Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu báo cáo hôm thứ Ba (8/8) rằng, nhiệt độ trung bình toàn cầu vào tháng 7 - tháng nóng nhất được ghi nhận cho đến nay – đã nóng hơn khoảng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp kết thúc vào giữa đến cuối những năm 1800.
Báo cáo được đưa ra sau một loạt các đợt nắng nóng chết người và nhiệt độ phá kỷ lục đáng chú ý ở một số châu lục, cũng như sức nóng đại dương chưa từng có trên toàn cầu. Các nhà khoa học của Copernicus cho biết, tháng 7 là tháng mùa hè đầu tiên mà nhiệt độ vượt quá 1,5 độ C, mang đến cái nhìn thoáng qua về mùa hè trong tương lai.
Ngưỡng 1,5 độ C là rất quan trọng vì các nhà khoa học xem đây là điểm bùng phát quan trọng của hành tinh, và khi nhiệt độ vượt qua ngưỡng này, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng và tình trạng thiếu lương thực và nước sẽ càng trở nên bất lợi hơn cho sự sống.
Theo NASA, việc hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C có thể làm giảm khoảng 420 triệu người tiếp xúc với sóng nhiệt cực đoan.
Đó là mục tiêu mà các nhà khoa học đã đưa ra trong Thỏa thuận Paris năm 2015 mang tính bước ngoặt nhằm giảm thiểu thiệt hại của cuộc khủng hoảng khí hậu, đồng thời dành thời gian để cho xã hội và nền kinh tế giảm dần khỏi nhiên liệu hóa thạch đang làm nóng hành tinh.
Mặc dù vậy, ngưỡng 1,5 độ C cũng không phải là vấn đề được theo dõi theo ngày hay theo tháng. Các nhà khoa học đang đặc biệt lo ngại rằng, nhiệt độ toàn cầu sẽ duy trì ở mức trên 1,5 độ C trong thời gian dài. Đến năm 2022, thế giới đã ấm lên khoảng 1,2 độ C.
“Mặc dù việc phá vỡ ngưỡng 1,5 độ C trong một ngày, một tuần hoặc một tháng không giống với việc phá vỡ ngưỡng đó đối với mức trung bình dài hạn, nhưng điều quan trọng là phải theo dõi tần suất và thời gian chúng ta vượt quá ngưỡng này. Khi nhiệt độ tiếp tục tăng, các tác động sẽ tiếp tục trở nên nghiêm trọng hơn”, Rebecca Emerton, nhà khoa học của Copernicus cho biết.
Trong những năm gần đây, thế giới đã cảm nhận được những tác động đáng báo động của cuộc khủng hoảng khí hậu mà nhiều người chưa chuẩn bị sẵn sàng. Nếu hành tinh tiếp tục nóng lên, thế giới sẽ phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt hơn những gì phần lớn hành tinh đã trải qua.
“Chúng tôi đã thấy tác động của những loại sự kiện này đối với con người và hành tinh của chúng ta, vì vậy mỗi phần nhỏ của một mức độ nóng lên đều có ý nghĩa quan trọng”, nhà khoa học Rebecca Emerton cho biết.
Theo Berkeley Earth - một tổ chức phi lợi nhuận về dữ liệu môi trường - chỉ có 10 tháng khác ấm hơn 1,5 độ C so với mức trung bình trong lịch sử, trong đó tháng 3/2023 là tháng gần đây nhất. Trước đó, những tháng khác ấm hơn 1,5 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp đã xảy ra trong mùa đông hoặc đầu mùa xuân.
Robert Rohde, nhà khoa học hàng đầu về Trái đất tại Berkeley Earth cho biết, việc vượt qua 1,5 độ C vào tháng 7 là lần đầu tiên ngưỡng này bị vượt qua trong mùa hè ở Bắc bán cầu, khiến đây trở thành thời điểm quan trọng đối với hành tinh.
“Mặc dù những mùa đông ấm áp bất thường vừa qua là đáng chú ý, nhưng việc quan sát thấy sự ấm áp cực độ vào mùa hè có thể có tác động trực tiếp lớn hơn đến cuộc sống của mọi người. Thêm 1,5 độ C vào mùa đông sẽ tạo ra một mùa đông ôn hòa nhưng làm điều đó trong mùa hè có thể dẫn đến những điều kiện khắc nghiệt chưa từng có”, ông cho biết.
Mặc dù Rohde năm 2023 có khả năng sẽ là năm nóng nhất được ghi nhận, nhưng không có khả năng toàn bộ năm 2023 sẽ ấm hơn 1,5 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp.
“Nhiệt độ trung bình từ đầu năm đến nay vẫn dưới 1,5 độ C và chúng tôi nhận thấy rằng phần còn lại của năm 2023 sẽ không đủ ấm để đưa nhiệt độ trung bình cả năm lên trên 1,5 độ C”, ông cho biết.
Các nhà khoa học của Copernicus lưu ý rằng, khi hiện tượng El Nino tiếp tục phát triển, thế giới có thể chứng kiến thêm nhiều đợt chênh lệch nhiệt độ chưa từng có như thế này.
“Ngay cả khi cuộc khủng hoảng khí hậu không tăng tốc mà tiếp tục theo quỹ đạo hiện tại, chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều ngày, tuần, tháng và năm với nhiệt độ phá kỷ lục và các tác động khác đến hệ thống Trái đất của chúng ta. Chúng ta cần làm tất cả những gì có thể để giảm lượng khí thải và hạn chế sự nóng lên trong tương lai”, nhà khoa học Rebecca Emerton cho biết.