Năm điểm nghẽn cản trở sự phát triển của ngành logistics tại TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
Hạ tầng giao thông quá tải, năng lực doanh nghiệp logistics yếu, thiếu nguồn nhân lực… là những điểm nghẽn của ngành logistics được ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM chỉ ra.
Dự kiến từ nay đến năm 2025, Thành phố sẽ tập trung triển khai mời gọi đầu tư 3 trung tâm logistics. Ảnh: Lê Toàn Dự kiến từ nay đến năm 2025, Thành phố sẽ tập trung triển khai mời gọi đầu tư 3 trung tâm logistics. Ảnh: Lê Toàn

Thông tin tại tọa đàm “Logistics TP.HCM cất cánh”, do Cục Hải quan TP.HCM phối hợp với Hiệp hội Logistics TP.HCM tổ chức vào chiều 14/4, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan Thành phố cho biết, năm 2021 mặc dù bị tác động rất lớn bởi đại dịch nhưng sức phục hồi hoạt động xuất nhập khẩu của Thành phố rất lớn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tính đến 31/12/2021 Cục Hải quan thực hiện đạt 127,33 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2020 đạt 116,28 tỷ USD.

Nhìn vào con số này, ông Thắng đánh giá, nếu không tính tác động của đại dịch, dự kiến đến năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá thông qua thành phố dự kiến đạt khoảng 165 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước của Cục Hải quan có thể đạt 130.000 tỷ đồng vào năm 2025 và 147.000 tỷ đồng vào năm 2030.

Giám đốc Sở Công thương cho bết hiện có 1.505 nhà kho, đa số đều có diện tích nhỏ. Do đó, các doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp tại TP.HCM và chuyển dịch sang các vùng lân cận như Bình Dương, Đồng Nai. Ảnh: Trọng Tín
Giám đốc Sở Công thương cho bết hiện có 1.505 nhà kho, đa số đều có diện tích nhỏ. Do đó, các doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp tại TP.HCM và chuyển dịch sang các vùng lân cận như Bình Dương, Đồng Nai. Ảnh: Trọng Tín

Theo ông Thắng, dù đạt tốc độ phát triển nói trên, nhưng chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng logistics tại TP.HCM vẫn chưa đáp ứng quy mô tăng trưởng hàng hoá. Hạ tầng giao thông chưa đạt quy hoạch tổng thể của Chính phủ khiến cho dịch vụ logistisc chưa thể phát triển đúng tiềm năng.

“Với vị trí là cửa ngõ thông thương quốc tế của Đông Nam Bộ, logistics đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của TP.HCM và đây cũng chính là cánh tay nối dài của ngành Hải quan để hỗ trợ, tạo động lực cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19”, ông Thắng nói.

Cụ thể hơn, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết ngành logistics Thành phố hiện đang có năm điểm nghẽn lớn.

Điểm nghẽn đầu tiên là cơ sở hạ tầng như hệ thống đường bộ, đặc biệt hệ thống đường vành đai 2,3,4 chưa hoàn chỉnh, thường tắc nghẽn các tuyến đường bộ đến cảng Cát Lái, ICD Trường Thọ... Tuyến Bắc - Nam kết nối kém với cảng biển, cảng hàng không; Tiêu chuẩn kỹ thuật lạc hậu, thiếu vốn đầu tư nâng cấp, chuyển đổi.

Đặc biệt, sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, các ga hàng không đã hết công suất, chưa phát triển theo mô hình ga cảng hàng không nối dài. “Hiện có 1.505 nhà kho, đa số đều có diện tích nhỏ. Xu hướng kho thu hẹp tại TP.HCM và chuyển dịch sang các vùng lân cận như Bình Dương, Đồng Nai. Hạn chế nữa là TP.HCM hiện tại vẫn chưa có Trung tâm logistics”, ông Vũ nói.

Điểm nghẽn thứ hai được ông Vũ chỉ ra là đến từ thực trạng năng lực doanh nghiệp logistics. Hiện Thành phố có tới 54% doanh nghiệp logistics, nhưng trên 90% là doanh nghiệp logistics nhỏ, siêu nhỏ, vừa.

“Phần lớn doanh nghiệp chỉ cung cấp dịch vụ cơ bản, đơn lẻ. Tiềm lực tài chính yếu (90% doanh nghiệp có vốn điều lệ vài tỷ đồng), mức độ đầu tư công nghệ thông tin hiện đại còn kém”, ông Vũ chỉ ra.

Điểm nghẽn thứ ba, theo ông Vũ là mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của doanh nghiệp không đồng đều.

Điểm nghẽn thứ tư là chi phí logistics chiếm rất cao trên tổng chi phí của doanh nghiệp. Khảo sát 39% doanh nghiệp cho rằng chi phí logistics chiếm 5 - 10% tổng chi phí. Trong đó 60% là chi phí vận tải, 21% là chi phí xếp dỡ, 12% là chi phí kho bãi.

Điểm nghẽn cuối cùng là thiếu nhân lực. Dự báo đến năm 2030, nhu cầu nhân lực toàn ngành logistics cần trên 200.000 người. Riêng TP.HCM cần khoảng 100.000 người, mỗi năm cần 10.000 người. Tuy nhiên, các trường đại học, cao đẳng, trung học nghề trên địa bàn chỉ đào tạo được 2.500 sinh viên, học viên/năm.

Để ngành Logistics thành phố phát triển là ngành tỷ USD, giải pháp mà ông Vũ đưa ra là phát triển hệ thống trung tâm logistics quy mô chuyên nghiệp, giải pháp chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến sử dụng dịch vụ logistics.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ tăng cường hợp tác, liên kết vùng, hỗ trợ vay kích cầu.. “Dự kiến trong tháng 9, Hiệp hội Logistics TP.HCM và Sở công thương diễn đàn logistics, tập trung vào giải pháp liên kết vùng, chuyển đổi số logistics cho TP.HCM”, ông Vũ cho biết.

Theo giám đốc Sở Công thương Thành phố, hiện TP.HCM đang quy hoạch 7 trung tâm Logistics là Long Bình, Cát Lái, Linh Trung, Khu công nghệ cao, Tân Kiên, Hiệp Phước và Củ Chi.

Dự kiến từ nay đến năm 2025, Thành phố sẽ tập trung triển khai mời gọi đầu tư 3 trung tâm logistics tại Khu công nghệ cao, Linh Trung và Long Bình đều có vị trí ở TP Thủ Đức.

“Hiện đã có nhiều nhà đầu quan tâm, nghiên cứu cùng tham gia xây dựng trung tâm logistics TP.HCM”, ông Vũ chia sẻ.

Trọng Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục