Mỹ: Nỗi lo phá sản gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Số hồ sơ phá sản mới được nộp trong quý I/2024 tại Mỹ tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, dù nền so sánh ở mức cao.
Số doanh nghiệp và người dân Mỹ lâm vào tình trạng vỡ nợ gia tăng Số doanh nghiệp và người dân Mỹ lâm vào tình trạng vỡ nợ gia tăng

Có tổng cộng 120.094 đơn xin phá sản tại Mỹ trong quý I/2024, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, hồ sơ phá sản cá nhân là 112.981, tăng 13%; hồ sơ phá sản doanh nghiệp là 7.113, tăng 22% (riêng hồ sơ phá sản theo Chương V, Luật Phá sản dành cho các doanh nghiệp nhỏ là 606, tăng 30%).

Ông Michael Hunter, Phó chủ tịch Epiq AACER cho biết, tháng 3/2024 đánh dấu 20 tháng liên tiếp mà tổng số hồ sơ phá sản cá nhân và doanh nghiệp tăng hàng tháng so với cùng kỳ năm trước. Các yếu tố góp phần vào xu hướng này là chi phí vốn và lãi suất cao, chi phí tiêu dùng và nhà ở tăng…

“Những yếu tố này, cùng với sự ‘bình thường hóa’ khối lượng phá sản được dự đoán sau đại dịch Covid-19, khiến tôi cho rằng, xu hướng nộp đơn xin phá sản sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2024 (năm 2023, tổng số đơn xin phá sản ở Mỹ là 445.186, tăng 18% so với năm 2022)”, ông Michael Hunter nhận định.

Các hồ sơ phá sản mới trong tháng 3/2024 cho thấy mức tăng hàng năm trên tất cả các danh mục hồ sơ chính. Tổng cộng có 44.453 hồ sơ phá sản mới được nộp vào tháng 3 năm nay, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số hồ sơ doanh nghiệp là 2.434, tăng 3%; số hồ sơ cá nhân là 42.019, tăng 5%.

Trước đó, S&P Global nhận xét, 2023 là một năm tồi tệ hơn đối với các vụ phá sản doanh nghiệp so với năm 2020 - vốn được cho là một năm “kinh hoàng” đối với các doanh nghiệp Mỹ. Khi phần lớn nền kinh tế thế giới ngừng hoạt động trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát năm 2020, các doanh nghiệp trên khắp xứ Cờ hoa gặp khó khăn, trong đó có 639 doanh nghiệp phá sản, dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất xuống gần bằng 0 và Quốc hội công bố Đạo luật An ninh, Cứu trợ và Hỗ trợ kinh tế do virus Corona trị giá 2.200 tỷ USD để giúp các doanh nghiệp tiếp tục tồn tại.

Các doanh nghiệp thường nộp đơn phá sản theo Chương 11, Luật Phá sản khi cần thời gian để cơ cấu lại các khoản nợ (tòa án sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình này để tiếp tục hoạt động).

Với các doanh nghiệp nhỏ, Đạo luật Tổ chức lại doanh nghiệp nhỏ năm 2019, có hiệu lực từ ngày 19/2/2020, đã thêm phụ chương mới (Phụ chương V) để giúp doanh nghiệp phá sản dễ dàng hơn và cho phép doanh nghiệp linh hoạt hơn trong việc đàm phán kế hoạch tái cơ cấu với các chủ nợ. Theo đó, các tổ chức có khoản nợ dưới 2,7 triệu USD có thể nộp đơn phá sản theo Chương 11, Luật Phá sản.

Tuy nhiên, vào tháng 3/2020, Đạo luật Viện trợ, Cứu trợ và An ninh Kinh tế (CARES) đã nâng giới hạn nợ tại Phụ chương V lên 7,5 triệu USD, nhằm hạn chế tình trạng các doanh nghiệp có khoản nợ quá nhỏ cũng nộp đơn xin phá sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bà Amy Quackenboss, Giám đốc điều hành Viện Phá sản Mỹ (ABI) cho hay, phá sản là một công cụ không thể thiếu đối với những người tiêu dùng và doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhằm sửa chữa bảng cân đối kế toán của họ trong bối cảnh môi trường kinh tế có nhiều khó khăn, thách thức.

Giới hạn đủ điều kiện mở rộng cho phép nhiều doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn hơn tổ chức lại theo Chương V sẽ hết hạn vào tháng 6/2024, cơ quan quản lý có thể sẽ sớm công bố báo cáo cuối cùng kêu gọi Quốc hội gia hạn hoặc duy trì vĩnh viễn giới hạn tăng lên, cho phép nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn tham gia, doanh nghiệp tái cơ cấu thành công, giảm thanh lý và duy trì việc làm.

Giới hạn đủ điều kiện nợ là 7,5 triệu USD đối với các doanh nghiệp nhỏ muốn lựa chọn việc tổ chức lại theo Chương 11, Luật Phá sản dự kiến sẽ giảm xuống mức 2.725.625 USD. Cơ quan quản lý sẽ trình bày báo cáo và khuyến nghị cuối cùng tại Hội nghị mùa xuân thường niên ABI 2024 vào ngày 19/4 tới tại Washington D.C.

Linh Hương
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục