Mỹ - Trung chuẩn bị bắt tay, giới đầu tư phấn khích

(ĐTCK) Kỳ vọng lớn vào thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 sắp được ký kết giúp giới đầu tư phấn khích xuống tiền mạnh vào chứng khoán trong phiên thứ Năm (7/11), kéo các thị trường lên đỉnh cao mới.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Trong một thông báo mới đưa ra, Bộ thương mại Trung Quốc cho biết, 2 gã khổng lồ kinh tế của thế giới đang thực hiện một thỏa thuận sẽ đẩy lùi thuế quan thương mại trong các giai đoạn khác nhau. Trong khi đó, Tân Hoa Xã đưa tin, Bắc Kinh cũng đang xem xét loại bỏ các hạn chế đối với nhập khẩu gia cầm.

Những thông tin trên khiến giới đầu tư càng tăng thêm kỳ vọng vào một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sắp được chốt, nên hào hứng đổ tiền vào chứng khoán, giúp phố Wall tăng mạnh lên mức cao kỷ lục mới trong phiên thứ Năm sau khi lình xình và đóng cửa gần như không đổi trong phiên trước đó.

Tuy nhiên, đà tăng có phần bị hãm lại cuối phiên khi thông tin từ Reuters cho biết, kế hoạch rút thuế quan với hàng Trung Quốc đối mặt với sự phản đối mạnh trong nội bộ Nhà Trắng.

Kết thúc phiên 7/11, chỉ số Dow Jones tăng 182,24 điểm (+0,66%), lên 27.674,80 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,40 điểm (+0,27%), lên 3.085,18 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 23,89 điểm (+0,28%), lên 8.434,52 điểm.

Chứng khoán châu Âu có phiên tăng thứ 5 liên tiếp để lên mức cao mới 4 năm khi nhà đầu tư ngày càng kỳ vọng lớn vào thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 và kết quả kinh doanh tích cực của một số doanh nghiệp vừa công bố như Siemes, Lufthansa.

Kết thúc phiên 7/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 9,76 điểm (+0,13%), lên 7.406,41 điểm. Chỉ số DAX tăng 109,57 điểm (+0,83%), lên 13.289,46 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 24,25 điểm (+0,41%), lên 5.890,99 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á, chờ đợi thông tin chính thức từ thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung khiến các thị trường lình xình và đóng cửa ít thay đổi.

Kết thúc phiên 7/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 26,50 điểm (+0,11%), lên 23.330,32 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,12 điểm (+0,0%), lên 2.978,71 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 158,69 điểm (+0,57%), lên 27.847,23 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 0,14 điểm (+0,0%), lên 2.144,29 điểm.

Sự hứng khởi của nhà đầu tư trên thị trường vàng với kỳ vọng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 sẽ được ký kết khiến vàng mất đi tính hấp dẫn và vai trò trú ẩn an toàn của mình, đẩy giá kim loại quý này lao dốc mạnh trong phiên thứ Năm, xuống mức thấp nhất 3 tháng.

Trong một báo cáo hôm thứ Năm, Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho biết, các quỹ ETF đầu tư vàng toàn cầu đã rót ròng 1,9 tỷ USD vào kim loại quý trong tháng trước, nâng số lượng vàng nắm giữ của mình thêm 44,4 tấn, lên mức cao kỷ lục mới là 2.900 tấn.

Kết thúc phiên 7/11, giá vàng giao ngay giảm 21,9 USD (-1,47%), xuống 1.468,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 26,7 USD (-1,79%), xuống 1.466,4 USD/ounce.

Thông tin tích cực về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giá dầu thô cũng tăng mạnh trong phiên thứ Năm sau khi điều chỉnh nhẹ phiên trước đó.

Kết thúc phiên 7/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,80 USD (+1,4%), lên 57,15 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,55 USD (+0,9%), lên 62,29 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục