Cuộc chạy đua tiếp tục "nóng"
Ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó tổng giám đốc Phát triển Doanh nghiệp tại Tiki đánh giá, việc nhiều công ty khởi nghiệp trong mảng công nghệ thực hiện IPO không thật sự thành công trên thế giới (Uber, Slack, Wework,…) đã ảnh hưởng khá nhiều đến các nhà đầu tư trong việc định giá và ra quyết định đầu tư doanh nghiệp. Mặc dù mỗi công ty và mỗi ngành nghề sẽ có những đặc thù khác nhau.
Bên cạnh đó, những bất ổn về tình hình vĩ mô, như kinh tế, chính trị toàn cầu, cũng tác động đến dòng vốn, và điều này có thể dẫn đến lượng tiền đầu tư vào các mô hình khởi nghiệp công nghệ sẽ giảm đi đáng kể.
Tuy nhiên, những thử thách này cũng chính là bàn đạp để các doanh nghiệp chứng minh năng lực thực sự của mình.
Điển hình là những doanh nghiệp mang lại nhiều giá trị thiết thực và lâu dài cho khách hàng, cũng như kiểm soát dòng tiền hiệu quả, sẽ là những nhân tố tiếp tục trụ vững trên thị trường và hướng đến phát triển bền vững.
Riêng trong ngành TMĐT, các nền tảng có cơ bản tốt, bao gồm các yếu tố như nền tảng công nghệ, hiệu quả sử dụng vốn cao, tư duy hướng đến khách hàng…, sẽ tận dụng được đà tăng trưởng của ngành để phát triển hơn nữa, cũng như có được lợi thế để giành thêm thị phần từ các doanh nghiệp ít khả năng cạnh tranh hơn.
“Những giá trị mà theo thời gian vẫn sẽ giúp trải nghiệm mua sắm của khách hàng được trọn vẹn hơn, bao gồm: sự đa dạng của sản phẩm, giá tốt và sự tiện lợi khi mua sắm. Đây cũng là 3 yếu tố mà Tiki sẽ tiếp tục đẩy mạnh làm tốt hơn trong năm 2020”, ông Ngô Hoàng Gia Khánh cho biết.
Sự phát triển của TMĐT được kỳ vọng đóng góp lớn vào lĩnh vực bán lẻ.
Còn theo Báo cáo chiến lược năm 2020 của CTCP Chứng khoán VnDirect, cuộc chạy đua thương mại điện tử Việt Nam sẽ tiếp tục “nóng”.
Nhờ nền tảng công nghệ phát triển nhanh chóng, giá trị thương mại điện tử của Việt Nam đã đạt tăng trưởng kép 2015-18 ở mức 25% và ước tính sẽ trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ ba châu Á vào năm 2025 (33 tỷ USD), sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD) (theo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam 2019).
Nhìn lại năm 2019: kẻ đi người ở và cuộc so kè sát sao
Năm 2019 đã chứng kiến nhiều cột mốc quan trọng của thị trường thương mại điện tử (TMĐT) về cả bức tranh kết cấu của toàn ngành lẫn sự phát triển nội tại của từng đơn vị.
Nếu so sánh TMĐT Việt Nam như một cuộc đua tiếp sức dài hơi, thì năm 2019 là cột mốc trao tín gậy đầu tiên kể từ sau 4 năm thị trường này bắt đầu có những ghi nhận đầu tiên hồi năm 2015.
Nếu năm 2015 thị trường TMĐT nước ta được ghi nhận chỉ ở mức 0,4 tỷ đô la Mỹ, thì đến 2019, con số này là 5 tỷ đô, mở ra nhiều kỳ vọng đạt mốc 23 tỷ đô trong giai đoạn tiếp theo vào năm 2025 (theo Google - Temasek).
Nhìn lại năm 2019, ông Ngô Hoàng Gia Khánh cho rằng, đây là năm ngành TMĐT chứng kiến sự rút lui của một số “tay chơi”.
Điển hình có thể kể đến việc CTCP Đầu tư Thế giới di động đóng cửa trang Vuivui.vn vào tháng 12/2018, sau đó là Central Group đóng cửa trang Robins.vn vào giữa năm 2019, và đến cuối năm 2019 lại là một loạt những thay đổi về chiến lược bán lẻ của Vingroup bao gồm cả việc tái cấu trúc trang TMĐT của họ là Adayroi.
Trước sự ra đi của một số đơn vị TMĐT trong năm qua, đồng thời từ quan sát trên thế giới, những thị trường mới như TMĐT lúc nào cũng sẽ rất sôi động ở giai đoạn đầu, nhưng sau đó chỉ còn từ 2-3 tay chơi sẽ trụ lại và chiếm phần lớn thị phần. Câu hỏi đặt ra là liệu kịch bản này có lặp lại với TMĐT ở Việt Nam hay không.
“Nếu chỉ gói gọn trong TMĐT thì kịch bản như thế có thể diễn ra. Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn rộng hơn cho cả nền kinh tế số, và toàn ngành bán lẻ cả online lẫn offline, thì sẽ có nhiều người cùng chiến thắng. Và cuối cùng, thế giới online và offline sẽ cùng kết nối với nhau để mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng”, ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà Sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tiki chia sẻ.
Các cột mốc của Tiki năm 2019
Theo đánh giá của VnDirect, nhìn chung, thị trường thương mại điện tử Việt Nam là một trong những thị trường kém phát triển nhất trong khu vực (chiếm khoảng 3% tổng doanh số bán lẻ tính đến năm 2018, theo Euromonitor) nhưng sẽ có sự mở rộng đáng kể trong 5 năm tới.
Cùng với đó, dân số Việt Nam tương đối trẻ, được tiếp xúc nhiều với công nghệ số, và đang dành nhiều thời gian mua sắm trực tuyến hơn so với việc tới các cửa hàng.
Đây là thị trường lớn nhưng chưa được khai thác đúng tiềm năng đối với các nhà bán lẻ trực tuyến của Việt Nam.
Sự nổi lên của TMĐT đã dấy lên sự lo ngại đối với các chuỗi bán lẻ truyền thống.
Đặc biệt, mô hình TMĐT từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng (B2C) sẽ tăng trưởng mạnh và nắm 5% tổng giá trị bán lẻ tại Việt Nam vào năm 2025 (theo Deloitte 2019) trong khi mô hình từ người tiêu dùng đến người tiêu dùng (C2C) cũng sẽ trở nên phổ biến hơn, nhờ nhiều chương trình khuyến mãi, có thể lựa chọn thời gian giao hàng, nhiều mặt hàng sản phẩm và sự tiện lợi.
"Sự cạnh tranh vị trí dẫn đầu giữa những nhà thương mại điện tử hàng đầu, bao gồm Shopee, Tiki, Sendo và Lazada, đang trở nên khốc liệt và khiến họ đầu tư mạnh vào hậu cần, cơ sở hạ tầng, tiếp thị và quảng cáo. Đồng thời, một vài cái tên đáng chú ý cũng đã rời khỏi cuộc đua, bao gồm Adayroi (Vingroup), Lotte.vn (Lotte Việt Nam) và Robins.vn (Tập đoàn Central Group Thái Lan) do cạn kiệt nguồn vốn đầu tư, tái cấu trúc hoặc ảnh hưởng đến lợi nhuận của các mảng kinh doanh khác trong tập đoàn”, theo Báo cáo của VnDirect.
Tuy nhiên, TMĐT được VnDirect đánh giá, chưa phải là mối đe dọa lớn với các nhà bán lẻ truyền thống trong ngắn hạn. Bởi dựa trênmột khảo sát được thực hiện bởi Deloitte (2019), người tiêu dùng Việt Nam vẫn thích đến các kênh cửa hàng truyền thống để mua sản phẩm điện tử.
Họ có thể nghiên cứu về các sản phẩm qua website trước khi mua chúng tại cửa hàng vật lý.
Hơn nữa, các trang web của các nhà bán lẻ áp dụng nền tảng đa kênh cũng là công cụ yêu thích của người tiêu dùng để tìm kiếm sản phẩm.
Điều này có thể trở thành động lực tăng trưởng cho các nhà bán lẻ khi người tiêu dùng sẽ yên tâm mua sắm trực tuyến hơn từ những doanh nghiệp bán lẻ có thương hiệu và uy tín.