Hoa Kỳ rà soát hành chính thuế chống bán phá giá một số sản phẩm của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) sẽ rà soát thuế chống bán phá giá với tôm nước ấm đông lạnh, mắc áo bằng thép và tháp gió, đồng thời rà soát thuế chống trợ cấp với mắc áo bằng thép của Việt Nam.
Hoa Kỳ sẽ rà soát hành chính thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam. Hoa Kỳ sẽ rà soát hành chính thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam.

Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa thông báo về thời gian tiếp nhận hồ sơ đề nghị rà soát hành chính thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, DOC rà soát thuế chống bán phá giá với tôm nước ấm đông lạnh (mã vụ việc: A–552–802); mắc áo bằng thép (A–552–812); tháp gió (A–552–814).

Thời kỳ rà soát thuế chống bán phá giá từ ngày 1/2/2023 đến ngày 31/1/2024.

DOC đồng thời, rà soát thuế chống trợ cấp với mắc áo bằng thép (mã vụ việc: C-552–813). Thời kỳ rà soát thuế chống trợ cấp: từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/122023.

Theo quy định pháp luật của Hoa Kỳ, thời hạn để các các bên liên quan nộp hồ sơ đề nghị rà soát là trước ngày 29/2/2024.

Do đó, Cục Phòng vệ thương mại lưu ý các Hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu liên quan cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu quy định, trình tự, thủ tục rà soát thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ.

Thông báo với Cục Phòng vệ thương mại trong trường hợp có nhu cầu rà soát thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Đồng thời hợp tác đầy đủ với Cơ quan điều tra Hoa Kỳ trong suốt quá trình rà soát. Bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Cơ quan điều tra Hoa Kỳ sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp cao hơn cho doanh nghiệp.

Năng lực sản xuất và xuất khẩu của nền kinh tế nước ta ngày càng lớn, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài, trong đó Hoa Kỳ là quốc gia áp dụng nhiều vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam.

Năm 2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 12 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại. Bộ Công thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu xử lý, hiệu quả các vụ việc, thông qua các hoạt động đa dạng.

Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đã đem lại những kết quả tích cực, ghi nhận nhiều vụ việc Việt Nam thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Hiện, Bộ Công thương đã cập nhật theo dõi trên 170 mặt hàng, trong đó đưa ra danh sách cảnh báo sớm đối với 18 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Từ đó giúp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chủ động trong công tác ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài và chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực; xây dựng kế hoạch ứng phó, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực do biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài gây ra.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục