Quản lý tài sản: Tiềm năng bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dịch vụ quản lý tài sản tại Việt Nam có dư địa tăng trưởng lớn khi đang có các nền tảng tích cực. Quy mô thị trường này được dự báo sẽ đạt khoảng 600 tỷ USD vào năm 2027.
Quản lý tài sản: Tiềm năng bứt phá

Nền tảng tích cực

Quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2002 - 2023 đã ghi nhận những thành tựu đáng kể. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội trong năm 2023, GDP bình quân đầu người ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284,5 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Xu hướng tích cực này không chỉ báo hiệu sức mạnh của toàn bộ nền kinh tế, mà còn là tín hiệu tốt cho thị trường tài chính.

Xu hướng thu nhập khả dụng tăng lên, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực, sẽ mang đến cơ hội mở rộng cho thị trường tài chính Việt Nam. Kết quả tất yếu là sự tăng trưởng của thị trường quản lý quỹ và quản lý tài sản.

Theo McKinsey & Company, hơn một nửa dân số Việt Nam được dự đoán sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu vào năm 2035. Khi thu nhập và tài sản tích lũy tăng lên, nhu cầu bảo toàn và gia tăng tài sản sẽ trở thành một nhu cầu thiết yếu với người dân. Thay vì tự thân quản lý tài sản, nhiều người có thể chọn giải pháp hiệu quả hơn là sử dụng dịch vụ quản lý tài sản tại các tổ chức chuyên nghiệp.

Tiềm năng bứt phá

Thị trường quản lý tài sản Việt Nam đang sở hữu tiềm năng tăng trưởng đáng kể. Các nền kinh tế như Thái Lan, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc có thể được xem là thước đo để so sánh và đánh giá thị trường Việt Nam. Ví dụ, tính đến năm 2022, quy mô thị trường quản lý quỹ tại Việt Nam chiếm xấp xỉ 5% GDP. Con số này vẫn còn khiêm tốn so với một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan (38%), Malaysia (50%), thể hiện dư địa phát triển tại Việt Nam còn rất lớn.

Kể từ khi công ty quản lý quỹ đầu tiên ra đời vào năm 2003 tại Việt Nam, số lượng quỹ đầu tư đã tăng lên 70 vào năm 2021. Đến cuối năm 2023, con số này lên tới 107 quỹ đầu tư chứng khoán được cấp phép đang hoạt động trên thị trường, với tổng giá trị tài sản ròng (NAV) đạt gần 68.000 tỷ đồng, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Hơn một nửa dân số Việt Nam được dự đoán sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu vào năm 2035

Hơn một nửa dân số Việt Nam được dự đoán sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu vào năm 2035

Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư đã có những bước hoàn thiện mạnh mẽ, kèm theo sự ra đời của các quỹ mới, bao gồm quỹ mở, quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và quỹ bất động sản.

Sự hiện diện của các sản phẩm mới trên thị trường chứng khoán mang lại cho các nhà quản lý quỹ nhiều cơ hội đầu tư và đa dạng hóa danh mục đầu tư hiệu quả. Sản phẩm tài chính phong phú cũng giúp thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, đồng thời tạo điều kiện mở rộng các dịch vụ quản lý tài sản.

Báo cáo của McKinsey & Company đưa ra dự báo, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tư vấn tài chính cá nhân trị giá khoảng 600 tỷ USD vào năm 2027, tương ứng với tốc độ tăng trưởng hơn 11%/năm từ mức 360 tỷ USD cuối năm 2022.

Kinh nghiệm quốc tế

Hiện tại, thị trường quản lý tài sản Việt Nam đang đi sau so với các nền tài chính phát triển tại châu Á, nhiều hoạt động quản lý tài sản mới dừng lại ở kênh đầu tư chứng khoán, chứ chưa mở rộng đến toàn bộ các kênh đầu tư như tại nước ngoài (bất động sản, tiền gửi, ngoại tệ…).

Theo đó, ngành quản lý tài sản Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm và rút ra bài học thành công từ các thị trường trong khu vực như Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc).

Theo Statista, tài sản được quản lý trong lĩnh vực tài sản của Singapore dự kiến đạt 203,1 tỷ USD vào năm 2024 và tăng lên 210,9 tỷ USD vào năm 2028. Sự tăng trưởng của ngành quản lý tài sản ở Singapore là do một số yếu tố chính.

Singapore đã trải qua những thay đổi đáng kể trong lĩnh vực quản lý tài sản sau khi Thủ tướng Lý Quang Diệu đưa ra chiến lược “Big Bang” vào năm 1994. Chiến lược này đã tự do hóa thị trường tài chính, cho phép đầu tư nước ngoài và thúc đẩy nền kinh tế thị trường tự do, đưa Singapore trở thành một trong những trung tâm tài chính phát triển nhất thế giới; cung cấp môi trường kinh tế và chính trị ổn định dựa trên nền tảng là một hệ thống pháp luật hiệu quả.

Nhờ vậy, Singapore thu hút được các nhà đầu tư có giá trị tài sản ròng cực cao (ultra-high net worth individuals - UHNWI) và các nhà đầu tư có giá trị tài sản ròng cao (high net worth individuals - HNWI) từ cả các quốc gia châu Á lân cận và các khu vực ngoài châu Á.

Sự phát triển của lĩnh vực quản lý tài sản tại Singapore còn đến từ cơ sở hạ tầng tài chính phát triển, đội ngũ chuyên gia lành nghề và được củng cố nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Với Hồng Kông, nền kinh tế này liên tục được xếp hạng trong Top 3 trung tâm quản lý tài sản hàng đầu trên toàn cầu, nổi bật với môi trường kinh doanh thuận lợi và thuế thấp, thị trường năng động và đa dạng với nhiều nhà cung cấp dịch vụ chuyên biệt. Sự tăng trưởng của phân khúc văn phòng gia đình cùng với các quy định hỗ trợ của chính quyền góp phần thúc đẩy sự tích lũy của cải ở Hồng Kông.

Trong thập kỷ qua, lĩnh vực quản lý tài sản tại Hồng Kông tăng trưởng mạnh, chủ yếu được thúc đẩy bởi vị trí chiến lược có khả năng thu hút UHNWI và HNWI người Trung Quốc, cũng như những điều kiện thuận lợi cho các giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ.

Theo Statista, tài sản được quản lý trong lĩnh vực quản lý tài sản ở Hồng Kông dự kiến đạt 220,3 tỷ USD vào năm 2024 và 228,5 tỷ USD vào năm 2028.

Cả Hồng Kông và Singapore đã xây dựng được hệ sinh thái quản lý tài sản mạnh mẽ thông qua các sáng kiến mang tính chiến lược và khung pháp lý hoàn thiện, đáng để Việt Nam tham khảo, học tập.

Theo đó, Việt Nam nên tập trung vào việc tạo ra một cơ chế đầu tư có quy định chặt chẽ, minh bạch và thân thiện với nhà đầu tư. Khả năng khai phóng toàn bộ tiềm năng của thị trường quản lý quỹ và quản lý tài sản phụ thuộc vào việc thiết lập các khung pháp lý và thuế. Đối với các nhà đầu tư và công ty quản lý quỹ, khung pháp lý thuận lợi và rõ ràng sẽ tạo được niềm tin, từ đó cung cấp môi trường hoạt động ổn định cho các công ty quản lý quỹ.

Thứ hai, tại các thị trường cận biên như Việt Nam, nơi thường xuyên có biến động trong thị trường, các công ty cần áp dụng các chiến lược và biện pháp quản lý rủi ro tinh vi nhằm đối phó với rủi ro một cách hiệu quả.

Thứ ba, thị trường quản lý quỹ và quản lý tài sản vận hành trơn tru cần có cơ sở hạ tầng thị trường đầy đủ, bao gồm nền tảng giao dịch, hệ thống thanh toán và dịch vụ lưu ký thông suốt.

Thứ tư, các tổ chức quản lý tài sản nên hướng tới việc cung cấp các sản phẩm quản lý tài sản phù hợp, có thể tiếp cận được thông qua cả kênh kỹ thuật số và các nhà quản lý mối quan hệ (kênh vật lý). Điều quan trọng là ngành quản lý tài sản phải nắm bắt công nghệ tài chính và áp dụng các công cụ kỹ thuật số để quản lý danh mục đầu tư, dịch vụ khách hàng và đánh giá rủi ro, đồng thời cung cấp một bộ sản phẩm đầu tư đa dạng.

Thứ năm, Việt Nam có thể tăng cường kết nối với các thị trường tài chính trọng điểm và các nước ASEAN để thu hút đầu tư nước ngoài bằng cách thiết lập các hiệp định song phương với các trung tâm tài chính lớn.

Cuối cùng, điều quan trọng là cho phép cư dân ở Việt Nam thực hiện đầu tư tài chính ra nước ngoài và đa dạng hóa danh mục đầu tư ở cấp độ toàn cầu, có các ưu đãi thuế hoặc miễn thuế liên quan đến ngành này.

Việc áp dụng các chiến lược trên không có nghĩa là sao chép các mô hình của Singapore và Hồng Kông, mà Việt Nam cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh kinh tế và quỹ đạo tăng trưởng đặc thù của đất nước.

TS. Devmali Perera - TS. Lê Hồng Hạnh
Giảng viên Tài chính, Đại học RMIT Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục