Mâu thuẫn thông tin thỏa thuận Mỹ - Trung khiến giới đầu tư bất an

(ĐTCK) Chứng khoán Âu, Mỹ đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ Năm (31/10) khi lại xuất hiện những thông tin mâu thuẩn quanh thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung khiến giới đầu tư bất an.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Trong phiên thứ Năm, cũng là phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10, phố Wall nhận thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh khả quan của Apple và Facebook.

Theo đó, cổ phiếu Apple tăng 2,26% sau khi dự báo doanh số cho quý có mùa mua sắm vượt kỳ vọng. Cổ phiếu Facebook cũng tăng 1,81% sau khi báo cáo có sự gia tăng người dùng ở các thị trường sinh lợi và có quý tăng trưởng doanh số quý thứ 3 liên tiếp.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh khả quan của 2 gã khổng lồ công nghệ đã bị lu mờ bởi những thông tin mâu thuẫn về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.

Theo đó, Bloomberg cho biết, các quan chức Trung Quốc nghi ngờ về việc liệu có thể đạt được thỏa thuận thương mại dài hạn toàn diện với Washington và Tổng thống Mỹ Donald Trump hay không. Trong khi đó, Tổng thống Trump sau đó lại cho biết, sẽ sớm công bố địa điểm để 2 nước ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sau khi Chile hủy tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC vào giữa tháng 11.

Kết thúc phiên 31/10, chỉ số Dow Jones giảm 140,46 điểm (-0,52%), xuống 27.046,23 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,21 điểm (-0,30%), xuống 3.037,56 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 11,62 điểm (-0,14%), xuống 8.292,36 điểm.

Dù giảm trong phiên cuối tháng, nhưng chốt tháng 10, Dow Jones vẫn có mức tăng 0,48%, S&P 500 và Nasdaq thậm chí tăng mạnh hơn với 2,04% và 3,66%. Đây là tháng tăng thứ 2 liên tiếp của phố Wall.

Chứng khoán châu Âu cũng chìm trong sắc đỏ trong phiên thứ Năm với mức giảm khá mạnh do giới đầu tư thất vọng về thông tin thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, cùng kết quả kinh doanh thất vọng của một số doanh nghiệp ngành khai thác, sản xuất ô tô và cả Shell gây thất vọng.

Kết thúc phiên 31/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 82,40 điểm (-1,12%), xuống 7.248,38 điểm. Chỉ số DAX giảm 43,44 điểm (-0,34%), xuống 12.866,79 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 36,00 điểm (-0,62%), xuống 5.729,86 điểm.

Chứng khoán châu Âu có diễn biến trái chiều trong tháng 10, trong khi FTSE 100 quay đầu giảm 2,16% do sự bấp bênh của Brexit, trả lại gần hết những gì có trong tháng 9, thì chỉ số DAX và CAC40 vẫn duy trì đà tăng tháng thứ 2 liên tiếp với mức tăng lần lượt là 3,53% và 0,92%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Kông tăng điểm khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với quyết định giảm lãi suất của Fed. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm khi dữ liệu kinh tế yếu kém vừa được công bố càng gia tăng mối lo về sức khỏe nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Theo đó, chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc trong tháng 10 giảm xuống 49,3 từ mức 49,8 của tháng 9 và cũng thấp hơn mức dự báo 49,8 của giới phân tích. Chỉ số PMI dưới 50 cho thất sự sụt giảm trong sản xuất của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Trong khi đó, GDP quý III của Hồng Kông được dự báo giảm 2,9% so với năm trước do cuộc khủng hoảng biểu tình ở thành phố này.

Kết thúc phiên 31/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 83,92 điểm (+0,37%), lên 22.927,04 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 10,26  điểm (-0,35%), xuống 2.929,06 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 239,01 điểm (+0,90%), lên 26.906,72 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 3,21 (+0,15%), lên 2.083,48 điểm.

Dù có nhiều biến động trong tháng do ảnh hưởng nhiều thông tin, nhưng chứng khoán châu Á cũng tiếp tục duy trì tháng tăng thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, Nikkei 225 tăng 5,38%, Hang Seng tăng 3,33%, Shanghai Composite tăng 0,82% và Kospi tăng 0,99%.

Sự bất an của nhà đầu tư về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, cũng như dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc được công bố giúp giá vàng tăng vọt trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 31/10, giá vàng giao ngay tăng 17,3 USD (+1,16%), lên 1.512,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 18,1 USD (+1,21%), lên 1.514,8 USD/ounce.

Phiên tăng mạnh cuối tháng đã giúp giá vàng hồi phục trở lại 2,8% và 2,84% trong tháng 10 sau khi mất 3,17% và 3,69% trong tháng 9.

Thông tin không chắc chắn về thỏa thuận thương mại, cùng dữ liệu kinh tế yếu kém khiến giá dầu giảm.

Kết thúc phiên 31/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,88 USD (-1,6%), xuống 54,18 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,38 USD (-0,6%), xuống 60,23 USD/thùng.

Giá dầu thô ít biến động trong tháng 10, trong đó giá dầu thô Mỹ hồi 0,2% sau khi mất 1,87% trong tháng 9, còn giá dầu Brent lại đảo chiều giảm 0,9% sau khi tăng nhẹ 0,58% trong tháng 9.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục