Năm bận rộn của thanh tra bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) 2023 là năm đặc biệt bận rộn của cơ quan quản lý thị trường bảo hiểm và ngân hàng sau khi kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng xảy ra nhiều vụ việc khiếu nại, khiếu kiện.
Nhiều ngân hàng đã quá chú trọng vào doanh số bán hàng mà không thực hiện đúng quy định, tư vấn không đúng về sản phẩm bảo hiểm Nhiều ngân hàng đã quá chú trọng vào doanh số bán hàng mà không thực hiện đúng quy định, tư vấn không đúng về sản phẩm bảo hiểm

Hàng loạt sai phạm bảo hiểm

Sau khi công bố kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm gồm Prudential, Sun Life, BIDV Metlife và MB Ageas, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, từ tháng 7/2023 tới cuối năm 2023 sẽ tiếp tục thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm theo kế hoạch, tập trung vào nội dung liên kết kinh doanh của công ty bảo hiểm và các ngân hàng.

Ngày 5/10/2023, tại họp báo thường kỳ quý III của Bộ Tài chính, ông Doãn Thanh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thông tin, cơ quan này đã hoàn thành thanh tra 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là AIA và Dai-ichi.

Đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã thanh tra trước đó, kết luận thanh tra của Bộ Tài chính xác định nhiều sai phạm của các doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm: chưa triển khai đúng trình tự, thủ tục bán sản phẩm bảo hiểm; chưa đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, chưa thu thập chính xác thông tin của khách hàng trong quá trình tư vấn sản phẩm; nhân viên ngân hàng - đại lý bảo hiểm chưa thực hiện đúng quy định về sử dụng mã số đại lý bảo hiểm.

Theo các luật sư, chuyên gia pháp lý, tình trạng làm ẩu dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện trong mảng bảo hiểm nói chung, kênh phân phối bán bảo hiểm qua ngân hàng nói riêng tiếp tục lộ diện. Cơ quan quản lý thị trường, kể cả Thanh tra Chính phủ nên mạnh tay “nắn” ngành này đi đúng hướng. Nếu không không áp chế tài phạt nặng và xử lý nghiêm minh thì sẽ khó kiểm soát các vấn nạn, thị trường bảo hiểm khó đổi thay theo chiều hướng tích cực.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, Nghị định 73/2016/NĐ-CP về hoạt động đại lý bảo hiểm quy định, khi kinh doanh bảo hiểm liên kết với ngân hàng, ngoài việc tổ chức ngân hàng hoạt động đại lý được thành lập hợp pháp, nhân viên của tổ chức phải có chứng chỉ đại lý và đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều 86 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000. Khi tiến hành hoạt động tư vấn chào bán sản phẩm bảo hiểm, đại lý bảo hiểm phải tư vấn đầy đủ về sản phẩm, không được lừa dối, đánh tráo khái niệm để khách hàng hiểu sai về sản phẩm bảo hiểm và bất chấp thủ đoạn nhằm ký được hợp đồng với khách hàng.

“Tuy nhiên, thời gian qua, hàng loạt cơ quan báo chí truyền thông đưa tin, nhiều người dân đi gửi tiết kiệm bị nhân viên ngân hàng tư vấn lập hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với giá trị lớn. Nhân viên tư vấn rằng, đây là khoản đầu tư liên kết tặng kèm bảo hiểm nhân thọ, nhưng bản chất là đánh tráo khái niệm lập hợp đồng nhân thọ. Người dân chỉ phát hiện sau những “lùm xùm” về bảo hiểm được các cơ quan báo chí truyền thông phản ánh. Để xảy ra tình trạng này có lỗi của cả nhà quản lý và các ngân hàng”, ông Tuấn nói.

Quy trách nhiệm quản lý

Lỗi được luật sư Bùi Quốc Tuấn chỉ ra đó là các ngân hàng đã quá chú trọng vào doanh số bán hàng mà không thực hiện đúng quy định, tư vấn không đúng về sản phẩm bảo hiểm, vi phạm quy định tại Điều 83 Nghị định 73/2016/NĐ-CP. Đối với cơ quan quản lý các ngân hàng, khoản 11 Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước và khoản 10 Điều 2 Nghị định 16/2017/NĐ-CP đã quy định rất rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước trong kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng.

Luật sư Tuấn cùng một số chuyên gia pháp lý khác cho rằng, hoạt động quản lý nhà nước được thực hiện qua công tác thanh tra, giám sát ngân hàng được quy định trong chương V của Luật Ngân hàng Nhà nước khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Thời gian qua, nhiều ngân hàng liên kết bán sản phẩm bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm đã lộ diện một loạt sai phạm, hàng loạt khách hàng đi gửi tiết kiệm bị đánh tráo khái niệm lập hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, các khách hàng sau khi biết mình bị lừa đã có đơn tố cáo gửi đến Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, cơ quan này chỉ tiếp nhận và chuyển đơn, đồng thời hướng dẫn người dân liên hệ với doanh nghiệp bảo hiểm để được giải quyết, chưa có động thái tiến hành thanh tra để làm rõ sai phạm của các ngân hàng. Hoạt động thanh tra ngoài tuân thủ quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước còn áp dụng Luật Thanh tra để xử lý những sai phạm và tạo tính răn đe, giúp thị trường kinh doanh bảo hiểm lành mạnh, lấy lại niềm tin cho người mua bảo hiểm.

CEO TILA Finance, ông Trương Minh Cát Nguyên chia sẻ: “Tôi được biết, Bộ Tài chính thời gian qua đã xem xét trách nhiệm quản lý nhà nước của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm. Thông tư số 135/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính ra đời là cánh cửa mở toang cho các ngân hàng bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng, cũng là một trong những lý do dẫn đến hệ lụy không kiểm soát nổi trong năm 2023. Nếu Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an không xử lý kịp vụ SCB - Manulife thì hiệu ứng domino có thể xảy ra”.

Liên quan đến quyết định “mở toang” kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, từng có ý kiến cho rằng, việc cho phép các ngân hàng bán bảo hiểm đầu tư lãi suất cao ngay từ đầu (thay vì chỉ cho phép bán sản phẩm bảo hiểm đơn giản, mang tính bảo vệ là chính, sau đó mới dần mở rộng) đã dẫn đến hệ lụy bán bảo hiểm ẩu.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TC Advisors cho hay, ở nhiều thị trường bảo hiểm nước ngoài, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng giai đoạn đầu thường chỉ được phép bán sản phẩm bảo hiểm mang tính bảo vệ như tại Hàn Quốc, Nhật Bản. Chỉ sau khi các ngân hàng chứng tỏ được khả năng quản lý tốt như có tỷ lệ duy trì hợp đồng cao, cơ quan quản lý mới cho phép bán các sản phẩm cao cấp/phức tạp hơn như sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.

Theo giới quan sát, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng tại Việt Nam để xảy ra khủng hoảng như vừa qua, ngoài quy trách nhiệm cho đại lý cũng như bên mua bảo hiểm (do chưa chủ động trang bị kiến thức về bảo hiểm), còn có trách nhiệm của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV).

“Một trong những nhiệm vụ của IAV là đại diện các công ty bảo hiểm hội viên kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về các chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội, tư vấn xây dựng, thẩm định, phản biện các sản phẩm bảo hiểm khi được Bộ Tài chính hoặc doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu theo quy định của pháp luật. IAV đã không có biện pháp hữu hiệu hạn chế việc các thành viên chạy theo thành tích ảo, làm ẩu, không làm tròn trách nhiệm tư vấn các quyết sách quan trọng về bảo hiểm”, ông Trương Minh Cát Nguyên nói.

Đáng lưu ý, luật sư Lưu Vũ Anh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính có quyền giám sát hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng thông qua doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng không được phép thanh tra, kiểm tra các ngân hàng, vì ngân hàng chỉ là đại lý bảo hiểm, còn Ngân hàng Nhà nước được phép thực hiện. Trong năm 2023, nhiều vụ việc người mua bảo hiểm tố cáo lên Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm về việc mua bảo hiểm qua ngân hàng mà nhân viên ngân hàng có hành vi gian dối, nhưng chưa được giải quyết thấu đáo do cơ quan này nói “không thuộc thẩm quyền giải quyết”.

Ông Lưu Vũ Anh cho hay, văn phòng luật sư của ông đang giải quyết một vụ việc khách hàng là người mua bảo hiểm P qua ngân hàng V tố cáo lên Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm về việc ngân hàng có hành vi gian dối, ban hành những văn bản cam kết sai sự thật với khách hàng, nhưng được cơ quan này trả lời là “thuộc thẩm quyền giải quyết của Ngân hàng Nhà nước”.

Do đó, có ý kiến đề xuất, Bộ Tài chính nên được phép thanh tra, kiểm tra các ngân hàng có dấu hiệu vi phạm trong việc bán bảo hiểm, chứ không chỉ là giám sát hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Lãnh đạo Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính cho rằng, nếu Bộ Tài chính chỉ giám sát hoạt động chào bán bảo hiểm tại các ngân hàng thông qua các doanh nghiệp bảo hiểm thì chưa đủ để đảm bảo tính tuân thủ của các ngân hàng trong việc kinh doanh đại lý bảo hiểm.

“Bộ Tài chính cần thanh kiểm tra hoạt động đại lý bảo hiểm của ngân hàng tại chính các ngân hàng. Chỉ bằng cách đó mới có thể bảo vệ được lợi ích của người tiêu dùng dịch vụ bảo hiểm. Vì nếu chỉ thanh kiểm tra tại các doanh nghiệp bảo hiểm thì không thể nào phát hiện ra các sai phạm theo kiểu “ép vay” hay lừa khách hàng chuyển sổ tiết kiệm sang hợp đồng bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư”, lãnh đạo Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, có ý kiến băn khoăn, nếu Bộ Tài chính thanh kiểm tra hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng thì sẽ xảy ra chồng chéo về mặt quản lý nhà nước với Ngân hàng Nhà nước.

Trang Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục