. Do vậy, cần sự tham gia hỗ trợ của Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tháo gỡ”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.