Năm vui của chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2020 đã qua, Tết Âm lịch 2021 sắp tới. Nhìn lại quãng đường năm 2020 của thị trường chứng khoán, có nhiều điều thú vị.
Số lượng nhà đầu tư cá nhân mới gia nhập thị trường chứng khoán ghi nhận mức kỷ lục trong năm 2020. Số lượng nhà đầu tư cá nhân mới gia nhập thị trường chứng khoán ghi nhận mức kỷ lục trong năm 2020.

Mua đại cũng lời

Còn nhớ, hồi đầu năm 2020, nhiều nhà đầu tư chứng khoán chỉ mong “năm nay kiếm khá hơn 2019”. Bởi lẽ năm 2019, cổ phiếu loanh quanh trong một khung biến động không nhiều, thậm chí, có người còn bảo “mua cổ phiếu tệ hơn cả gửi tiết kiệm”.

Đùng một cái, dịch Covid-19 diễn ra. Nhiều người lo lắng. Có một chuyên gia quản lý quỹ nổi tiếng thời điểm tháng 3 chia sẻ chỉ hy vọng năm 2020 đầu tư không lỗ là được.

Ấy thế mà tự nhiên mọi thứ thay đổi đột ngột kể từ tháng 3/2020.

Trên trang Facebook của tôi, mỗi bài viết về cổ phiếu hồi năm 2019 chỉ nhận được vài lượt thích thì trong năm 2020 đã tăng gấp 5, gấp 10 lần. Số người theo dõi cũng tăng mấy nghìn.

Chẳng phải do Facebook thay đổi thuật toán gì đâu, mà chỉ là số người đổ vào mua chứng khoán tăng nhanh chưa từng thấy và người ta quan tâm đến những bình luận về cổ phiếu trên mạng xã hội mà thôi.

Điều này cũng phản ánh một trào lưu chung trên thế giới. Bị “nhốt” ở nhà, nhiều người ở nước ngoài quay ra chơi cổ phiếu. Con bạc, người làm nail ở Mỹ cũng chơi. Thế giới làm quen với thuật ngữ “nhà đầu tư Robinhood”, để chỉ những người mới vào chơi cổ phiếu thông qua các nền tảng giao dịch cổ phiếu, tiền tệ đơn giản, thu hút người mới chơi như Robinhood.

Ở Việt Nam, người ta quen thuộc với thuật ngữ “những nhà đầu tư F0”, nghĩa là những người mới mở tài khoản để “chơi” chứng khoán. Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, trong cả năm 2020, nhà đầu tư cá nhân mở mới hơn 392.000 tài khoản chứng khoán, hơn gấp đôi so với năm 2019.

Trong năm qua, tôi bất đắc dĩ thành người tư vấn mua cổ phiếu cho những người rất thân. Trước đây, tôi luôn từ chối tư vấn cổ phiếu cho người quen, mà chỉ mua bán cho bản thân mình. Năm qua thì khác, ai cũng “ép” quá nên cũng phải chỉ cho họ một vài mã cổ phiếu mà mình nghĩ mua thì cũng khó lỗ, vì giá thấp quá. Cuối năm, ai cũng lời.

Ảnh tác giả

Trong khoảng 15 năm tham gia thị trường cổ phiếu, năm qua là một trong những năm dễ dàng nhất của tôi, vì mua... đại rồi cũng lời. So với thời kỳ mua cổ phiếu mà bà bán đậu phộng còn giỏi hơn ông tiến sĩ của những năm 2006 - 2007 còn dễ hơn nhiều.

Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Thật tình mà nói, trong khoảng 15 năm tham gia thị trường cổ phiếu, năm qua là một trong những năm dễ dàng nhất của tôi, vì mua... đại rồi cũng lời.

So với thời kỳ mua cổ phiếu mà bà bán đậu phộng còn giỏi hơn ông tiến sĩ của những năm 2006 - 2007, còn dễ hơn nhiều, vì thời điểm giữa 2020, kinh tế đang ở thời điểm hồi phục sau cú sốc Covid-19 trên thế giới.

Giá cổ phiếu đi từ đáy lên mà tiền đổ vào ầm ầm.

Điều kiện vĩ mô, tình hình giá cổ phiếu đều thuận lợi, lãi suất thấp, chính phủ thả “tiền trực thăng” cho dân ở mức độ chưa từng thấy ở Mỹ, Canada và châu Âu.

Tình hình dễ hơn nhiều so với chuyện “đu đỉnh” của giai đoạn so kè giữa bà bán đậu phộng và ông tiến sĩ ngay trước khủng hoảng tài chính toàn cầu năm xưa.

Vì vậy, bất chấp việc nhiều người cho rằng khi mà ai cũng nói về cổ phiếu là lúc thị trường sắp sụp đổ, thị trường cổ phiếu vẫn đi lên ào ào vào những tháng cuối năm 2020.

Ngay cả khi thị trường giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử, VN-Index mất gần 75 điểm trong sáng ngày 19/1/2021, tâm lý bắt đáy, sợ lỡ cơ hội mua cổ phiếu vẫn tràn ngập thị trường.

Một số nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm mà tôi quen đã rút vài tỷ đến vài chục tỷ đồng ra khỏi cổ phiếu trong vòng mấy ngày trước đó, cũng nghĩ là thị trường điều chỉnh, có thể mạnh, có thể không nhưng rồi sẽ vượt qua mốc 1.200 điểm. Họ rút tiền ra nhưng họ vẫn sẽ tìm điểm để “vào” lại.

Năm 2020 là một năm khác hẳn

Đầu tiên, đó là một năm quá đặc biệt. Dịch Covid-19 đã làm nhiều nền kinh tế tê liệt trong quý I và quý II. Tính chung cả năm, những nền kinh tế có tăng trưởng dương trên toàn cầu chắc chỉ hơn con số 15, mà nếu bỏ ra một số lãnh thổ rất nhỏ và vài nước kém phát triển ở châu Phi thì hai bàn tay là đếm đủ số nước có tăng trưởng kinh tế dương.

Vì kinh tế xuống dốc như thế, chính phủ các nước phải làm mọi cách để vực lại nền kinh tế, hạn chế thất nghiệp, phá sản và giữ không cho niềm tin tiêu dùng giảm xuống quá thấp.

Một trong những rủi ro lớn mà giới quản lý quỹ toàn cầu bảo nhau cẩn thận là khả năng vỡ nợ của các khoản vay có rủi ro cao (cho các công ty vay nợ như chúa chổm vay, gọi hoa mỹ là “leveraged loans”).

Thế nhưng, do kinh tế đi xuống và nỗi sợ thị trường cổ phiếu bất ổn, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã mua vào rất nhiều trái phiếu, bao gồm cả các trái phiếu rủi ro cao như vậy. Vậy là quả bong bóng trái phiếu rủi ro cao tưởng sẽ vỡ nợ lại không vỡ hàng loạt, chỉ có một vài vụ vỡ nợ nhỏ và cục bộ.

Nói cách khác, những quả bong bóng tài chính tưởng sẽ vỡ trong năm 2020 như cổ phiếu công nghệ, trái phiếu rủi ro cao chẳng những không vỡ mà còn phình to nhiều lần. Xu thế làm việc tại nhà đã biến những con số tăng trưởng doanh thu tưởng như vô lý của các công ty công nghệ, cung cấp dịch vụ “trên mây”, xe điện, năng lượng xanh trở thành... có lý.

Covid-19 như một cú sốc vĩ đại, làm mới lại một thị trường tài chính đang mất dần động lực và dường như đang đến gần điểm cuối của chu kỳ tăng trưởng trên toàn cầu. Covid-19 tàn phá nhiều thứ, làm đổ vỡ nhiều công ty và bây giờ thì nhiều tổ chức tài chính, thậm chí công ty có vốn Nhà nước ở Trung Quốc vẫn đang tiếp tục phá sản. Thị trường lao động Mỹ và châu Âu vẫn suy yếu. Ở Việt Nam vẫn có hơn 30 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập. Có thể nói, chỉ trong một năm, Covid-19 đã đưa kinh tế toàn cầu từ đỉnh của chu kỳ kinh tế về đến đáy.

Khi kinh tế đi lên từ đáy, lãi suất thấp, chính phủ tiếp tục chi tiêu công kích thích kinh tế thì chẳng có lý gì mà thị trường cổ phiếu lại không đi lên?

Đó là lý do vì sao mà ngay cả những nhà đầu tư kỳ cựu nhất cũng lạc quan với thị trường, bất chấp những đợt tăng nóng và số người bắt đầu sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư cổ phiếu đã tăng mạnh. Rõ ràng, “nhạc” đang còn mở thì người tham gia bữa tiệc cổ phiếu cứ tiếp tục nhảy một cách hưng phấn thôi.

Nhà đầu tư và các công ty chứng khoán có một năm bội thu.

Nhà đầu tư và các công ty chứng khoán có một năm bội thu.

Khi nào nhạc dừng?

Có ba tác nhân chính. Một là, lãi suất tăng trở lại. Hai là, bơm tiền từ chi tiêu công chậm lại. Và ba là, tăng thuế.

Chính phủ không thể bơm tiền mãi và ngân sách không thể cứ thâm hụt mãi. Chính phủ sẽ phải tăng thuế vào một thời điểm nào đó.

Ngân hàng trung ương không thể cứ bơm thanh khoản mãi cho thị trường tiền tệ. Họ sẽ phải hút tiền về, vì nếu không, thị trường tài sản sẽ tạo thành những quả bong bóng quá to, không thể kiểm soát được nữa.

Nếu thị trường thành nghiện tiền, một đợt tăng lãi suất thôi sẽ tạo ra một đợt tháo chạy mất kiểm soát trên các thị trường tài chính. Rủi ro thị trường tài chính “hạ cánh cứng” khi kinh tế bắt đầu ổn định là có. Vì vậy, các cơ quan quản lý sẽ phải tính toán thời điểm rút tiền hợp lý.

Hơn nữa, ổn định vĩ mô, giữ lạm phát thấp là mục tiêu tối thượng của nhiều ngân hàng trung ương. Nhà đầu tư toàn cầu có thể yên tâm tiếp tục mua cổ phiếu vì lạm phát ở đa số nền kinh tế chủ chốt đều dưới mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương. Nếu lạm phát tăng nhanh trở lại, các ngân hàng trung ương phải hút tiền về.

Jeremy Siegel, giáo sư của Trường Kinh doanh Wharton, một người rất được tôn trọng trong giới cố vấn chính sách kinh tế ở Mỹ, vừa có bài viết cảnh báo lạm phát sẽ đến sớm hơn dự đoán trên tờ Financial Times.

Lạm phát tăng sẽ đẩy kỳ vọng lạm phát tăng, kéo giá trái phiếu chính phủ Mỹ giảm và đẩy lợi suất trái phiếu lên. Khi đó, Fed ở trạng thái “tiến thoái lưỡng nan”.

Họ muốn giữ lợi suất trái phiếu thấp để kiểm soát lãi suất chung của nền kinh tế ở mức thấp thì phải tiếp tục bơm tiền ra mua trái phiếu.

Nhưng làm vậy trong bối cảnh lạm phát tăng thì lại có nguy cơ tạo ra siêu lạm phát làm bất ổn vĩ mô. Sự bất định trong chính sách tiền tệ ở thời điểm đó sẽ là một cú đấm mạnh vào thị trường cổ phiếu. Người ta lúc đó sẽ nhận ra nhạc sắp hết và tiệc sắp tàn.

Giáo sư Siegel dự đoán lạm phát sẽ trở lại trong năm 2021. Nhiều người không tin là như vậy, khi mà mức lương trên thị trường lao động vẫn đang bị dịch Covid-19 “đè” xuống. Lương không tăng, việc làm bấp bênh thì lạm phát làm sao mà tăng?

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden lại muốn tăng lương tối thiểu lên. Lương tối thiểu tăng sẽ tạo thành một vòng xoáy giá tăng, lương tăng mới. Nhưng liệu những người Cộng hòa có đồng ý với ông không?

Không ai biết trước được tương lai đầy bất định. Chỉ có điều, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi, bất kể thị trường tài chính biến động ra sao, miễn là chúng ta không để lòng tham lấn át lý trí.

Hồ Quốc TuấnGiảng viên Đại học Bristol, Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,285.72 -4.46 -0.35% 196,313 tỷ
HNX 243.15 -0.76 -0.31% 1,596 tỷ
UPCOM 91.4 -0.08 -0.09% 578 tỷ