Vài giờ sau khi Ả Rập Xê Út và các thành viên của OPEC+ thông qua mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong tháng 12, Nhà Trắng nhắc lại rằng họ sẽ xem xét "đầy đủ các công cụ" để bảo vệ nền kinh tế.
Phát ngôn viên của Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết: “Họ có đủ năng lực và sức mạnh để hành động và đảm bảo rằng thời điểm quan trọng của sự phục hồi toàn cầu này không bị suy giảm. Mỹ hoạt động trong một hệ thống thị trường tự do cạnh tranh và OPEC+ là yếu tố tác động đến giá dầu toàn cầu, cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá khí đốt trong nước”.
Việc OPEC+ từ chối xem xét yêu cầu về tăng sản lượng dầu có nhiều rủi ro hơn về khả năng gây ra một cuộc chiến gay gắt với một số khách hàng lớn nhất của tổ chức này. Tuy nhiên, các bộ trưởng năng lượng của OPEC+ nhấn mạnh rằng, họ đã quyết định đúng vì nhu cầu dầu vẫn đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết trong một cuộc họp báo sau cuộc họp, Nga đã quan sát thấy mức tiêu thụ nhiên liệu của châu Âu giảm trong tháng 10, nhấn mạnh thực tế là nhu cầu dầu toàn cầu vẫn đang chịu áp lực từ biến thể Covid-19. "Điều đó có nghĩa là chiến lược tăng dần đều là chiến lược phù hợp”.
Các bộ trưởng của OPEC+ liên tục cho biết, khủng hoảng kinh tế của các quốc gia tiêu thụ dầu lớn là do chi phí khí đốt tự nhiên tăng cao mà tổ chức này không kiểm soát được.
Giá dầu tại London đã tăng 25% kể từ tháng 8, một mức tăng đáng kể nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng 80% của hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên châu Âu trong cùng thời điểm. Ông Alexander Novak cho biết, nếu mọi người nghiêm túc về nguyên nhân thực sự của cuộc khủng hoảng năng lượng, họ nên tập trung vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu và châu Á, và các cơ sở hạ tầng liên quan.
Mối quan tâm của các quốc gia tiêu thụ dầu lớn
Mặc dù việc khai thác nguồn dự trữ chiến lược có thể giúp giảm giá ngắn hạn cho người Mỹ mua xăng tại trạm bơm, nhưng điều đó có thể mang lại rủi ro. Điều này có thể tạo ra một tiền lệ khó chịu vì lượng dự trữ tại Mỹ - hiện ở mức hơn 612 triệu thùng - chủ yếu nhằm mục đích chống lại các thảm họa kinh tế, chẳng hạn như bão hoặc các thảm họa thiên nhiên khác.
Dự trữ dầu chiến lược của Mỹ |
Trong năm qua, các quốc gia tiêu thụ dầu ngày càng lo lắng trước sự tăng mạnh của giá dầu thô: đầu tiên là 50 USD/thùng, sau đó là 75 USD và bây giờ là hơn 80 USD. Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng giá dầu có thể tăng lên 100 USD/thùng thì hồi chuông cảnh báo thực sự bắt đầu vang lên.
Lạm phát tăng nhanh đã đẩy một số ngân hàng trung ương tiến tới việc tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước tiêu thụ dầu khác đã gây áp lực ngoại giao mạnh nhất lên OPEC+ trong nhiều năm nhưng không có tác dụng.
Bob McNally, chủ tịch của nhà tư vấn Rapidan Energy Group và là một cựu quan chức Nhà Trắng cho biết: “Tổng thống Biden đã ra hiệu rõ ràng về phản ứng nếu OPEC + từ chối việc cắt giảm nhanh hơn. Việc giải phóng nguồn cung cấp dầu từ nguồn dự trữ khẩn cấp của Mỹ là lựa chọn khả dĩ nhất”.