Phố Wall bước vào phiên giao dịch cuối tuần nhận được nhiều thông tin tích cực.
Đầu tiên phải kể đến thông tin tích cực về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, việc ký kết các thỏa thuận thương mại giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể diễn ra tại Iowa. Còn theo Tân Hoa Xã, hai nước đã đạt được sự đồng thuận về các nguyên tắc.
Tiếp đó là dữ liệu kinh tế tích cực từ Mỹ và trước đó là Trung Quốc. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, tăng trưởng việc làm của Mỹ chậm lại ít hơn dự kiến vào tháng 10, trong khi một cuộc khảo sát kinh doanh tư nhân chỉ ra rằng hoạt động nhà máy của Trung Quốc bất ngờ mở rộng với tốc độ nhanh nhất trong hơn hai năm vào tháng trước.
Dữ liệu trên làm giảm bớt đi lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, giúp giới đầu tư hàng hứng xuống tiền, đẩy phố Wall lên mức cao kỷ lục mới.
Kết thúc phiên 1/11, chỉ số Dow Jones tăng 301,13 điểm (+1,11%), lên 27.347,36 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 29,35 điểm (+0,97%), lên 3.066,91 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite 94,04 điểm (+1,13%), lên 8.386,40 điểm.
Phiên khởi sắc cuối tuần, cùng với các phiên tăng trước đó giúp phố Wall tiếp tục có tuần tăng điểm. Trong tuần, Dow Jones tăng 1,98% tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Trong khi đó, S&P 500 tăng 3,25%, tuần tăng thứ 4 liên tiếp và Nasdaq tăng 4,09%, tuần tăng thứ 5 liên tiếp.
Chứng khoán châu Âu cũng tăng khá tốt trong nửa cuối phiên cuối tuần sau nửa đầu phiên lình xình khi nhận các thông tin về dữ liệu việc làm khả quan của Mỹ và trước đó là dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc.
Kết thúc phiên 1/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 54,04 điểm (+0,75%), lên 7.302,42 điểm. Chỉ số DAX tăng 94,26 điểm (+0,73%), lên 12.961,05 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 32,04 điểm (+0,56%), lên 5.761,89 điểm.
Với phiên tăng tốt cuối tuần, chứng khoán Anh và Pháp có tuần tăng thứ 2 liên tiếp, trong khi chứng khoán Đức có tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, FTSE 100 tăng 0,76%, DAX tăng 3,59% và CAC40 tăng 1,70%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường lại trái chiều nhau trong phiên cuối tuần. Trong khi chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh giảm do đồng yên tăng giá, thì các thị trường khác tăng giá khá tốt khi giới đầu tư kỳ vọng vào thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.
Kết thúc phiên 1/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 76,27 điểm (-0,33%), xuống 22.850,77 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tằng 29,14 điểm (+0,99%), lên 2.958,20 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 194,04 điểm (+0,72%), lên 27.100,76 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 16,72 (+0,80%), lên 2.100,20 điểm.
Dù điều chỉnh trong phiên cuối tuần, nhưng chốt tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 4,83%, tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng điều chỉnh tăng 3,01% sau tuần giảm nhẹ trước đó. Chỉ số Shanghai composite lại ngược lại, quay đầu giảm 0,52%, trả lại gần hết những gì đã có trong tuần trước. Chỉ số Kospi tăng 2,72%, tuần tăng thứ 4 liên tiếp.
Sau khi tăng cao trong phiên thứ Năm, giá vàng gần như đi ngang trong suốt phiên giao dịch cuối tuần và đóng cửa ít thay đổi.
Kết thúc phiên 1/11, giá vàng giao ngay tăng 1,4 USD (+0,09%), lên 1.514,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 3,4 USD (-0,22%), xuống 1.511,4 USD/ounce.
Giá vàng có tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 1,70%, giá vàng tương lai tăng 1,52%.
Dù giá vàng có tuần tăng thứ 2 liên tiếp, nhưng với dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ và Trung Quốc vừa công bố, cũng như triển vọng thương mại Mỹ - Trung sắp được ký kết, giới phân tích không đánh giá cao về xu hướng tăng của giá vàng trong tuần mới, trong khi giới đầu tư vẫn đặt cược vào đà tăng của giá kim loại quý này.
Cụ thể, trong 14 chuyên gia trả lời, có 4 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 29%, thấp hơn rất nhiều so với con số 78% của tuần trước; trong khi có 7 người dự báo giảm, chiếm 50%, cao hơn rất nhiều con số 6% của tuần trước và 3 người dự báo đi ngang, chiếm 21%.
Trong khi đó, trong 552 người tham gia trả lời khảo sát trực tuyến, có 403 người dự báo giá sẽ tăng, chiếm 72%, cao hơn so với con số 60% của tuần trước; 87 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 16%, thấp hơn so với mức 22% của tuần trước và 62 người dự báo giá đi ngang, chiếm 11%.
Dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ và Trung Quốc, cùng triển vọng thỏa thuận thương mại giữa 2 nước này được ký kết giúp giá dầu thô nhảy vọt trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 1/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 2,02 USD (+3,59%), lên 56,20 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,07 USD (+3,44%), lên 61,69 USD/thùng.
Phiên tăng vọt cuối tuần giúp giá dầu thô lấy lại hết những gì đã mất trong các phiên trước đó trong tuần để có tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 2,74%, giá dầu thô Brent tăng 1,95%.