Năm 2023 sẽ là năm nóng kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà khoa học của Liên minh châu Âu cho biết, năm 2023 sẽ là năm nóng kỷ lục khi nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 11 tháng đầu năm đạt mức cao kỷ lục, cao hơn 1,46 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1850-1900.
Năm 2023 sẽ là năm nóng kỷ lục

Kỷ lục này được đưa ra khi các chính phủ đang tiến hành các cuộc đàm phán kéo dài về việc liệu có nên lần đầu tiên loại bỏ dần việc sử dụng than, dầu và khí đốt phát thải CO2, nguồn phát thải chính gây ra hiện tượng nóng lên hay không.

Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) cho biết, nhiệt độ trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 11 cao hơn 0,13 độ C so với mức trung bình cùng kỳ năm 2016, đây là năm dương lịch ấm nhất được ghi nhận.

Copernicus cho biết thêm, tháng 11 năm nay là tháng 11 nóng nhất được ghi nhận trên toàn cầu, với nhiệt độ không khí bề mặt trung bình là 14,22 độ C, cao hơn 0,85 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1991-2020 trong tháng 11 và cao hơn 0,32 độ C so với tháng 11 nóng nhất trước đó vào năm 2020.

"Năm nay đã có sáu tháng phá kỷ lục và hai mùa phá kỷ lục. Nhiệt độ tháng 11 toàn cầu bất thường, trong đó có hai ngày ấm hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, có nghĩa là năm 2023 là năm nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận", Samantha Burgess, Phó giám đốc C3S cho biết.

Các nhà khoa học EU cho biết, mùa thu từ tháng 9 đến tháng 11 cũng là mùa ấm nhất được ghi nhận trên toàn cầu với biên độ lớn, nhiệt độ trung bình là 15,3 độ C, cao hơn trung bình 0,88 độ C.

"Chừng nào nồng độ khí nhà kính còn tiếp tục tăng, chúng ta không thể mong đợi những kết quả khác so với những gì đã thấy trong năm nay. Nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng và tác động của các đợt nắng nóng và hạn hán cũng vậy. Đạt mức phát thải ròng bằng 0 càng sớm càng tốt là một cách hiệu quả để giải quyết rủi ro khí hậu ", ông cho biết.

Tuy nhiên, các nỗ lực nhằm đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015 là giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp đang bị chậm trễ, và đã vượt quá mức mà các nhà khoa học cảnh báo về tác động nghiêm trọng đến thời tiết, sức khỏe và nông nghiệp.

EU có một trong những chính sách về biến đổi khí hậu đầy tham vọng nhất so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào, khu vực này đã thông qua luật nhằm thực hiện mục tiêu vào năm 2030 là cắt giảm 55% lượng khí thải ròng so với mức năm 1990, mà các nhà phân tích cho rằng đây là mức tối thiểu cần thiết để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục