Địa ốc vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn
So với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, ngoại tệ, bất động sản luôn là kênh thu hút vốn bậc nhất và có tính lâu dài của giới đầu tư. Tính đến tháng 9 năm nay đã có hơn 1 tỷ USD vốn FDI đổ vào bất động sản. Bất động sản trở thành là kênh thu hút vốn FDI lớn thứ 2 tại Việt Nam chỉ xếp sau công nghiệp chế biến, chế tạo.
Bên cạnh nguồn vốn trực tiếp, nguồn vốn cho bất động sản đang được mở rộng nhờ chính sách thay đổi và các hiệp định TPP, FTA thế hệ mới có hiệu lực. Các định chế tài chính như các quỹ đầu tư, quỹ tín thác (REITs), quỹ tiết kiệm hay quỹ hưu trí, các dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI), gián tiếp (FII)…đang hoạt động hết công suất trên thị trường bất động sản, tạo thành một kênh hút vốn gián tiếp rất hiệu quả.
Thực tế, nhiều quỹ đầu tư lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...đã đầu tư vào địa ốc Việt Nam thông qua nắm giữ cổ phiếu của các công ty địa ốc. Chẳng hạn, Greed Group - một quỹ đầu tư của Nhật Bản đã rót 300 triệu USD cùng với Công ty Bất động sản An Gia thực hiện một loạt dự án ở Tp. HCM. Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM cũng nâng room ngoại lên 70% để rộng cửa đón quỹ đầu tư của Hàn Quốc.
" Tính đến hết tháng 9, lượng kiều hối chuyển về địa bàn Tp.HCM qua các kênh chính thức đạt 3,25 tỷ USD, tăng hơn 12% so với tháng trước và tăng khoảng 4% so với cùng kỳ. Dự báo từ nay đến cuối năm, lượng kiều hối chuyển về trên địa bàn tiếp tục khả quan, dự kiến gần 6 tỷ USD. "
Dòng tiền ồ ạt vào thị trường khiến thanh khoản địa ốc tăng mạnh đặc biệt ở phân khúc cao cấp, trung cấp. Báo cáo của Bộ Xây dựng, 8 tháng năm 2016, tại Hà Nội có khoảng 10.250 giao dịch thành công, và Tp.HCM có khoảng 10.200 giao dịch thành công, giá bán tăng từ 1-5%.
“Hút” kiều hối, tiền nhàn rỗi cuối năm
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch CenGroup cho biết, mỗi năm cần có hơn 100 triệu m2 nhà ở để thị trường duy trì tăng trưởng cao. Đặc biệt với việc Luật nhà ở nới lỏng cho người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam, nhu cầu nhà ở cho người nước ngoài là rất lớn, thậm chí 50% người nước ngoài tại Việt Nam cần mua nhà.
Bên cạnh đó, một nguồn ngoại hối đáng kể đổ vào thị trường là kiều hối. Thực tế 22% lượng kiều hối về Việt Nam đang đổ vào bất động sản. Đây được xem là động lực, nguồn cầu lớn cho các phân khúc nhà cao cấp, trung cấp tại Việt Nam. Dự báo lượng kiều hối về Việt Nam sẽ tăng mạnh từ nay đến cuối năm. Tính đến hết tháng 9, lượng kiều hối chuyển về địa bàn Tp.HCM qua các kênh chính thức đạt 3,25 tỷ USD, tăng hơn 12% so với tháng trước và tăng khoảng 4% so với cùng kỳ. Dự báo từ nay đến cuối năm, lượng kiều hối chuyển về trên địa bàn tiếp tục khả quan, dự kiến gần 6 tỷ USD.
Đáng chú ý, có một sự chuyển dịch ngầm đang là động lực tăng trưởng cho giới địa ốc trong bối cảnh các ngân hàng hạ lãi suất, đó là nguồn tiền nhàn rỗi trong dân đang âm thầm chảy vào bất động sản.
Sau khi tham khảo các kênh đầu tư, bà Nguyễn Thị Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) quyết định dồn số tiền tiết kiệm để mua căn hộ rồi cho thuê lại. Theo bà Mai, vàng và ngoại tệ không còn hấp dẫn, chứng khoán đã tăng cao nên có nhiều nhiều rủi ro và mình lại không rành, do đó bà Mai quyết tâm đầu tư vào bất động sản để đón làn sóng tăng giá.
"Để tiền trong ngân hàng được lãi suất hàng năm nhưng trừ đi lạm phát cũng không còn là bao. Mà đất đai không nở ra nên tôi đầu tư vào kênh này để giữ tiền có giá trị lâu dài”, bà Mai cho biết.
Bà Mai chỉ là một trong nhiều người đang rút tiền khỏi ngân hàng để đầu tư bất động sản nhằm “vừa giữ của, vừa sinh lời” khi lãi suất ngân hàng không đủ hấp dẫn trong khi lạm phát dự kiến lên đến 5%.
Với những yếu tố đó, 3 tháng cuối năm được dự đoán sẽ là ba tháng “nóng” của thị trường bất động sản, đặc biệt là tại phân khúc trung cao cấp.